Làm sao để “bắc cầu kiều”?

Mới đi học được mấy ngày, con trai của anh đã thích thú với sân trường rộng và nhiều bạn bè ở lớp một nhưng đồng thời cũng “sợ” cô giáo thấy rõ. Bữa nào về nó cũng khóc lóc ỉ ôi cả buổi vì ba làm không đúng như hướng dẫn của cô.

  

Làm sao để “bắc cầu kiều”? - 1


Hôm đầu thì “Ba mua nhầm bìa nhựa bao vở cho con rồi hu hu…” Thì ra anh ngơ ngơ ngác ngác, cứ tưởng bìa bao vở bao sách là cùng một loại, hèn gì cái bìa nhựa bị dư cả khúc khi bao vở… Hôm sau thì “Vở toán màu xanh, vở viết màu vàng cơ”. Hôm nữa đi học về nó lại mếu máo “Sao ba không dán tên con vô đồ dùng học tập như các bạn?”

 

Ngày kế tiếp gặp cô giáo của con, anh khẽ khàng xin lỗi và hỏi phải làm sao cho đúng. Cô cau mặt: “Đã gửi giấy hướng dẫn về nhà rồi sao không chịu coi” rồi quày quả đi luôn. Anh ớ người. Thì ra thằng bé chưa biết đọc lại lơ đễnh, nghe cô bảo là quan trọng lắm phải giữ kỹ, liền nhét luôn tờ thông báo vào hộp đựng bút rồi quên mất. Làm ba nó lục cặp đỏ mắt mà đâu có thấy gì…

 

Trời xui đất khiến thế nào mà vợ anh phải đi tu nghiệp nước ngoài ngay lúc con bắt đầu vào lớp một, để lại hai cha con xoay xở với đủ thứ nhiêu khê. Tối đi ngủ nghe con thỏ thẻ trong lo lắng: “Ba ơi, con sợ cô la lắm, nếu cô ghét con cô sẽ không cho con học lớp một hả ba?” Anh thấy thương con quá chừng. Anh ôm con vào lòng, thủ thỉ: “Tại con còn lạ đó, mai mốt quen rồi con sẽ thấy cô dễ thương cho mà xem. Thôi, ba con mình cùng cố gắng nha”. Rồi anh nghĩ thầm trong bụng “Con ơi, ba cũng sợ cô con la lắm!”.

 

Con trai anh lại hơi hiếu động, mắt cận thị nhưng mới biết mặt chữ mặt số chứ chưa biết đọc biết viết. Anh muốn gặp cô giáo của con để gửi gắm đôi câu mà không biết bắt đầu cách nào. Phải có vợ ở nhà thì đỡ quá, đàn bà nói chung giỏi hơn đàn ông trong mấy cái vụ lân la tâm sự gửi gắm… Anh chẳng có mối quen biết nào để vin vào. Vồn vã hay khép nép thì tính anh không làm được. Mà nói chuyện một cách lịch sự thì thấy cô cũng tỏ vẻ rất lạnh lùng và chẳng mấy nhiệt tình.

 

Người Việt mình xưa nay vốn tôn sư trọng đạo, nên mới có câu:

Muốn sang thì bắc cầu kiều.

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.

 

Nhưng yêu là yêu làm sao? Là kính cẩn khúm núm hay là năng hỏi han quà cáp? Chắc không phải vậy. Tham khảo các ông bố bà mẹ khác ở công ty, anh nhận ra quan hệ giữa các bậc phụ huynh với giáo viên dường như thường chia làm hai kiểu: một dạng phụ huynh “được” giáo viên sợ, nể... Và một dạng phụ huynh “sợ” giáo viên. Có lẽ anh thuộc nhóm phụ huynh thứ hai. Nhưng anh biết chắc rằng kiểu nào cũng không ổn.

 

Điều quan trọng nhất, là bởi cả hai kiểu quan hệ đó đều bỏ quên mất đối tượng chính yếu: học sinh, những đứa trẻ. Về lý thuyết, phụ huynh cần phải có mối quan hệ tích cực và cân bằng với thầy cô giáo của con mình. Cả hai bên đều phải tôn trọng nhau, và cùng phối hợp với nhau cho mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ những đứa trẻ trong việc bồi dưỡng kiến thức và xây dựng nhân cách cho chúng.

 

Trưa mai, đón con về rồi anh sẽ chạy qua chị người quen ở gần nhà năm nay cũng có con vào lớp một ở trường đó, để hỏi xem chị làm thế nào để tiếp cận cô giáo của con.

 

Đây là những ngày đầu tiên anh thực sự làm phụ huynh, và anh vẫn chưa biết phải làm sao để bắc cầu kiều. Nhưng anh biết đó là một trong những điều quan trọng nhất. Muốn “bắc cầu kiều” cũng phải có chiến thuật chiến lược đàng hoàng. Nhất là khi anh muốn cây cầu đó phải vừa đẹp vừa vững chắc, chứ không gập ghềnh như cầu khỉ hay diêm dúa giả tạo như… cầu giấy. Nó phải được xây dựng trên sự tôn trọng và niềm tin, chứ không phải sự xem thường, bợ đỡ hay mua chuộc. Bởi đó là sẽ mối quan hệ xã hội đầu tiên mà con trai anh quan sát, cũng là nơi con trai anh đặt những bước chân đầu tiên để đến với cuộc đời.

 

Phạm Hiên Mai

Theo Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm