Lận đận tìm Oshin

Trước chị Nguyễn Huệ Chi ở Khu tập thể 2F Quang Trung (Hà nội) tươi tắn là thế, quần là áo lượt, đủng đỉnh đi về, giờ lúc nào cũng tất bật, đi chợ từ tinh mơ, xay thịt ninh cháo cho con, rồi tất tưởi đến cơ quan... Nên cơ sự này chẳng tại trời, chẳng tại đất, chỉ tại ... "cái đứa giúp việc nó bỏ về quê"!

Đoạn trường… tìm oshin!

 

Gặp ai, chị Chi cũng nhờ "có giúp việc nào tốt tốt giới thiệu cho em với". Nhìn chị thiểu não thế, ai chả muốn giúp, mỗi tội người giúp việc có phải lúc nào cũng sẵn đâu. Giờ ở Hà Nội này, người người, nhà nhà tìm thuê giúp việc.

 

Nắm bắt được nhu cầu này, các trung tâm giới thiệu việc làm, cung ứng người giúp việc mọc lên nhan nhản. Với mức phí một lần giới thiệu dao động từ 300 đến 400 ngàn đồng, ai có nhu cầu tìm người chỉ cần đặt yêu cầu với trung tâm cung ứng, sau vài ngày thế nào cũng được giới thiệu một người "đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của gia chủ".

 

Tuy vậy, trên thực tế, số người tìm được người giúp việc ưng ý qua các trung tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tâm lý của chủ nhà là phải "chọn mặt gửi vàng", phải lựa được người đáng tin cậy, trong khi người do các trung tâm giới thiệu thì hầu hết nhân thân mù mờ, cho dù các trung tâm luôn cam kết về xuất xứ của người giúp việc, và không quên kèm theo điều khoản bảo hành: "được đổi thoải mái cho đến khi ưng ý". Ấy vậy mà hiếm người kiên nhẫn được đến khi "ưng ý". Vì thế trong số các bà, các chị đang miệt mài tìm người giúp việc, cứ 10 người thì có đến 9 người không chọn "cửa" này.

 

Oshin chuyện

 

Cách thức tìm người giúp việc phổ biến nhất hiện nay là nhờ người quen giới thiệu. Tìm được người họ hàng nhà mình ở quê là ưu tiên số một. Chẳng họ hàng thì tí xíu, chỉ cần có "dây mơ rễ má" với họ hàng, với bạn bè cũng đủ để gia chủ yên tâm. Đấy chỉ là chuyện đi tìm. Khi oshin về ở với gia chủ rồi mới gọi là "trên trời dưới đất oshin chuyện".

 

Nhờ họ hàng giới thiệu, chị Hải Yến ở phố Hàng Cót tìm được một cô 16 tuổi, khá lanh lợi về giúp việc nhà và trông em bé. Chỉ vài ngày sau khi lên Hà Nội, chị để ý thấy ngày nào cô cũng đi chợ rất lâu mới về, mặc dù chợ Hoè Nhai chỉ cách nhà vài bước chân. Chị không phải thắc mắc lâu khi một lần vừa bước chân vào nhà, cô bé đã khoe "cháu với mấy đứa bạn vừa gặp nhau vui quá!". Quái lạ, nó vừa lên chưa được một tuần, thế nào mà đã kịp hẹn hò bạn với bè? Như đọc được nỗi ngạc nhiên trong mắt cô chủ, cô bé hồn nhiên: "Cô không biết à? Bọn cháu chat mà. "Líc" (nickname) của cháu là "lời nguyện cầu trong đêm" đấy!".

 

Chỉ vài ngày sau, vừa đi làm về, chị đã thấy hàng xóm phản ánh là oshin ở nhà tiếp khách đông lắm. Bị tra hỏi quyết liệt, cô bé đành thú nhận đã mời mấy cậu bạn cùng quê đến chơi cho... biết nhà biết cửa. Đến nước này thì... ôi thôi, dẫu cần người đến mấy chị cũng đành gửi trả cô bé về quê và tự an ủi. Phải qua đến 4-5 đời oshin, già có, trẻ có, nhỡ nhỡ có, giờ chị mới tuyển được một người tạm gọi là ưng ý.

