Làm gì khi bị người khác đối xử xấu với mình?
Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền tôn Phật Quang (Núi Dinh, Bà Rịa, Vũng Tàu), khi một người đối xử xấu với mình nếu mình đối xử xấu lại thì đó là cách ăn miếng trả miếng. Cách ứng xử đó không làm cho mọi việc tốt lên mà còn khiến cho bản thân ta trở nên mệt mỏi, nặng nề.
Hỏi: Thưa Thầy, nếu như có một người đối xử xấu với mình, thì mình có nên dùng phương thức ấy để đáp trả lại người đó không?
Đáp: Là đệ tử Phật, chúng ta không nên ăn miếng, trả miếng. Có ba điều cần phải làm, để hóa giải sự nghịch lý đó mà vẫn có lợi cho mình và người.
Nếu ĐÃ CÓ MỘT người xấu, và chúng ta đối xử xấu lại thì thế gian này CÓ ĐẾN HAI người xấu. Đồng thời, cứ nhìn trên tổng quát thì cuộc đời này xấu thêm một chút. Nếu có người xấu mà chúng ta đừng xấu thì cuộc đời chỉ dừng lại có một người xấu, không thêm nữa. Bởi vậy, chúng ta không nên xấu như người đã xấu với ta, để cuộc đời này đừng thêm nhiều người xấu.
Cái quan điểm ăn miếng, trả miếng, nó là cái gì máy móc, đồng thời biểu lộ tâm chúng ta còn ích kỷ, nghĩa là người ta thương mình thì mình thương lại. Ngược lại cũng thế, nên nó tầm thường quá. Nó vẫn là cái gì của ích kỷ, lấy mình làm tiêu chuẩn để đánh giá sự tốt xấu của người khác.
Ở đây, cái ích kỷ, cái chấp ngã nặng nề quá, Vì vậy, nó làm chúng ta mệt mỏi. Nếu chẳng may trong cuộc đời, mình gặp nhiều người xấu hơn người tốt thì những thái độ, hành động của mình phát ra bên ngoài, tính ra tỉ lệ xấu nhiều hơn tốt. Đến phút cuối cuộc đời, khi tổng kết lại cuộc sống của mình thì hết 2/ 3 điều xấu, còn lại 1/3 điều tốt. Bởi vì trong cuộc đời, chúng ta đã gặp 2/3 người xấu và 1/3 người tốt thì có phải uổng không? Vì vậy, chúng ta phải vượt lên điều đó. Dù cuộc đời đối với mình như thế nào thì vẫn cố gắng đối xử tốt lại, để ngày chúng ta xuôi tay nhắm mắt, không vì ngoại cảnh bên ngoài người ta tốt xấu; cuộc đời mình vẫn trọn vẹn là một người tốt. Đó là một hạnh phúc có phải không?
Việc người ta đối xử xấu với mình, mà mình vẫn kiên nhẫn đối xử tốt với họ thì có mặt tích cực của nó là không ngờ chuyển hóa được người xấu đó. Do tâm chúng ta tốt, khiến những người xấu từ từ họ phải suy nghĩ lại. Như vậy, nếu một người xấu mà mình vẫn tốt thì người kia lần lần còn phân nửa xấu, do bị chuyển hóa nên họ không thể xấu mãi được. Cho nên, vấn đề chúng ta kiên nhẫn, độ lượng, chịu đựng được cái không tốt của con người để thương yêu, giúp đỡ họ thì hành động này làm cho cuộc đời:
(1) không có thêm người xấu. Đó là điều thứ nhất.
(2) làm cho chính cuộc đời chúng ta luôn luôn được tốt đẹp.
(3) có tác dụng giáo dục lại con người.
Vì ba lý do như thế nên chúng ta không được quan niệm ăn miếng trả miếng. Vẫn tiếp tục hy sinh độ lượng, để giáo dục con người sống tốt hơn.
Theo TT. Thích Chân Quang (Viện chủ Thiền tôn Phật Quang)
Gia đình và Xã hội