Lấy chồng "bang chủ"

Chồng không uống rượu, không hút thuốc cũng không lăng nhăng... nhưng vợ vẫn cảm thấy đau khổ, bất hạnh, thậm chí đòi ly hôn. Lý do: Không chịu nổi đấng lang quân suốt ngày ôm mộng làm cao thủ võ lâm, bang chủ, mê gameonline hơn con và vợ.

Ăn game, ngủ game

 

Nghe ai nhắc đến hai từ game online, chị Ngọc Bích - chủ một cửa hàng điện gia dụng ở Q.Bình Thạnh, TPHCM đanh mặt lại. Vì chồng chị đã "dấn thân" vào thế giới ảo, rồi say mê đến quên ăn, bỏ ngủ.

 

Chị Bích kể: "Ban đầu chỉ là game Pikachu, xếp kim cương... Từ khi biết game Võ lâm truyền kỳ (VLTK) thì anh ấy đâm ra nghiện, chơi cả ngày lẫn đêm, việc nhỏ, việc lớn trong nhà đều phó mặc cho tôi. Hỏi chuyện gì anh cũng nói: "Em tự quyết đi" và mắt thì dán chặt vào màn hình.

 

Những lúc mệt mỏi, tôi rất cần sự động viên chia sẻ của chồng, nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ của anh. Anh chỉ lo làm sao để... bang hội ngày càng hùng mạnh. Ngày cũng như đêm, anh chỉ mải mê "luyện công" và đã bỏ hàng chục triệu tiền thật để mua tài sản ảo là ngọc bội, bảo kiếm...". 

 

Còn chị Hoàng Yến, từ ngày chồng theo chân anh hùng Kiều Phong gia nhập vào chốn giang hồ với game online "Thiên Long bát bộ" thì chị tự nhủ mình là "single Mom" (bà mẹ đơn thân). Đi đám cưới, đi khám bệnh, đưa con đi chơi... chị một thân một mình, vì anh Hải - chồng chị đang trên đường "hành hiệp trượng nghĩa".

 

Không chỉ có phu nhân bực bội chuyện phu quân mê game, mà "tiểu thiếu gia" chín tuổi còn "hậm hực" hơn, vì cha đã độc chiếm máy vi tính duy nhất, trong khi "thiếu gia" cũng mê game chẳng kém. Hầu như, đêm nào phu nhân cũng phải chịu trận, vì cuộc "khẩu chiến" giữa phu quân và tiểu tử.

 

Chung tâm trạng với chị Bích, chị Yến, là chị Thanh Xuân - làm bảo mẫu của một trường mầm non. Lý do khiến anh Hùng chồng chị Xuân nghiện game cũng rất lạ: Trong công ty bị sếp, đồng nghiệp chèn ép, xem thường nên anh quyết trở thành... bá chủ chốn giang hồ... ảo. Hiện chồng chị đã vượt xa cấp 100, là chủ một bang hội với mấy trăm thành viên.

 

Và điều cả chị và chồng không ngờ đã xảy ra: Cách đây 10 ngày, chồng chị bị kỷ luật, bị buộc thôi việc vì thường xuyên chơi game trong giờ làm việc. Chị nói: "Tôi đã nói rõ với chồng, hoặc là vợ con, hoặc là game. Lần này, anh ấy không bỏ game thì tôi sẽ ly hôn".

 

Còn chị Ngọc Anh - nhân viên một công ty xuất nhập khẩu, chia sẻ trên diễn đàn WTT: "Có ai như chồng tôi không? Mê game đến mức mở cả tiệm kinh doanh internet để được chơi game thỏa thích".

 

Chị cứ ngỡ sẽ có thêm thu nhập từ cửa tiệm, nào ngờ chồng mở tiệm để toàn tâm toàn ý luyện... game. Trước đó, anh đã lấy cớ quản lý tiệm Net để nghỉ việc ở công ty. "Khách hàng thân thiết" của tiệm chính là đám bang hội của anh. Khổ nỗi, họ thường đến chơi... "chùa". Thậm chí, chồng chị còn mua thẻ nạp tiền chia cho "đệ tử, bằng hữu" để xứng danh... bang chủ!

 

Cả ngày làm "anh hùng hảo hớn" ở tiệm, tối về nhà anh cưỡi "Bôn tiêu" (tên một loại ngựa chiến trong VLTK), mang đao hoàng kim, ngao du hành hiệp. Khi vợ nhờ chuyện gì, anh liền trả lời: "Anh đang tiêu diệt bọn ác, em chịu khó làm đi". Nhiều đêm chị giật mình thức giấc vì tiếng cười và vỗ tay bôm bốp của chồng: "Lên cấp rồi". Chị càu nhàu: "Ồn ào quá”, anh cười hì hì: "Lần này bang sẽ thu nạp nhiều thành viên đây".

 

Liệu pháp tình cảm

 

Nhiều game thủ tự thú: "Một khi đã nghiện game online thì rất khó dứt ra". Và nếu các ông chồng có 1001 lý do để chơi game, nghiện game, thì các bà vợ cũng tìm 1001 cách để chồng "đoạn tuyệt" game.

