Làm gì với tiền mừng tuổi của con?
Tiền lì xì đã trao cho trẻ là của trẻ, mẹ tịch thu thì không được, nhưng để cho trẻ toàn quyền tự tiêu pha thì rất nguy hiểm. Thật là tiến thoái lưỡng nan.
Mừng tuổi tiền triệu
Ở các vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện kinh tế của đại bộ phận người dân còn khó khăn thì tổng số tiền mừng tuổi mà mỗi trẻ nhận được chỉ vài chục nghìn đồng. Thế nhưng, ở các thành phố, thị xã, thị trấn nơi mà mức sống của người dân đều cao thì chuyện trẻ em nhận được một vài triệu tiền lì xì ngày Tết là chuyện thường tình.
Nơi tôi ở (Cầu Giấy, Hà Nội), có đứa bé mới 5 tuổi, tiền lì xì thu được trong mấy ngày Tết lên tới cả chục triệu đồng. Cậu bé này là con giám đốc một công ty trong ngành xây dựng.
Về nguyên tắc, tiền lì xì đã trao cho trẻ là của trẻ, song nếu để cho con cái tự quản lý và chi tiêu số tiền ấy là một sai lầm của cha mẹ. Khi có tiền, đại đa số trẻ dùng tiền đó để chơi game, chơi cờ bạc và tiêu pha lãng phí vào nhiều trò vô bổ khác.
Tôi đã chứng kiến con nhà hàng xóm, được khách của bố mẹ lì xì 200.000 đồng, cậu bé chạy đi chơi một loáng về, bố mẹ hỏi đã không còn đồng nào! Khi gặng hỏi thì nó bảo đã đi chơi trò tôm-cua-cá-nai-bầu, hết rồi! Vì là ngày Tết nên bố mẹ nào nỡ đánh con.
Nhiều bà mẹ cũng “khóc dở mếu dở” khi những đứa con 8 - 9 tuổi chưa biết tiêu tiền nhưng nhất định không cho bố mẹ giữ hộ. Có những đứa trẻ được mừng tờ 50.000 - 100.000 đồng, sau đó bị trẻ lớn hơn “dỗ” đổi lấy tiền đẹp mệnh giá 10.000 - 20.000 là đổi ngay, hoặc làm rơi, làm mất.
Với những cô cậu học cấp ba, có tiền mừng tuổi là rủ nhau đi hát karaoke, đi ăn uống, đi chơi. Và vì tiền được cho nên tiêu không biết xót. Chị Lê Thu Hằng (Thanh Oai, Hà Nội) bực bội: “Cha mẹ còn đang khó khăn, vậy mà thằng con tôi được mừng tuổi 2 triệu đồng, nó gọi 8 - 9 đứa bạn đi hát karaoke một tối là hết”.
Giúp con quản lý tiền
Để những đồng tiền lì xì năm mới của con trẻ thực sự hữu ích thì cha mẹ nhất thiết phải quản lý. Có thể, cha mẹ giữ tiền hộ con bằng các kế hoạch như: Mua một con lợn đất và cho hết số tiền của con vào đó để tạo cho con có tính tiết kiệm. Khi con cần các nhu cầu mua sắm như quần áo, đồ dùng học tập… thì có thể “mổ” lợn và cha mẹ cũng đỡ được một phần kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Thuý (Nam Đàn, Nghệ An) cho biết, hai con chị năm nay được mừng tuổi khoảng 7 - 8 triệu đồng. “Khoản tiền này tôi dùng để mừng tuổi lại cho con cháu, số còn lại để đóng học, mua sắm một số vật dụng cho con. Khi mua vật dụng đó, tôi thường bảo cháu đây là tiền con để dành mới mua được. Cháu rất tự hào”, chị Thuý nói.
Đối với những đứa con đã lớn, đang học cấp 3, đại học thì không nên quản lý tiền lì xì của con mà hãy để chúng tự lên kế hoạch cho việc chi tiêu, song cũng chớ quên nhắc nhở con không được “ném” những đồng tiền ấy vào những trò chơi vô bổ, lãng phí… Nếu không nuôi lợn đất và số tiền lì xì của con là khá nhiều thì cha mẹ có thể mở cho con một tài khoản tại ngân hàng nào đó vì qua nhiều năm, khi lớn lên, số tiền tích cóp được cũng là đáng kể và con bạn sẽ dùng những đồng tiền ấy vào rất nhiều việc trong học hành, cuộc sống…
Chị Bùi Thanh Nga (Ba Vì, Hà Nội) có cách giữ tiền mừng tuổi căn cơ hơn. Con trai chị 11 tuổi, đã biết giữ tiền. Tiền mừng tuổi cháu thường đưa cho mẹ rồi mẹ gửi tiết kiệm. Chị cho biết: “Năm nay cháu được mừng tuổi khoảng 3-4 triệu đồng, tôi làm cho cháu cái sổ tiết kiệm con con. Khi nào cần dùng đến tiền, như mua xe đạp, mua máy vi tính cho cháu thì rút ra. Mình vừa đỡ một khoản chi tiêu mà cháu cũng biết tiết kiệm”.
Chị Nguyễn Thanh Hằng (Từ Sơn, Bắc Ninh) có con gái lớn học đại học. Vì là sinh viên nên con chị được cả họ ưu tiên mừng tuổi với số tiền khá lớn. Chị định hướng cho con mua các loại sách vở cần thiết chuẩn bị học hành. Chị cho biết: “Sau đó, tôi bù thêm cho cháu vài triệu đồng nữa để mua cho cháu chiếc xe đạp điện đi học, vừa khoẻ, vừa kinh tế”.
Theo Nông Thôn Ngày Nay