Lấy chồng vì mẹ

Chuyện cô Mơ con bà Mận tự vẫn ngoài bờ sông xôn xao khắp xóm Ghềnh. May mà có anh Từ kịp phát hiện, trước khi cô Mơ lao đầu xuống dòng nước xiết.

Mọi người kháo nhau trăm ngàn câu chuyện xoáy quanh sự kiện sốt dẻo đó. Nào là cô Mơ uất ức bà Mận đâm ra nghĩ quẩn, nào là cô Mơ thất tình nên tính kế quyên sinh, có người độc miệng còn bảo cô Mơ chửa hoang, vì vậy tìm tới cái chết...

 

Duy chỉ có người biết đích xác nhất là tại sao cô Mơ phải làm như thế chính là anh Từ, người đã kể lại cuộc hội ngộ bất ngờ giữa anh và cô Mơ trong cái đêm hôm ấy.

 

Mọi năm, con sông chảy qua xóm Ghềnh êm ả trôi đều đều. Năm nay, nước đột ngột chảy mạnh, sóng cuộn gào réo đêm ngày. Những người già trong xóm bảo đó là điềm dữ, sẽ có nhiều người trẻ tìm đến bờ sông, giống như cô gái đó nhiều năm về trước.

 

Không hiểu chịu nỗi oan khiên, tình duyên bị ép uổng đến đâu mà đúng năm đó, cô gái ở đâu tìm về bờ sông, trút bỏ y phục giầy dép, rồi trầm mình xuống dòng nước xiết. Năm đó con nước to. Người xóm cảm động lập miếu thờ gọi là Miếu Cô. Miếu Cô thiêng lắm. Những đêm trăng thanh gió mát, vẫn có bóng người con gái mặc bộ áo quần trắng, thướt tha hiện về dạo chơi ven bờ sông.

 

Rồi năm nào cũng thế, nếu con nước to, y rằng sẽ có ít nhất một người con gái chưa chồng bị ép duyên, đến bờ sông tìm cái chết. Chính vì vậy, chẳng có một ai dám bén mảng tới bờ sông mỗi đợt nước to. Duy nhất, chỉ có anh Từ không sợ con nước to, không sợ những câu chuyện huyền bí nửa hư nửa thực ở con sông này, mà tự nguyện gắn bó với nó.

 

Người trong xóm chẳng biết anh Từ xuất xứ ở đâu, là con cái nhà nào, chỉ biết là anh sống với con sông từ lâu lắm. Đến cái tên Từ cũng chẳng phải của anh, là do một vị cao niên đã khuất, tặng cho thằng bé chài lưới từ nơi khác tìm đến tá túc. Những đêm trăng thanh gió mát là những đêm dường như Từ không ngủ. Anh ngồi ngắm trăng sao và ngóng bóng hình người con gái, trong những câu chuyện thực hư.

 

Đêm nay cũng vậy, Từ đang dựng cần câu nhìn ra xa thẳm, hút hắt bên kia bờ sông, bỗng nghe đâu đây tiếng khóc nỉ non của một người con gái. Tim Từ đập rộn ràng: Cơ hội nghìn năm có một là đây, chỉ lát nữa thôi bóng người con gái sẽ hiện ra trước mắt anh.

Mà đúng như thế, kia có phải là cô gái, đang quỳ gối dưới bệ thờ trong Miếu Cô vật vã khóc. Than thở hồi lâu, người con gái mặc bộ quần áo trắng nhẹ nhàng tháo chiếc khăn trắng đang quàng cổ, rồi vắt lên bệ thờ và bước ra khỏi miếu. Đếm từng bước tới sát bờ sông, cô gái khẽ dựa mình vào phiến đá bên sông.

 

Dưới ánh trăng sáng bạc, thân thể người con gái ngời lên như sáp nặn. Ngực Từ như ngưng thở, hai mắt dán chặt vào hình ảnh trước mặt, nhưng rõ ràng anh thấy khuôn ngực người con gái đang phập phồng thở. Từ đắn đo: Người hay ma? Ma làm sao thở được?

 

Chưa kịp trả lời, Từ bỗng thấy cái bóng trắng đổ ập xuống dòng nước tối sẫm. Một tiếng ầm ghê rợn, Từ chợt giật nảy mình, lao xuống dòng nước xiết, vội vã lần tìm bàn tay đang chới với, chới với...

 

Phải khó khăn lắm Từ mới dìu được người con gái lên bờ. Đặt nhẹ cô lên phiến đá rộng, anh vội vàng hô hấp làm ấm nóng toàn thân cho cô gái. Sau đó khoác vội lên người cô bộ quần áo rộng thùng thình của anh.

 

Mãi một lúc sau cô gái mới ợ lên một tiếng, nôn thốc một vũng nước to ra bên ngoài. Từ chầm chậm nâng đầu cô gái lên, ghé miệng cô gái vào bát nước cháo cho cô húp vài hụm. Cô gái nuốt yếu ớt và thiếp đi trong vòng tay Từ.

 

Tờ mờ sáng hôm sau cô gái mới tỉnh, nhưng giọng nói còn nhỏ lắm: “Em là Mơ, nhà ở cuối xóm. Em biết anh nhưng anh chẳng thể biết em, bởi vì đây là lần đầu tiên em ra sông và gặp anh, chẳng biết đó là vui hay là buồn...”. Và câu chuyện Mơ kể cho anh Từ nghe về bà Mận.

