Lần đầu ăn tết ở quê

(Dân trí) - Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố. Từ nhỏ đến lớn, mỗi dịp tết về đều đã quen với cảnh người xe tấp nập phố xá với ánh đèn màu lung linh khắp các cung đường. Nhà tôi chuẩn bị tết cũng rất đơn giản, chỉ cần đi một vòng siêu thị hay chợ to chợ nhỏ là đã mang đầy đủ một cái tết về nhà. Vậy nên về quê anh, thấy mọi người tất bật hăm hở chuẩn bị tết cả tuần liền, tôi vừa lạ lẫm vừa thú vị.

Ngày biết tin tôi nhận lời lấy anh, mấy đứa bạn thân tôi không giấu nổi ngạc nhiên: “Hà Nội hết đàn ông con trai rồi hay sao mà lại nhận lời về làm dâu tận miền quê xa xôi ấy”. Tôi mỉm cười: “Mình yêu thì mình lấy thôi” để chấm dứt những lời hỏi han cật vấn. Chẳng phải bạn bè mà chính bố mẹ tôi lúc đầu cũng phản đối quyết liệt. Nhưng rồi chính sự chân thành của anh đã khiến bố mẹ tôi lay động. Yêu thật lòng thì đâu có ngại gì xa xôi, nghèo khó.

Theo kế hoạch, ra giêng chúng tôi tổ chức đám cưới. Tết nay, anh xin phép bố mẹ cho tôi về quê anh ăn tết. Nhận lời anh mà lòng cứ nôn nao nhiều lo lắng. Cận tết, tôi bảo anh đưa đi mua đồ, anh nói em không cần phải mua nhiều váy áo làm gì, quê anh nghèo, tết nhất mọi người cũng ăn mặc giản dị lắm. Vậy là thay vì mua váy áo, chúng tôi đi chọn quà tặng mọi người trong gia đình anh.

Ngày làm việc cuối năm kết thúc, tôi lao về nhà xếp quần áo vào va li. Mẹ thấy sự hồ hởi của tôi không giấu nổi sự lo lắng: “Con về nhà người ta lần đầu, ăn nói phải ý tứ, làm gì cũng phải hỏi han. Ở nhà bố mẹ chiều chuộng, nhưng về nhà người ta là không được chây lười đâu đấy. Ở quê, người ta có nếp ăn nếp ở khác thành phố. Lần đầu tiên mà để lại ấn tượng xấu thì sau này khó lấy lòng lắm, biết chưa?” Nghe mẹ dặn dò thấy thương mẹ vô cùng. Sinh con gái, đến khi nó sắp lấy chồng rồi vẫn không thôi lo lắng.

Đón chúng tôi ở ga tàu là bố và em trai anh. Hai người môi tím tái trong cái lạnh sáng cuối đông chắc vì đã đến chờ từ lâu lắm. Tôi nghe anh bảo bố: “Chúng con đi xe ôm về được rồi, bố và em đi đón làm gì cho lạnh”. Bố anh cười bảo nhà có cách bao xa mà phải mất tiền thuê xe.

Mẹ anh đón tôi với bát nước chè xanh nóng hổi. Tôi đã gặp mẹ anh một lần trong đợt nhà anh lên nhà tôi dạm ngõ, hôm đó mẹ anh mặc chiếc áo dài xanh, cả buổi hầu như không nói. Hôm nay về nhà mới thấy bác thật gần gũi, cởi mở, khiến tôi bớt đi bao phần lo lắng. Bữa cơm sáng diễn ra đầm ấm trong những lời ân cần hỏi han.

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố. Từ nhỏ đến lớn, mỗi dịp tết về đều đã quen với cảnh người xe tấp nập phố xá với ánh đèn màu lung linh khắp các cung đường. Nhà tôi chuẩn bị tết cũng rất đơn giản, chỉ cần đi một vòng siêu thị hay chợ to chở nhỏ là đã mang đầy đủ một cái tết về nhà. Tết năm nào cũng như năm nào. Chỉ có khác là vào những ngày tết, các con đường Hà Nội thưa vắng hơn vì một lượng người không nhỏ đã về quê. Vậy nên về quê anh, thấy mọi người chuẩn bị tết tôi thấy vừa lạ lẫm vừa thú vị. Đầu tiền là hoa đào, hầu như không phải mua. Trong làng nhà nào có cây đào, sẽ chặt từng cành tặng cho nhà khác cắm trong nhà lấy không khí tết. Sáng 29 tháng chạp, vừa tinh mơ mẹ anh đã dậy, tôi cũng lục cục dậy theo. Mẹ anh dạy tôi ngâm gạo nếp, đồ đỗ xanh, rồi rửa từng cái lá dong sạch sẽ. Sau bữa sáng, ba người đàn ông trong nhà rải chiếu ra sân ngồi gói bánh, còn tôi được hướng dẫn ngồi cắt lá dong. Dưới bàn tay khéo léo của những người nhiều kinh nghiệm, những chiếc bánh chưng vuống vắn đã hình thành. Tôi xưa nay chỉ biết những chiếc bánh chưng đã nấu chín được mẹ mua về, nay mới biết để làm ra một chiếc bánh chưng cũng công phu đến vậy.

Lần đầu ăn tết ở quê - 1

Những chiếc bánh chưng sau khi gói xong sẽ được ngâm vào nước sau đó cho lên bếp lửa đun suốt mười giờ đồng hồ đến tận đêm khuya. Đêm ấy, cả nhà quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh chưng, mẹ anh kể về những kỉ niệm của mấy anh em anh ngày thơ bé. Chuyện gì cũng ngồ ngộ khiến tôi cười mệt lử. Tôi nhìn người đàn ông tôi yêu mặt đang hồng lên vì ánh lửa, bỗng thấy yêu thêm bội phần.

Sáng ba mươi, mẹ anh rủ tôi đi chợ tết. Chợ gần nhà nên chúng tôi đi bộ. Từ nhà ra chợ chúng tôi phải dừng lại mấy bận vì người làng xóm hỏi han, bởi họ thấy tôi lạ nên tò mò. Gặp ai mẹ anh cũng dừng lại bảo tôi chào rồi giới thiệu “Đây là bạn gái thằng lớn, qua tết này là nó trở thành con dâu nhà tôi đấy”. “Con dâu nhà tôi”-cụm từ không hề xa lạ mà lần đầu nghe vẫn thấy xốn xang.

Chợ tết ở quê có cái náo nhiệt khác nhiều những khu chợ lớn trên thành phố. Vì chợ gần nhà, đa số mọi người đi bộ nên thưa vắng tiếng còi xe. Người ta tranh thủ nốt phiên chợ cuối năm, sắm sửa những thứ cần thiết còn thiếu. Trẻ con níu tay mẹ đòi mua bóng bay, mua đồ chơi ồn ào một khu hàng xén. Mẹ sợ tôi lạc, cầm tay tôi kéo đi trong dòng người đông đúc. Bàn tay mẹ gầy nhưng ấm áp khiến cái lạnh mùa đông như không còn hiện hữu.

Giờ phút giao thừa điểm. Bố anh đứng trang nghiêm trước ban thờ thì thầm khấn vái, mùi hương trầm tỏa ra thơm ngát. Ngoài sân, những hạt mưa xuân lây phây rắc xuống sân. Nhà hàng xóm mở bài “Happy new year” rộn vang. Thời khắc ấy tôi thấy lòng mình như đổi khác, vô cùng mới mẻ. Anh nắm tay tôi hỏi: “giờ này ở thành phố chắc đang tung tẩy đón giao thừa ngoài đường đây. Về quê có thấy buồn không?” Tôi nói rằng đây là cái tết đầu tiên tôi hiểu đúng hương vị ngày xuân của nó, rất giản dị, rất ấm áp. Anh giục tôi đi ngủ, bởi từ ngày mai sẽ rất bận rộn với việc đi chúc tết anh em họ hàng.

Tôi chui vào chăn, mẹ anh hình như vẫn đợi tôi vào nên chưa ngủ. Mẹ nói: “Ngày này năm sau, con đã là dâu trưởng trong nhà. Dâu trưởng sẽ phải lo toan nhiều việc, cũng vất vả lắm. Nhưng con đừng lo, mẹ sẽ chỉ bảo con dần dần. Ngày xưa mẹ lấy bố con đây cũng là con trưởng trong gia đình. Mẹ làm vợ năm 18 tuổi, còn vụng dại lắm. Ấy nhưng cá thả xuống nước thì cá biết bơi con ạ, dần dần rồi cũng thạo việc trong ngoài cả”. Tôi vòng tay ôm người mẹ, cảm nhận được người phụ nữ nằm cạnh tôi đã trải hết mọi vất vả gian lao. Và nhận ra trước những tình cảm chân thành, mọi ý niệm sang giàu trở nên bé nhỏ.

Chỉ tết này là tôi còn bỡ ngỡ, từ tết sau tôi đã là con cái trong nhà, rồi tôi sẽ thay mẹ làm những việc mà trước nay mẹ vẫn thường làm: Chuẩn bị một cái tết đủ đầy, tươm tất, tự tay làm một mâm cơm để cúng gia tiên trong đêm giao thừa. Nghĩ đến đó tự nhiên lòng cứ rưng rưng xúc động.

Lê Giang