"Lấy điểm" với mẹ chồng

“Thật thà như thể lái trâu/ Thương nhau như thể nàng dâu, mẹ chồng” liệu có thực sự đúng? Là người vợ, bạn phân vân và lo âu nên làm thế nào để hạnh phúc gia đình luôn bền vững? Xin giúp bạn một vài bí quyết để có được chỗ đứng thật sự trong lòng mẹ anh ấy.

1. Nói “không” với “công thức hóa”

 

Hãy cố gắng dẹp bỏ những thói quen bạn đã từng có khi còn sống với cha mẹ bạn. Cả tư tưởng “mẹ chồng thì nhẫn tâm, nàng dâu là nạn nhân” nữa. Nếu bạn đến sống ở gia đình anh ấy với thái độ e sợ, rụt rè thì các thành viên trong gia đình sẽ tỏ ra “phòng thủ” với bạn. Mẹ anh ấy sẽ có rất nhiều suy nghĩ về bạn.

 

Vì vậy, để thiết lập một mối quan hệ tốt, bạn nên xây dựng nó từ lúc ban đầu. Trước tiên, hãy cố gắng quan sát và hiểu mẹ anh ấy để từ đó rút ra cách cư xử cho thích hợp. Không nên có thái độ "thù địch".

 

2. Mẹ anh ấy cũng lo sợ về bạn!

 

Đó là tâm lý chung. Thậm chí, ngay khoảnh khắc hạnh phúc nhất của người con trai trong ngày cưới lại là thời điểm người mẹ nhận ra rằng: giờ đây con trai mình sẽ thuộc về người khác; có một người phụ nữ khác bước vào cuộc đời nó, dĩ nhiên, sẽ trở thành “trung tâm chú ý” của nó. Rồi tự nhiên, trong lòng bà bắt đầu có những cảm xúc đan xen và phức tạp về cô con dâu. Bà có cảm giác người con dâu chiếm mất vị trí của bà trong cuộc đời con trai bà.

 

Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng những cảm xúc không thể nào nói bằng lời trong đám cưới của người con trai có thể làm cha mẹ anh ta bị tổn thương và từ đó có ý muốn “phòng thủ” với cô con dâu. Đây cũng là nguyên nhân vì sao nhiều bà mẹ chồng không cho phép con dâu vào bếp trong một thời gian dài, vì họ không muốn mình bị mất quyền kiểm soát.

 

Do đó, bạn hãy nói với cha mẹ anh ấy về nỗi lo sợ của họ, rằng bạn là một thành viên trong gia đình họ chứ không phải là người cướp mất con trai họ. Rồi thời gian sẽ ủng hộ bạn. Hãy cố gắng vượt qua chính mình.

 

3. Tại sao phải cạnh tranh chứ?

 

Chồng bạn cũng là một nguyên nhân gây ra sự bất hòa giữa bạn và mẹ chồng, vì cả hai đều muốn anh ấy là của riêng mình mà thôi. Khi mới về nhà chồng, bạn sẽ có cảm giác mọi người coi bạn như một kẻ xâm phạm ngôi nhà của gia đình anh ấy.

 

Đừng lo, hãy bỏ ra một vài tháng để lấy lòng gia đình anh ấy trước khi bạn muốn thay đổi những vật dụng hay cách bố trí trong nhà. Nếu bạn cứ cố gắng chứng tỏ bạn mới là chủ căn nhà thì mẹ anh ấy sẽ phật lòng ngay. Do đó, hãy từ bỏ ý nghĩ cư xử với mẹ chồng như một đối thủ đi nhé.

 

4. Có thể, bạn không phải là cô gái mà họ từng mơ ước

 

Đôi khi, cha mẹ chồng sẽ tỏ ra cáu gắt với bạn vì trước đây họ từng tưởng tượng người vợ của con trai mình khác bạn rất nhiều, và bạn không làm vừa ý họ. Hãy ngồi xuống bên họ và kể cho họ nghe sự quan trọng của công việc bạn đang làm hơn là tỏ ra giấu giếm và giữ kẽ.

 

5. Những việc sau sẽ có ích cho mối quan hệ giữa bạn và mẹ chồng:

 

• Cùng đi mua sắm với mẹ anh ấy.

 

• Đem một bộ phim hài về nhà và rủ mẹ anh ấy cùng xem. Cả hai sẽ có những giây phút vui vẻ và thoải mái bên nhau.

 

• Chia sẻ với mẹ anh ấy về những kỷ niệm vui hoặc “tầm phào một chút” trong cuộc sống để cả hai gần gũi nhau hơn.

 

• Cùng xem lại những cuốn album của gia đình.

 

• Không nên “tám” với người hàng xóm về mẹ chồng bạn. Những từ ngữ bạn thốt ra có thể đến tai bà.

 

Theo Lê Ý Vi

Tuổi trẻ/Weddingsutra