 

Mẹ cô bắt cô yêu người cô không yêu, rồi lại ép cô lấy người cô không muốn lấy, mặc cho cô khóc lóc, van nài thế nào bà cũng không nghe, kể cả khi Mơ nhắc đến từ chết và dọa sẽ tự tử bà Mận cũng không hề suy chuyển.

 

Bà đã nhận lễ vật nhà người ta rồi, chỉ chờ có ngày cưới, bên nhà họ cũng đã rục rịch ngày đón dâu, không có cớ chỉ vì Mơ không thích mà hỏng chuyện đại sự của cả hai nhà. Ở đâu thì được, chứ ở cái xóm này không thể có chuyện đó.

 

Bà Mận nghĩ, như bao người xóm vẫn thường nghĩ: Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó, phận làm con phải biết nghe lời. Nước mắt Mơ thấm đẫm vai áo người con trai trong lần đầu gặp gỡ. Từ khe khẽ lau nước mắt cho Mơ, nhẹ nhàng trách cô sao dại dột vội vàng tìm tới cái chết. Cách giải quyết tiêu cực đó không làm tan nỗi oan khiên. Trái lại, càng nhân nó lên thành đau thương tích tụ muôn đời muôn kiếp, giống như cô gái trong câu chuyện huyền bí ở xóm Ghềnh. Chết rồi mà nào có được nguôi ngoai...

 

Từ khuyên Mơ nên trở về nhà trong lúc này, dẫu sao nơi đó cũng làm dịu bớt nỗi đau đang quá lớn. Mọi việc từ từ rồi sẽ có cách giải quyết. Không hiểu sao lần đầu tiên trong đời, Mơ lại ngoan ngoãn nghe lời một người con trai mới quen biết. Ôm chặt Từ vào lúc giã biệt, Mơ biết mình chẳng thể nào quên người con trai ấy. Thân thể người con gái đang ôm mình trong vòng tay làm mặt Từ đỏ ran.

 

Nhớ lại lần va chạm giữa hai cơ thể trong lúc cứu nạn, Từ cứ bịn rịn, nắm chặt đôi bàn tay nhỏ xinh của người con gái trong tay mình. Anh biết mình sẽ khó lòng quên được người con gái đó. Rút vội bàn tay còn ấm nóng ra khỏi tay Từ, Mơ vội vã chạy về căn nhà cuối xóm:

 

- Chị đã về đấy ạ? Tôi tưởng chị không còn muốn về cái nhà này nữa. Người ta kháo nhau, chị chống tôi trầm mình xuống sông rồi định ở luôn đó với hạng chài lưới không cha không mẹ. Cơm không muốn ăn lại muốn nhịn. Tôi chỉ muốn tốt cho chị thôi!

 

Cái anh Việt Vũ nhà hàng cửa khóa kéo trên phố huyện, rõ ra con người tử tế. Chỉ nay mai họ đến đón chị về. Còn cái bản mặt tôi đây, còn chị. Chị muốn nghĩ sao thì nghĩ.

 

Như vậy là đám cưới đã được ấn định, chỉ ít lâu sau, Mơ đã là dâu con nhà giàu có nhất nhì phố huyện.

 

Cũng như Mơ, cậu con trai nhà Việt Vũ chẳng có tình cảm gì với Mơ nhưng thấy cô thôn nữ hay hay, dễ thương, xinh đẹp nên xiêu lòng. Cõi lòng Mơ giá băng còn trái tim tan nát. Chỉ còn đêm nay Mơ sống đời con gái. Cô quyết định sống cho riêng mình. Tối hôm đó trong Miếu Cô có đôi trai gái cùng kết duyên vợ chồng, quỳ lạy thành kính dâng lên quý Cô tấm lòng thủy chung, thơm thảo.

 

Trong tiếng sóng sông xô bờ, có lời tình tự của người con trai: “Không. Lẽ ra chúng ta không nên như thế này. Như thế sẽ làm khổ em. Anh không muốn em khổ. Không...” Anh đừng lo. Em chịu khổ được mà. Chịu khổ cả đời cũng được. Chỉ cần em có anh...”.

 

 Đám cưới nhà giàu phố huyện, làm nở nang bao khuôn mặt nhà nghèo xóm Ghềnh. Cả xóm huyên náo đến mấy ngày trời, vì dư âm hoành tráng của một trong những đám cưới to nhất vùng từ trước đến nay. Ai cũng khen cô dâu xinh đẹp, tươi tắn như ruộng hạn gặp cơn mưa rào, còn chú rể oai phong, lịch lãm.

 

Đám đưa dâu đưa cô Mơ về phố huyện, xóm Ghềnh cũng vắng luôn bóng dáng chiếc thuyền chài, cùng anh Từ đánh cá bên sông. Bến sông trở nên heo hắt, buồn hiu. Chẳng còn bóng người con gái mặc bộ quần áo trắng, cùng những huyền thoại hư hư thực thực. Miếu Cô mất đi vẻ huyền bí linh thiêng.

 

Gần một năm sau ngày cưới, cô Mơ hạ sinh một cậu con trai khỏe mạnh. Lúc mới bế đứa bé lên nựng nịu, thoạt nhìn thằng cháu ngoại, bà Mận không cầm lòng nổi, buột miệng thốt lên: “Mẹ cha cái thằng chài lưới của bà!”. 

 

Theo Nguyễn Minh Phương

Hạnh phúc gia đình