Lạt mềm buộc chặt

... “Mấy tháng nay, từ ngày kết giao với mấy ông bạn chơi bi da, cứ đến chiều tối, cơm nước xong là anh lẻn ra khỏi nhà lúc nào không biết, đi thẳng một mạch đến khuya mới về”...

 
Lạt mềm buộc chặt   - 1


Sống với nhau đã tám năm, có hai mặt con đã lên bốn và sáu tuổi, chị Ngô Thị Thảo ở Q.3, TP.HCM thừa nhận anh Quân, chồng chị là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình.
 

Tháng nào lĩnh lương cũng đem gần hết về cho vợ. Ngày nghỉ cuối tuần, anh thường đưa con đi chơi công viên, đôi khi cũng giúp vợ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, đối xử với gia đình hai bên nội - ngoại chu đáo.

 

Nhưng mấy tháng nay, từ ngày kết giao với mấy ông bạn chơi bi da, cứ đến chiều tối, cơm nước xong là anh lẻn ra khỏi nhà lúc nào không biết, đi thẳng một mạch đến khuya mới về.

 

Điên tiết, mới đầu, chị dùng biện pháp “cắt cơm”. Biết chồng khuya về bụng đói, thường lục tìm cái ăn rồi mới đi ngủ, chị dọn sạch sẽ chẳng có cái gì ăn được. Chồng lục lọi khắp nơi trên nhà, dưới bếp, mở cả tủ lạnh chẳng thấy gì, đành bóp bụng đi nằm chờ sáng. Rút kinh nghiệm, lần sau trước khi về nhà, anh chồng ních đầy dạ dày đã, vì bây giờ hàng quán thiếu gì, có phải thời bao cấp nữa đâu!

 

Ngay lập tức chị Thảo đổi chiến lược. Cứ chồng về đến nhà là chị bắt đầu mở chương trình “ca nhạc không theo yêu cầu”. Chương trình có thể kéo dài tới khi nào nghe tiếng chồng ngáy như sấm, không còn biết gì nữa mới thôi. Không chịu thua, chị chuyển sang cách khác. Nửa đêm, để chồng vừa bấm chuông vừa gọi đến mỏi mồm, chị mới cho vào, để lần sau phải chừa. Nào ngờ lần sau gọi không được, anh tức mình bỏ đi luôn đến sáng.

 

Thấy đã hết cách mà chồng ngày càng quá quắt hơn, chị chán nản thở than với một chị bạn thân ở cơ quan. Nghe xong, chị bạn chỉ cười: “Em lấy chồng đã gần chục năm mà chẳng hiểu gì về đàn ông cả” rồi ghé tai nói nhỏ với nụ cười bí hiểm...

 

Tối hôm ấy, cơm nước dọn dẹp xong, chị vui vẻ ngồi chơi với con một lúc rồi cho chúng đi ngủ trước. Chị sắm sửa mâm cơm tươm tất, có cả chai bia. Lại tắm rửa sạch sẽ thơm tho, mặc chiếc váy ngủ đẹp, ngồi cạnh mâm cơm xem ti-vi, đợi chồng về gọi cửa. Vừa hết hồi chuông thứ nhất, chị đon đả mở cửa ngay, miệng nở nụ cười tươi. Anh chồng trợn tròn hai mắt nhưng cũng ráng... tươi cười. Thấy vợ quá ân cần nên tuy anh đã ăn tí chút ngoài phố vẫn ngồi vào bàn nhấm nháp ly bia, ăn mỗi thứ một tí, món nào cũng khen ngon. Trong khi vợ ngồi bên cạnh vừa gắp thức ăn cho chồng, vừa kể chuyện hôm nay hai đứa con nói những câu dí dỏm như thế nào. Cơm nước xong, vợ lại lấy sẵn quần áo cho chồng tắm rửa rồi mới lên giường đi ngủ. Tự nhiên anh chồng thấy vợ đáng yêu quá. Giá hôm nào cũng thế này thì mình chả đi chơi khuya làm gì. Quả nhiên hôm sau, chồng về sớm hơn một chút. Cảnh tượng cũng diễn ra như hôm trước. Hôm sau nữa cũng thế. Chồng cứ về sớm dần được một tuần thì buổi tối ở nhà hẳn với vợ, không đi đâu nữa. Thế mà hôm nọ chị đã điên tiết lên, định làm cái đơn cho anh “phăng teo” luôn.

 

Trên đây là câu chuyện đã trở thành “kinh điển” vì hầu như mười người áp dụng thì đến bảy, tám người thành công. Đàn ông thời nào và ở đâu chẳng có những ông bán trời không văn tự, ban ngày phải đi làm, chỉ còn buổi tối để chơi, dĩ nhiên là về khuya rồi. Ngày xưa thì đánh tổ tôm, hát cô đầu, ngày nay thì bi da, hát karaoke... Ngoài đường chẳng lúc nào thiếu trò vui.

 

Qua khảo sát thực tế, có thể rút ra là, từ một người chồng yêu vợ, thương con, có trách nhiệm với gia đình, buổi tối cùng vợ con quây quần ấm cúng biến thành một gã đàn ông vô trách nhiệm, coi gia đình như chỗ ăn đậu ở nhờ, chỉ khi nào chán chê mọi thú vui mới tìm về ngủ qua đêm, thường không phải một sớm một chiều mà là một quá trình “tha hóa” kéo dài hàng năm, hoặc vài năm. Đến khi người vợ nhận thấy anh ta đã biến đổi tới mức không thể chấp nhận được nữa thường ra tối hậu thư: “Một là từ mai phải chấm dứt ngay cách sống bê tha đó. Hai là ký vào đơn ly hôn”. Chính điều đó đã gây ra những đổ vỡ không đáng có. 

 

Thế mới biết, hạnh phúc vợ chồng chẳng phải trời ban cho ai người nấy được. Không phải những chị em có được người chồng tốt đều do “ăn may” mà nhiều khi chính do công sức “đào tạo” của họ. Từ xưa các cụ đã dạy “lạt mềm buộc chặt”, càng nghĩ càng thấy đúng.

 

Theo PNO