Làm dâu nhà giàu

(Dân trí) - Ngày cưới con ai cũng bắt tay chúc mừng bố mẹ tốt phúc gả được con chốn nhung lụa, giàu sang. Bạn bè mừng cho con “ngã võng đào”.

 
Làm dâu nhà giàu - 1


Nhà anh to đẹp ở khu phố sầm uất tại Hà Nội, bố anh là bác sỹ tại bệnh viện lớn, mẹ là hiệu trưởng trường cấp ba. Anh cũng là một kỹ sư tương lai tốt đẹp, con về làm dâu cũng thấy mát mày mát mặt.

 

Còn gia đình mình sống cách thủ đô hơn trăm cây số. Bố mẹ là công nhân điện lực về hưu, tiền để nuôi chị em con cả, giờ còn lương hưu chỉ đủ ông bà sống giản dị.

 

Gả con đi, con biết bố mẹ vừa mừng vừa lo vì dù ở thời nào câu “môn đăng hộ đối” cũng không thừa.

 

Sống với gia đình chồng nhà cao cửa rộng không thiếu thốn thứ gì, cũng chưa một lần bố mẹ hỏi lương của hai vợ chồng và con hiểu khi phụ thuộc bất cứ gì đó nghĩa là con người ta đang phải chấp nhận đánh đổi bằng tự do.

 

Với con tự do đơn giản là được về thăm bố mẹ những khi rảnh rỗi, vậy mà cũng hiếm hoi lắm bởi chồng con có vẻ không hào hứng: “Có mỗi ngày cuối tuần nghỉ ngơi mà em cứ cho anh ăn cháo hành là sao? Về đó đường xa vừa bụi vừa xóc, tối nằm giường không có đệm cũng chả có điều hòa, hành xác thế hôm sau lại về đây, mệt mỏi làm việc thế nào được. Chưa kể biết đâu em đang có thai, đi xa nguy hiểm”.

 

Đôi ba lần như thế con chả còn muốn đòi về trừ khi có việc thực sự quan trọng. Đó là thời kì còn son đến khi con có thai thì việc về quê được cả bố mẹ chồng can thiệp không cho về sợ ảnh hưởng.

 

Con háo hức để mong khi sinh sẽ được về với bố mẹ một, hai tháng. Nhưng rồi khi biết tin trên nhà mình bị cắt điện luân phiên từ 8h đến 23h do thiếu điện trầm trọng mùa hè thì ý định trên của con bị cả gia đình chồng phản đối. Con đành e ngại rụt rè bày tỏ qua điện thoại. Mẹ cười: “Yên tâm, hôm nọ được tiền thưởng của hội cựu chiến binh, ông ngoại đã mua tặng cháu cái quạt tích điện rồi, được hẳn sáu đến bảy tiếng cơ đấy”.

 

Con lặng đi vì cảm động, nước mắt chảy nhiều hơn. Con không muốn để bố mẹ nghe được lời của bố mẹ chồng và chồng con: “Ở đây có đầy đủ tiện nghi lại không bị cắt điện như tỉnh lẻ, có cắt thì ông nội cũng sắm máy phát điện rồi. Về nhà ngoại nóng thế này, “trẻ mùa hè, trâu be mùa chạp”, tội nó ra, chịu thế nào được. Không nghĩ cho mình thì cũng phải nghĩ cho con chứ. Ông bà ngoại có quý thì xuống đây có hơn không, nhà cửa rộng rãi lúc nào cũng sẵn…”.

 

Nghe họ nói con chỉ biết im lặng và vâng lời, đành nói với mẹ khi nước mắt đang ròng ròng: “Thôi để khi nào cháu lơn lớn, con sẽ cho cháu về thăm ông bà”.

 

Chẳng nhìn thấy song con đoán được mẹ buồn lắm và mắt mẹ cũng có nước. Bố mẹ đã rất háo hức đón chờ đứa cháu đầu tiên này mà…

 

TSL