 

Trường hợp của chị Yến không phải là cá biệt, bởi hầu hết những người tìm thuê giúp việc đều long đong lận đận như thế, ít thì 2 - 3 lần, nhiều phải đến chục lần. Lý do thôi thì đủ cả, nào là em bé quấy khóc nhiều không chịu được, nào là tự ái khi mới bị mắng có mấy câu, rồi thì chỗ này chỗ kia trả lương cao hơn, hay chuyện người giúp việc ăn cắp đồ và trốn biệt tăm cũng chẳng hiếm.

 

Sao đổi ngôi

 

Với một cuộc tuyển chọn gắt gao, vượt qua từ 2-3 đến chục ứng cử viên thì người cuối cùng rõ ràng là có giá rồi. Thế nên mới sinh ra chuyện khá ngược đời là chủ nhà phải giữ ý với người giúp việc.

 

Một nguyên tắc bất di bất dịch mà ai cũng thuộc lòng, đó là không được nhắc đến tên gọi "nhạy cảm" oshin. Thông thường, oshin phải được gọi là "người giúp việc", mĩ miều hơn thì phải là "quản gia". Một "quản gia" tiêu chuẩn phải đảm đương việc nhà từ A đến Z, từ đi chợ, giặt giũ, nấu nướng, rửa bát…, nếu nhà có con nhỏ còn phải lo việc ăn uống, ngủ nghỉ của em bé.

 

Với những "quản gia" được việc như thế thì chủ nhà có thể yên tâm sáng đi tối về mà nhà cửa vẫn tươm tất, sạch sẽ. Nhưng cũng chính vì khả năng bao quát công việc ấy nên nhiều khi "vị thế quyền lực" trong gia đình cũng bị san sẻ và "quản gia" có thể tham gia quyết định khá nhiều việc trong nội bộ gia đình như em bé ăn gì, mặc gì, thực đơn cho cả nhà ra sao… Không những vậy, nếu có chuyện gì không vừa ý cũng đành lòng ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi chỉ sơ sẩy động chạm đến lòng tự ái một chút là "quản gia" sẵn sàng "một đi không trở lại".

 

Chị Thu Lan, nhân viên công ty Prudential từng phải coi như chưa có chuyện gì xảy ra khi biết người giúp việc nhà mình tiết kiệm tiền đi chợ.

 

Chả là hôm mẹ chị ở quê lên chơi, tình cờ lôi được chiếc áo khoác 3 lớp của cô giúp việc. Chiếc áo chẳng khác gì những chiếc áo bình thường, ngoại trừ việc lúc giũ cứ phát ra những tiếng soàn soạt… Thì ra bên trong chiếc áo có một khe nhỏ, rồi từng đồng 1 nghìn, 2 nghìn cứ thế mà tuồn vào, tổng cộng cũng được gần 300 nghìn. Mẹ chị nhất định "cho ngay nó về quê". Nhưng nghĩ đến việc một mình cáng đáng việc cơ quan và việc nhà, chị phải năn nỉ mẹ thống nhất một giải pháp: coi như không biết gì, số tiền đang và sẽ tiếp tục được cất giấu trong chiếc áo 3 lớp coi như tiền thưởng cho việc oshin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!

 

Chị Hồng Nhung ở khu tập thể Nghĩa Đô lại có cách giải quyết khác. Cô bé giúp việc nhà chị rất chăm chỉ, ngoan ngoãn. Thế nhưng có một sở thích rất lạ là… mê tất da chân.

 

Thế là cứ thỉnh thoảng chị lại cho luôn một đôi vì "như thế vừa được tiếng tốt, vừa để nó khỏi nảy sinh ý định ăn cắp".

 

Mỗi người mỗi cách, nhưng chung quy đều là… làm đẹp lòng oshin. Oshin vui, mọi việc trong nhà sẽ tươm tất, thế là cả nhà cùng vui...

 

Theo Diệp Nhi

Vietnam Job