Làm gì khi con nghẹn đường thở
(Dân trí) - Thức ăn quá to hoặc thói quen cho đồ vật vào mồm có thể khiến bé nghẹn đường thở nếu không được bố mẹ để mắt tới. Bố mẹ phải làm sao để phòng tránh và xử lý trường hợp này?
Chú ý tới thức ăn của bé
Nhiều loại hoa quả nhỏ như nho hay các viên kẹo sữa có thể gây nghẹn cho trẻ nhỏ. Vì vậy, khi cho bé ăn những thực phẩm này, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý. Ngoài ra, khi cho bé ăn thịt hoặc những thực phẩm có miếng, tảng to, bạn cũng cần cắt nhỏ kích cỡ để vừa bằng móng tay của bé. Có như vậy, bé mới dễ dàng nuốt được thức ăn mà không lo bị nghẹn.
Để mắt tới vật dụng trong nhà
Ngoài thức ăn, bé yêu còn có thể bị nghẹn khi cắn túi ni-lông, thổi bóng bay, nuốt phải cúc áo, đồng xu… chính vì vậy, những vật dụng nguy hiểm này phải được để xa tầm tay của bé. Đặc biệt, những viên thuốc nén hay con nhộng cũng có thể bị kẹt lại ở cổ họng của bé và cần được cha mẹ lưu ý.
Không vội vã khi ăn
Giờ ăn cho bé có thể sẽ rất dai dẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên thúc ép, liên tục bón cho bé ăn. Hãy ghi nhớ việc chia nhỏ từng thìa thức ăn và cho bé thời gian nhai, nuốt từ từ để tránh nguy cơ nghẹn.
Tư thế ngồi chuẩn xác
Hãy để bé ngồi thẳng khi ăn để tránh trường hợp thức ăn gây nghẽn khí quản. Ngoài ra, khi cho bé ăn, cha mẹ nên tránh để bé nô đùa, chạy nhảy. Và sau khi ăn xong, nên đảm bảo cho bé nằm ngửa để bé dễ dàng hô hấp, tiêu hóa.
Dạy bé nhai thức ăn
Nhai thức ăn nên sớm trở thành thói quen đối với bé yêu. Các bậc phụ huynh nên dạy bé nhai kĩ thức ăn trước khi nuốt, tránh việc nuốt chửng vì điều này có thể gây nguy hiểm cho bé.
Trà Xanh
Theo Mom