Lấy chồng “có uy”
Phấn khởi gọi điện thông báo tin siêu âm con gái cho chồng nhưng Vy chỉ nhận được câu nói cụt ngủn từ ông xã: “Thế mà vui nỗi gì” rồi đầu dây bên kia đột ngột tắt máy.
Chiều về thật sớm, Vy chuẩn bị cơm nước tươm tất nhưng hai mẹ con chờ mãi chưa thấy bố về. Vy đành cho cô con gái 4 tuổi ăn cơm trước.
Khuya mới thấy chồng lảo đảo bước về nhà, Vy hớn hở cầm tấm ảnh siêu âm mang khoe thì anh lạnh lùng bảo “cất đi” rồi lên gác ngủ. Từ hôm ấy, Hiệu thành ra hay cáu bẳn. Hễ con gái ôm đồ chơi lại gần bố là anh bĩu môi: “Đúng là đồ đàn bà. Có lắp mấy cái hình cũng không nên hồn”. Cuối tuần, Vy ngỏ ý muốn chồng đưa hai mẹ con về bên ngoại ăn cơm thì anh chối đây đẩy: “Anh bận, hai mẹ con tự đi đi”.
Hồi sinh bé đầu lòng, Hiệu luôn động viên vợ: “Con nào cũng được em ạ. Trai hay gái đều như nhau cả”. Nghe chồng nói thế, Vy cũng yên tâm phần nào nhưng càng ngày Hiệu càng bộc lộ rõ “bản chất” thích con trai. Anh kể cho vợ nghe những câu chuyện về đám bạn hoặc đồng nghiệp sinh con một bề với lời chế giễu: “Thế là gia sản sau này cho con rể phá hết”. Nên giờ, biết tin có bé gái thứ hai, anh đâm ra cục cằn với vợ con.
Khác với Vy, Mai Anh hiểu tính chồng từ lúc mới yêu nhau. Tuấn, chồng Mai Anh, quen được mẹ và hai bà chị gái cưng chiều nên thích gì được đấy. Những việc lớn nhỏ Tuấn tự quyết định mà không cần hỏi ý kiến vợ. Mai Anh có thể thông cảm, bỏ qua, chỉ khổ nhất là anh lại mang cả tính này lúc vợ chồng “gần gũi”.
Những lúc Tuấn “muốn yêu” thì kiểu gì Mai Anh cũng phải chiều. Có lần vợ đang lau chùi bếp núc, Tuấn cứ “lao” tới đòi “làm” ngay. Kết quả là nguyên một chai mắm đổ lên người Mai Anh và cô vợ cũng phải mất công dọn dẹp lại toàn bộ căn bếp sau đó.
Ông xã nhà Quỳnh thì luôn kiểm soát thực đơn ăn uống hàng ngày của gia đình. Sáng nào Quỳnh đi chợ cũng phải kê khai chi tiết những loại thực phẩm cần mua để ông xã kiểm duyệt và thông qua. Có hôm, chợ hết rau cải, Quỳnh tự ý đổi bữa bằng rau ngót. Có thế mà tối về hai vợ chồng cũng lục đục với nhau. Biết ý, những lần thay thực đơn sau, Quỳnh luôn phải “alô” thăm dò ý kiến chồng để tránh cãi vã.
Không những thế, nhiều lần Quỳnh hì hụi lau xong sàn nhà bóng loáng thì ông chồng sau giờ làm trở về, cứ đi nguyên cả dép vào, mở tủ lạnh, lấy nước uống. Quỳnh có hơi cằn nhằn thì anh vô tư đáp: “Anh đang khát. Chờ cởi giầy thì đến bao giờ”.
Thích ứng với ông chồng gia trưởng
Phần lớn phụ nữ đều mang tâm lý muốn giữ hòa khí trong gia đình mà vô tình nuông chiều những đòi hỏi quá đáng từ chồng. Người vợ, trước hết, phải tự xác định được những đặc tính được xếp vào hàng gia trưởng để tìm cách dung hòa với chồng.
Nếu phát hiện thấy chồng mình có bản tính độc đoán, ngay từ đầu, người vợ nên biết cách đấu tranh với tính cách này. Nên bày tỏ thái độ hoặc phản đối chồng thay vì im lặng, bỏ qua. Người vợ nên lựa lúc vợ chồng vui vẻ, góp ý với chồng bằng thái độ mềm mỏng, tuyệt đối tránh phê phán hoặc chỉ trích chồng nặng lời.
Tuy nhiên, người vợ cũng nên biết rằng, nếu đây là tính cách của chồng thì rất khó thay đổi, chỉ có thể tìm cách thích nghi tối đa nhất. Chẳng hạn, nên kiên trì phân tích quan điểm của mình để chồng hiểu và tôn trọng vợ.
Nếu sự gia trưởng chỉ xuất hiện khi chồng muốn chứng tỏ quyền uy trong gia đình và không gây hại tới hạnh phúc vợ chồng, người vợ nên khéo léo sống chung với nó. Nhiều trường hợp, bản tính gia truởng của chồng có thể dẫn tới những hành vi bạo lực trong gia đình. Khi ấy, người vợ nên nhờ đến sự trợ giúp của người thân, bạn bè hoặc chính quyền địa phương.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé