Làm dâu trưởng: Thích chỗ nào mà ham?

(Dân trí) - Tôi kết hôn năm 25 tuổi, lấy phải chồng trai trưởng của dòng họ nên nghiễm nhiên trở thành "dâu trưởng". Thực lòng yêu đương tìm hiểu thấy mê nhau thì cưới, chứ tôi ham gì cái "chức" dâu trưởng đâu.

Nhưng các cô các chú trong họ nhà chồng ngay ngày đầu tôi về làm dâu đã nói "con này sướng, dâu trưởng là kinh lắm đấy, bao nhiêu của nả sau này nó hưởng". Tôi thực không thể hiểu làm dâu trưởng sướng chỗ nào, chỉ biết từ khi về nhà chồng, lúc nào cũng tức anh ách vì hơi tí các cụ mang "trách nhiệm" dâu trưởng ra dọa tôi, quyền lợi thì chả thấy.

Bố chồng lâu lâu lại giáo huấn như thể sợ tôi quên, "làm dâu trưởng trách nhiệm với các em, với dòng họ to lớn lắm". Ông trông mong tôi đủ điều, phải lo cho cuộc sống của các em, nâng đỡ các em, bởi chúng nó sau này sống nếu không ra gì thì "con vất vả chứ ai". Mẹ chồng ngày nào cũng soi tôi, soi lên soi xuống từ việc tôi có dậy sớm quét tước dọn dẹp trước sân không, đến việc giữ gìn phòng ốc nhà cửa chăn màn sạch sẽ, cơm nước giặt giũ tinh tươm, hỏi han tìm hiểu chuyện học, chuyện yêu, chuyện công việc của các em, hay đã cả tuần rồi chưa sang nhà cô hai cô ba chuyện trò thăm hỏi. 

Cả năm nhà có độ dăm bảy cái giỗ chạp chứ mấy, cộng thêm 2 buổi ăn uống ngày Tết, đều đặn năm này qua năm khác, tất cả đều phần hết cho tôi. Cứ mấy ngày đấy là tôi cắm mặt bếp núc cả buổi, một mình "quẩy" 5 mâm đãi từ ông bà bố mẹ đến các cháu của các gia đình trong dòng họ. Vào mâm cũng không được ăn uống cho đàng hoàng, ăn được 2-3 miếng, trò chuyện với mấy bà cô được dăm ba câu là đến lúc đứng lên tiếp cái nọ lấy cái kia, rồi dọn dẹp rửa dần bát đĩa. Mâm các chú các ông là ngồi lâu nhất, vừa ăn uống vừa chè chén khề khà từ trưa đến chiều cũng chưa xong. Tôi lại chầu trực ngồi chờ rửa bát. Chồng có xót cũng không dám động tay vào giúp vợ, chỉ chờ đến nửa đêm khi tôi quăng mình mệt rã rời lên giường thì anh mới đấm bóp an ủi vợ. Đã mười năm như vậy trôi qua, nhiều khi ức muốn khóc vì cái danh xưng "dâu trưởng".

Làm dâu trưởng: Thích chỗ nào mà ham? - 1

Một tấm ảnh được lan truyền trên "cõi mạng" về trách nhiệm của nàng dâu sẽ khiến nhiều người phụ nữ dở khóc dở cười.

Bố mẹ chồng tôi lúc nào cũng nói ông bà coi các con đều như nhau, bố mẹ cho đứa này bao nhiêu thì sẽ cho đứa kia bấy nhiêu, nhưng thực tình, trước giờ vợ chồng tôi vì là trưởng nên thường chịu thiệt. Bố mẹ luôn nói cô ba còn đang đi học chưa kiếm được ra tiền cần bố mẹ, anh chị hỗ trợ, cậu hai học dốt công việc làng nhàng khổ khó đủ đường nên bố mẹ rất thương, rốt cuộc có vợ chồng tôi công việc tử tế tài chính vững vàng nên không những chẳng được các cụ "thương", "lo cho" mà lại phải đi lo ngược cho các em bên chồng. Tôi không màng tài sản của các cụ, luôn nói với chồng và bản thân mình cũng tâm niệm một điều rằng bố mẹ già rồi, mỗi ngày một yếu đi, mình chưa lo được cho các cụ thì thôi chứ không lấy gì của các cụ. Rốt cuộc các cụ đúng là cũng chưa phải cho vợ chồng tôi cái gì, trong khi em hai, em út đều có tài sản do các cụ găm cho, nhưng họ hàng nhìn vào vợ chồng tôi đuề huề ai cũng bảo tôi "dâu trưởng sướng nhé, bao nhiêu đều hưởng cả".

"Dâu trưởng" theo văn hóa Việt Nam là người có vai vế trong nhà, bao nhiêu việc to việc nhỏ trong dòng họ phải hỏi ý kiến "bà" dâu trưởng, nếu dâu trưởng không đồng ý thì mọi việc cũng không thông. Nhưng truyền thống văn hóa là như vậy, song áp dụng vào cuộc sống mới thấy đã thay đổi ít nhiều. Ở nhiều nhà, như nhà tôi chẳng hạn, dâu trưởng có lên tiếng chắc cũng chẳng ai buồn nghe, nghĩa vụ họ vứt cho tôi, còn động đến quyền lợi thì chẳng còn cần biết ai trưởng, ai thứ, có khi còn nhân danh anh chị là "trưởng" để ép nhường các em.

Tôi thấy chuyện "trách nhiệm dâu trưởng" trong thời đại này nên dẹp đi được rồi. Còn nhà nào con đàn cháu đống nữa đâu để mà phải có người đứng ra làm "trưởng". Nhà ít con, anh chị em ruột thịt biết bảo ban lẫn nhau, đùm bọc, chăm sóc, nâng đỡ được nhau là cái phúc. Song hãy để sự đối đãi đó xuất phát từ thực tâm, từ tấm lòng. Muốn vậy tình cảm, sự đối đãi tử tế phải xuất phát từ hai phía, đừng nên buộc "trách nhiệm" vào bất cứ bên nào. Tấm lòng trao đi khiên cưỡng thì không còn là tấm lòng nữa. Việc các cụ cứ mang chữ "trưởng" ra để ốp trách nhiệm lên con cái mới khiến anh em trong nhà bất hòa vì ấm ức, so bì lẫn nhau.

Hải Đường

Còn bạn, bạn có đồng tình với ý kiến trong bài viết này không? Bạn đã bao giờ rơi vào cảnh ấm ức vì danh xưng "dâu trưởng"? Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi trong phần bình luận dưới đây nhé!