Lỡ duyên chị, chỉ vì em
Ánh mắt tình tứ và sự săn sóc của Dương đã làm Hằng rung động. Nhưng cô em gái dội ngay gáo nước lạnh: "Đàn ông ngọt quá không tin được. Hiền và dại như chị càng phải cẩn thận. Chị đừng gặp anh ta nữa!".
Hằng (31 tuổi, giáo viên mầm non ở Bắc Ninh) từng yêu một người đàn ông công tác gần nhà và có thai với anh ta. Người yêu cô bỏ đi, đứa bé ra đời phải đem cho người khác.
Do xinh đẹp và tốt tính nên sau sự cố đó, vẫn có nhiều người đến với Hằng. Trong đó có Sắc, một sĩ quan hơn 40 tuổi, được mọi người đánh giá là nghiêm túc, chân thành tuy vẻ ngoài hơi khô khan. Ai nấy vun vào cho Hằng, nhưng riêng cô em gái - người có uy tín nhất nhà - lại phản đối. "Chị tôi đến nỗi nào mà phải lấy một người già như vậy? Mà chuyện của chị đã thế rồi, phải giữ giá, đừng săn đón người ta quá".
Tuy cảm mến Sắc nhưng xấu hổ, nể em gái trong khi tự ti về mình, Hằng tỏ ra lạnh nhạt với anh bộ đội. Còn cô em thì xua đuổi anh ra mặt. Kiên trì được gần 2 năm, Sắc bỏ cuộc.
Nhiều chàng trai sau đó cũng bị em gái Hằng phản đối vì người nào cũng có điểm khiến cô thấy lo lắng cho chị mình. Gần đây nhất là Dương, bằng tuổi Hằng, đẹp trai, ga lăng. Dương yêu dù biết chuyện của cô, và trái tim Hằng cũng đập loạn nhịp khi gặp anh.
Nhưng em gái quyết liệt ngăn cản vì "một người như vậy mà yêu chị thì chắc không thật lòng đâu. Có lấy nhau thì sau này hắn cũng vin vào quá khứ của chị để tự do bồ bịch".
Tin người yêu, nhưng vẫn cảm thấy em nói đúng, Hằng òa khóc: "Được rồi, tôi sẽ không bao giờ lấy chồng nữa". Và cô cự tuyệt Dương, một năm qua ngoài giờ lên lớp chỉ chăm chú bán hàng, không tiếp chàng trai nào.
Một trường hợp khác cũng kéo dài cuộc sống độc thân do nể lời em gái, đó là anh Khuê, 34 tuổi, sống cùng cô em ở Thanh Xuân, Hà Nội. Sau nhiều năm gác chuyện yêu đương, miệt mài học hành, trau dồi chuyên môn để thoát cảnh nghèo, gần đây anh đã có vị trí công tác tốt, thu nhập cao nên muốn lấy vợ. Nhưng mấy cô gái Khuê đưa về giới thiệu đều không xứng với anh, theo đánh giá của Hòa - cô em ruột.
"Chị ấy tốt thật nhưng không biết nấu nướng, làm sao chăm sóc anh như em vẫn làm; tuổi lại không hợp"; "Cô ấy sắc sảo quá anh ạ, người không dịu dàng liệu có hợp với anh không?"...
Trong công việc và cuộc sống, Khuê không phải người nhu nhược, nhưng riêng với em gái - người đã cùng anh rời quê sống 13 năm nay ở Hà Nội - anh lại có sự tin tưởng gần như tuyệt đối. Tin em, lại cũng không muốn em buồn, Khuê thường "bỏ qua" các cô gái trên trước khi tình cảm kịp trở thành sâu sắc.
Hòa cũng giới thiệu cho anh trai một số người mà theo cô là xứng đáng vì "thông minh, biết kiếm tiền nhưng không quá phóng khoáng", nhưng Khuê không thấy rung động. Anh vẫn đang chờ một cô gái vừa khiến anh run rẩy, vừa hợp ý em gái anh.
Không chỉ có Hằng và Khuê, nhiều người khác đã bỏ qua các cơ hội yêu và kết hôn của mình vì sự can thiệp thái quá của em gái - thường là người "có tiếng nói" trong gia đình hoặc có uy tín lớn với riêng anh chị.
Nhiều trường hợp anh/chị là người không kiên định, mạnh mẽ trong khi cô em lại dứt khoát nên dễ bị thuyết phục. Hoặc giữa hai người có sự gắn bó tình cảm quá sâu sắc nên rất coi trọng lời khuyên của nhau, nhất là vì họ biết rõ nó xuất phát từ tình yêu và sự quan tâm, lo lắng. Sự can thiệp thái quá và sự nể nang thái quá đã khiến cho nhiều cuộc tình bị tắt ngay ở đoạn khởi đầu.
Một số chàng trai sau đó cũng đã nhận ra mình nên độc lập hơn trong việc chọn bạn gái, nhưng cái tiếng "nghe lời em" đã khiến họ gặp không ít khó khăn. Anh Cường (33 tuổi, Hà Đông, Hà Tây) là một ví dụ. Sau 3-4 mối tình chưa kịp nở đã chủ động cho tàn theo cố vấn của em, anh quyết định từ giờ sẽ chỉ nghe lời trái tim mách bảo.
Rồi Cường thấy mình bị hạ gục trước một người con gái, và nhận thấy cô cũng có thiện cảm với mình. Cuộc "tấn công" có diễn biến tốt đẹp. Nhưng rồi một ngày anh nhận thấy nàng có vẻ lảng ra một cách nhẹ nhàng mà dứt khoát. Mới đây Cường mới biết, cô gái này do quen với khá nhiều bạn bè anh nên đã nắm được khá rõ tình sử của "đối tượng". Sợ rằng em gái sẽ tiếp tục chi phối nhiều mặt cuộc sống của anh sau này nên nàng quyết định không tiến thêm.
Quyên, một phụ nữ từng yêu anh chàng "nghe lời em", kể: Hôm ra mắt gia đình, người yêu Quyên bảo cô nên thay cái váy đang mặc, sợ em gái anh đánh giá không tốt. Đến nhà, thấy anh lúc nào như đón ý em để hướng dẫn người yêu làm cái nọ cái kia, cô đã khó chịu. "Biết là anh ấy làm thế để mình được yêu quý, nhưng tôi thấy sợ lắm. Sau này lấy nhau sẽ phải chiều cả mẹ chồng lẫn bà cô". Suy nghĩ này cộng thêm vài mâu thuẫn khác về quan điểm gia đình đã đưa Quyên đến quyết định chia tay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bỏ cuộc khi người yêu mình chịu ảnh hưởng quá lớn của em gái. Thục Nhi (Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ. Sau nhiều năm trái tim đóng kín, cô nhận ra mình yêu anh trai của cô bạn khá thân tên Hoa, và cũng được đáp lại. Khi biết chuyện, Hoa nói thẳng: "Cậu và anh ấy không hợp nhau đâu. Nếu cậu muốn mình tiếp tục là bạn thì nên thôi đi". Ý Hoa là anh mình phải lấy một cô gái thành phố khá giả, còn Thục Nhi xinh đấy, tốt đấy nhưng đang ở nhà thuê, tài sản ngoài chiếc xe máy chẳng có gì.
Tự ái nổi lên, Nhi rút. Nhưng rồi cô nghĩ lại: Khó khăn lắm mới gặp được người mình có thể yêu, không thể bỏ qua được. Nhưng vấn đề mới lại nảy sinh: Người cô yêu cũng tỏ ra kém mặn mà do sợ em buồn, sợ ảnh hưởng đến tình bạn của em. "Kệ, mình tấn công anh ấy và khiến anh yêu mình đến nỗi những trở ngại kia không còn đáng kể nữa".
Hiện hai người đã xác định sẽ cưới nhau. Tình cảm giữa Nhi và Hoa đang ở hồi lạnh nhạt. Nhưng Nhi tin rằng theo thời gian, điều này sẽ giải quyết được.
"Mà nếu không, thì tình yêu lớn giữa mình và anh ấy cũng xứng đáng để trả giá lắm chứ, cuộc sống vẫn không hoàn hảo mà" - Nhi nói. Cô gái mạnh mẽ này cho rằng, muốn có hạnh phúc thì bản thân hai người trong cuộc phải quyết tâm đến với nhau, rằng "chuyện cả đời" của mình phải do mình quyết định chứ không thể phụ thuộc người khác, kể cả người thân nhất.
Theo Hải Hà
VNExpress