Lấy chồng Tây là vô phúc?

Có một người bạn, xưa là bạn nhưng đã hơn hai năm tôi không liên lạc thường xuyên và cố tình tránh mặt, có lần gọi điện thoại rồi để lại một nhắn tin thật dài, nửa trách móc, nửa phê phán.

Đại loại là người này phán rằng tôi là một người vô phúc, trách tôi bất hiếu, không tìm được một người bạn đời đàng hoàng để sau này giúp đỡ cha mẹ tôi. Nào là tôi không biết cách sống, tôi ích kỷ, tôi thế này thế kia và sau cùng là tôi tự mang họa vào thân.

 

Thôi thì số tôi là vậy, khi sinh ra trời mang tặng tôi một ngôi sao để chiếu cố cái số đời của mình. Nhưng tôi ghét khi người đó không biết đầu đuôi câu chuyện, không biết nguồn gốc của lý do thì đã nhanh miệng phán xét một cách tiêu cực, chỉ vì người bạn đời tôi chọn không là người theo số đo “lý tưởng” của văn hóa Việt Nam. Nhưng có phải vậy mà tôi vô phúc? Có phải không tìm được một người bạn đời bất đồng văn hóa hay ngôn ngữ là vô phúc?

 

Có một lần tôi gặp một người quen biết sơ sơ mà thôi, tuy nhiên anh ta lại “vui” một câu rất vô tư nhưng chứa đầy ngụ ý, anh nói với tôi rằng: “T, with your criteria and qualifications, you could have done a whole lot better than that.” Better than what? Tốt hơn cái gì? Làm sao so sánh được hạnh phúc của người A, trong cuộc sống của người A mà cho là người B, với cuộc sống của người B là không hạnh phúc?

 

Phải, chúng tôi trải qua rất nhiều gian nan, phải dùng ngôn ngữ thứ hai để tiếp giao tình cảm, nhưng tôi không cảm thấy mất hay thiếu sót một ounce hạnh phúc nào cả. Anh không giàu, không nhiều bạn bè, không thích ăn diện, không đòi hỏi, không chê bai tôi, không xem thường tôi... Hai chúng tôi xây dựng hạnh phúc bằng sự tôn trọng lẫn nhau, tìm hiểu nhau, che chở cho nhau... giản dị thế mà tôi lại thấy hạnh phúc vô ngần.

 

Đó là vì tôi không đo lường hạnh phúc của tôi với người khác, mà đo lường hạnh phúc của tôi và người tôi chọn. Trong cái nhìn của người khác, có lẽ tôi là người vô phúc, vì tôi chọn người ngoài vòng văn hóa và phong tục tập quán, và theo họ đó là điều làm tôi vô phúc. Nhưng thiết nghĩ, có nhiều người cùng văn hóa, đồng ngôn ngữ, nhưng hôn nhân của họ lại bị cắt ngang, dẫn đến việc ly thân và ly dị rồi đâm ra ghét nhau, bôi nhọ nhau... như vậy thì có hạnh phúc không?

 

Trong quan điểm của người khác, cuộc sống của tôi hơi bị “phản” thực tế và “phản” văn hóa, nhưng suy ra thì nhiều lúc cái “phản” của tôi cũng không hẳn là xấu, và cũng không hẳn là phũ phàng. Tự mình sống cho thâm tâm của mình thoải mái, có thăng bằng, lý trí... cứ vô tư mà ăn, cầu nguyện, rồi yêu người yêu mình thì hạnh phúc cứ mãi hoài hạnh phúc.

 

Trích Nhật ký của T.N

Đẹp