Lễ cưới nghiệt ngã

Chị dâu tôi gọi điện giọng đầy nghiêm trọng, ra “tối hậu thư”: “Bằng mọi giá, tuần sau cô phải thu xếp xin nghỉ phép hai ngày về quê. Mẹ và chị muốn bàn bạc với cô chuyện gả chồng cho con Thắm!”.

Quý cuối của năm, công việc ngập đầu ngập cổ, làm sao mà nghỉ được kia chứ. Chế độ phép thì tôi đã nghỉ từ lâu rồi, giờ lấy lý do gì để có thể lại xin nghỉ làm đây? Nghỉ một ngày còn khó, huống hồ là đến những mấy ngày trời. Đi làm Nhà nước chứ có phải làm ruộng như chị tôi đâu mà tự do hôm nào thích thì làm, không thích thì nghỉ.

 

Tôi đành nhẹ nhàng tìm cách thoái thác: “Em về có giúp được gì cho chị đâu, chỉ tổ vướng bận. Thôi thì ở nhà có mẹ và anh em cô bác họ hàng, chị cứ quyết định mọi bề để lo hạnh phúc cho hai cháu chu toàn. Hôm nào nhà trai làm lễ ăn hỏi và ngày tổ chức đám cưới cho các cháu, em sẽ thu xếp công việc về với chị và cháu”.

 

Vừa nghe vậy chị tôi đã nổi cáu: “Cô có mỗi mình con Thắm là phận cháu gái. Chuyện quan trọng cả đời của nó mà cô lại thờ ơ như không thế à? Cô coi máu mủ ruột rà của mình không bằng con tôm con cá ngoài chợ như vậy thì nhà trai nó khinh nhà mình ra ấy chứ lỵ. Anh cô không còn, nên bất luận thế nào, cô cũng phải về để cùng mẹ và tôi bàn bạc. Thứ 6 tuần tới”.

 

Chị dâu tôi cụp máy đến rụp một cái. Tôi ngao ngán. Chị ấy đã nói vậy, dù chết tôi cũng chẳng dám trái lệnh. Thực ra, tiếng là chị dâu nhưng chị ấy bộc trực, chân thành, luôn đối xử với tôi như chính em gái ruột của mình. Nhà tôi chỉ có mỗi hai anh em, bố tôi mất khi tôi mới 2 tuổi. Anh trai và chị dâu hơn tôi đến 15 tuổi nên ở góc độ nào đó, tôi là em nhưng được anh chị chăm bẵm như con.

 

Khi tôi lớn thì mẹ đã già, tôi được học hành đến nơi đến chốn đều là nhờ công tần tảo của anh chị dâu tôi. Anh trai tôi là giáo viên cấp II, đồng lương công chức chẳng là bao. Mình chị dâu tôi cáng đáng gần mẫu ruộng nuôi mẹ già, một cô em chồng là tôi và 3 đứa con ăn học. Mỗi lần tôi đóng học phí là một lần chị phải bán thóc cho tôi tiền.

 

Chị bảo: “Chị không được ăn học bằng chị bằng em nên có nhiều thiệt thòi, thua kém. Em học được đến chừng nào, chị sẽ cố gắng cho em toại nguyện chừng đó. Sau này thành công của em cũng là niềm vui của anh chị”.

 

Thực lòng, sâu thẳm trong tim, tôi luôn khắc sâu công lao to lớn của chị. Anh trai tôi xấu số nên đã mất cách đây 4 năm. Vì nhiều lẽ nên chưa bao giờ tôi dám làm trái ý chị. Biết không thể không về, tôi đành viện cớ mẹ mệt đột xuất xin cơ quan cho nghỉ hai ngày.

 

Tôi vừa kịp đặt túi đồ xuống ghế, cô cháu gái đã mắt mũi đỏ hoe hoe: “Cô về, cô cứu chúng cháu với. Cứ như thế này chắc sẽ chẳng có đám cưới đám hỏi gì hết cô ạ”.

 

- Cháu nói thế là sao? Mẹ cháu gọi cô về bàn chuyện cưới xin của chúng mày cơ mà?

 

- Hôm nhà trai làm cái lễ sang chạm ngõ, ướm hỏi về lễ ăn hỏi, lễ cưới cho chúng cháu, cô biết thế nào không? Cái Thắm òa lên khóc nức nở.

 

- Thôi nào, nín đi. Cháu bình tĩnh nói cho cô nghe đầu đuôi sự việc. Chuyện rắc rối nào mà chẳng có cách giải quyết, khóc lóc thì ích chi. Tôi dỗ dành cháu gái.

 

- Cô biết không, gia đình anh ấy đâu có giàu sang gì. Bố mẹ anh ấy đều là công nhân viên chức Nhà nước về hưu. Cháu cũng đâu phải hàng cành vàng lá ngọc gì cho cam. Chúng cháu yêu nhau đã ba năm nay, gia đình anh ấy thế nào, con người anh ấy thế nào, mẹ cháu rõ hơn ai. Thế mà mẹ cháu còn đòi hỏi quá đáng như vậy.

 

- Mẹ cháu đòi hỏi quá đáng là quá đáng như thế nào?

 

- Mẹ cháu bảo hôm ăn hỏi, nhà trai phải đủ 9 tráp. Ngoài trầu, cau, rượu, chè, thuốc lá, bánh cốm, bánh phu thê còn phải kèm theo một con lợn sữa quay, một đôi hoa tai và 10 triệu đồng tiền mặt để may sắm đồ cô dâu cho cháu. Chẳng những thế, mẹ cháu còn oái oăm đòi nhà trai phải mang đủ 90 lít rượu nếp cái hoa vàng, 90 kg gạo tẻ loại đặc biệt và 3 lễ đen, mỗi lễ 3 triệu đồng tiền mặt...

 

Nghe đến đây, tôi thật sự ù tai choáng váng. Thế kỷ 21 rồi, quê tôi chỉ cách Thủ đô Hà Nội 50 km mà chị tôi làm như đang ở thời của anh chị ấy. “Liệu có chính xác không cháu?” - Tôi nghi ngờ.

 

- Khổ quá, thì đợi mẹ cháu về cô sẽ rõ cả ngay thôi. Mẹ cháu nói thẳng với bố mẹ anh ấy như vậy mà cháu cảm thấy ngượng và xấu hổ quá. Cháu nói chuyện và xin mẹ đừng làm khó gia đình anh ấy, nhưng mẹ cháu không nghe. Mẹ cháu còn dọa, nếu nhà trai không khẳng định lại là sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà cháu thì mẹ cháu sẽ chưa cho chúng cháu cưới nhau cô ạ.

 

- Thế bố mẹ cậu Quảng (chồng tương lai của Thắm) phản ứng thế nào?

 

- Cô bảo nhà anh ấy phản ứng thế nào đây? Suốt từ hôm mẹ cháu nói như đinh đóng cột như vậy, cháu còn dám mặt mũi nào gặp bố mẹ anh ấy. Quảng buồn lắm, anh ấy chẳng nói năng gì. Chúng cháu yêu thương nhau thật lòng, không vụ lợi, toan tính gì. Vậy mà mẹ cháu lại...

 

Con bé lại ôm mặt khóc hu hu: “Cháu chẳng cưới xin gì nữa đâu. Nếu mẹ cháu cứ khăng khăng như thế, bố mẹ anh ấy có cố lo cho chúng cháu thì sau này cháu cũng chẳng mặt mũi nào dám ở với bố mẹ chồng cả”.

 

Biết tình hình có vẻ gay go nên sau bữa cơm tối, tôi tỏ vẻ sốt sắng chủ động đề cập đến chuyện cưới xin của Thắm. Quả như con bé đã nói trước với tôi, mẹ tôi và chị dâu một mực khăng khăng lễ cưới và lễ ăn hỏi phải diễn ra theo đúng như yêu sách của chị.

 

Tôi hết lời phân tích điều hay lẽ thiệt, khuyên nhủ mẹ tôi và chị dâu đừng làm khó nhà trai. Mẹ tôi trừng mắt quát: “Chị đừng có dạy khôn mẹ con tôi. Tôi hơn 70 tuổi đầu không suy nghĩ bằng chị hay sao. Tôi chỉ có một mình chị là gái, cho chị ăn học bằng người, chị đi du học rồi cưới chồng luôn bên Tây, bố mẹ họ hàng đâu đã được ăn miếng trầu quả cau nào của chị. Vì khi chị về nước, vợ chồng chị đã có con bế con bồng nên tôi đã không thèm đếm xỉa đến cái tội bất hiếu. Giờ chị đừng có đầu têu hùa theo cháu chị chống lại tôi. Cả đời tôi vất vả nuôi con, nuôi cháu, chả nhẽ tôi lại mang cháu tôi cho không thiên hạ hay sao? Đừng mơ!”.

 

Chẳng kịp để tôi nói thêm, mẹ tôi nhổ toẹt bãi nước trầu vào cái ống nhổ rồi vào buồng trong nằm. “Không thay đổi gì hết” - bà cố ngoái lại nói một câu cuối cùng.

 

Chị dâu tôi không gay gắt như mẹ tôi nhưng cũng đầy quả quyết: “Cô xem, nếu nhà trai tiếc tiền tiếc của thì ta cũng chẳng bận lòng làm gì. Cháu cô đâu có hèn kém gì, 5 năm đại học ngân hàng, lại có cả bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, công ăn việc làm ổn định như thế, không đáng để tôi mở mày mở mặt trước thiên hạ hay sao. Tôi và mẹ đã quyết, cô đừng tham gia chuyện này. Cái tôi cần là cô cùng tôi lên kế hoạch tổ chức đám cưới cho cháu cô thật hoành tráng”. Tôi chỉ còn nước lắc đầu bó tay!

 

Sau đám cưới một tháng, vợ chồng Thắm thu xếp về Hà Nội thăm gia đình chúng tôi. Nhìn cháu gái gầy rộc đi mà tôi thấy xót xa cho con bé. Lúc cháu rể đi uống bia với chồng tôi, Thắm kéo tôi vào phòng đóng cửa lại rồi ôm tôi khóc nức nở. Hỏi mãi nó mới mở lời: “Cô biết không, sau đám cưới, bà và mẹ cháu hả hê, hoan hỉ bao nhiêu thì chúng cháu cơ cực bấy nhiêu. Tổng kết lại đám cưới, nhà chồng cháu đã phải vay nợ gần 30 triệu để lo cho chúng cháu. Bố mẹ anh ấy về hưu, lương chỉ đủ chi trả cuộc sống hàng ngày, lấy đâu ra tiền trả nợ. Thế là mọi khoản vay nợ đều đổ cả lên đầu chúng cháu. Cuộc sống vợ chồng chúng cháu mới bắt đầu, chúng cháu chưa tích lũy được gì...” - giọng con bé buồn đến nao lòng!

 

Tôi chỉ còn biết ôm chặt đứa cháu gái bé bỏng vào lòng, lựa lời động viên cháu cố gắng để giữ gìn hạnh phúc. Giá như mẹ tôi và chị tôi thoáng nghĩ hơn thì cháu tôi đâu ra nông nỗi này?

 

 

Theo Giang Hoàng Giang

Hạnh Phúc Gia Đình