 

Sau nhiều lần khuyên nhủ chồng bỏ game không được, chị Ngọc Anh quyết không "bơm máu" cho tiệm Net và đóng cửa luôn. Hành động này chỉ ảnh hưởng đến ngân sách "bảo trợ" cho bang hội, chứ không thể giúp anh cai game. Vì thế, chị nghĩ ra "độc chiêu": nhờ cậu em trai bày chơi game. Mỗi lần thấy chồng online ở phòng ngoài, chị cũng nhảy vào chơi, chỉ với một mục đích "đồ sát" chồng. Chị còn bỏ tiền để mua đao, bảo kiếm... nhằm tăng sức mạnh. Chị khoái chí khi nghe chồng càu nhàu: "Thằng quỷ này ở đâu ra, có thù oán gì mà theo giết mình hoài?". Tuy nhiên, kế hoạch của chị không thành công, vì càng bị "đồ sát", chồng chị càng quyết phục thù. Chị đành "phất cờ trắng".

 

Chị Bích đe dọa, không nấu cơm, bán máy vi tính... nhưng "Kiếm khách vô tình" vẫn vô tư. Một hôm, lúc 3 giờ sáng, thấy chồng vừa ho sù sụ, vừa căng thẳng "công thành", chị kêu anh đi ngủ kẻo bệnh nặng thêm. Nhưng đáp lại sự lo lắng của vợ, anh quát: "Càm ràm mệt quá, ngủ đi". Chị điên tiết cắt cầu dao điện. Chồng chị... chửi thề "nhà đèn" (vì nghĩ cúp điện), nhưng khi thấy đèn nhà hàng xóm vẫn sáng, anh hiểu ra nguyên nhân và thẳng tay "bộp" vợ.

 

Nhiều chị thì dùng chiêu "sống chung với game". Nghĩa là, thay vì để chồng ra ngoài tiệm Net chơi, vợ chọn cách lắp đường truyền ADSL cực mạnh để chồng "luyện" ở nhà, dù sao vẫn còn thấy mặt chồng. Tuy nhiên, nhiều "bang chủ phu nhân" lưu ý: "Vợ chồng phải đàm phán, thỏa thuận, lên kế hoạch rõ ràng, cho phép chồng chơi bao nhiêu giờ mỗi ngày, và trong khoảng thời gian ấy, vợ không được càu nhàu, phá rối".

 

Hầu hết các biện pháp mạnh của những "bang chủ phu nhân" đều thất bại, thậm chí có chị bỏ về nhà cha mẹ ruột, đòi ly hôn, đập máy tính, rước thầy về nhà "cúng để trừ tà" cũng không ăn thua. Theo "Kiếm khách vô tình" thì: "Càng bị cấm càng muốn chơi".

 

Theo ông Nguyễn Thành Nhân - Phó GĐ Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, nơi đang thực hiện thí điểm đề án "Cai nghiện game online và sử dụng internet có ích": "Người trưởng thành và thanh thiếu niên, tuy độ tuổi, kiến thức... chênh nhau, nhưng một khi đã nghiện game online thì có nhiều điểm tương đồng: Mê chơi quên ăn, quên ngủ và... khó bỏ.

 

Với người lớn, không thể dùng biện pháp mạnh như ngăn cấm, cưỡng chế... mà phải dùng "liệu pháp tình cảm" mới công phá được "tường thành game" . Bởi ngoài sức hấp dẫn vốn có của game, thì với đặc tính của phái mạnh, thích chinh phục, thể hiện mình nên chuyện thắng-thua, thành-bại, được tôn sùng trong game cũng có ý nghĩa gần như ngoài đời thực. Sự ngăn cấm không làm họ thay đổi suy nghĩ, giảm đam mê với thế giới ảo. Vì thế, chỉ bằng cách đánh vào trái tim, tình cảm, gợi những giá trị gia đình, hướng họ từ đam mê tiêu cực đến đam mê tích cực thì mới mong "cắt cơn" và "cai" game được".

 

Và chuyện của chị Mai Uyên là một minh chứng cho "liệu pháp tình cảm" như ông Nhân phân tích. Chị chia sẻ kinh nghiệm: "Chồng em nghiện VLTK lắm, chơi một lúc ba con: con để đánh, con đi bán đồ, con đi "cày" tiền. Ngay trong tuần trăng mật, anh cũng ngồi rịt trước máy tính. Em khuyên rồi ngăn cản, anh ấy cũng không bỏ. Khi có bầu, em khóc lóc, anh cũng lơ. Thế là em đổi chiến thuật: "Game hấp dẫn quá, hai mẹ con em cũng thức chơi với anh cho vui". Anh sợ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ con nên tắt máy đi ngủ.

 

Không chỉ nỗ lực khuyên chồng bỏ game, mà "bang chủ phu nhân" còn phải quan tâm đến chồng con, chăm chút cho tổ ấm nhiều hơn... để các "bang chủ” ý thức mình đang có một gia đình hạnh phúc ở thế giới thực và tổ ấm này rất cần sự vun đắp, chung sức của các anh.

 

Theo Thùy Dương

Phụ Nữ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm