Làm dâu

(Dân trí) - “Ý cô là nếu giờ tôi không trông con cho cô thì sau này tôi ốm đau đừng có cậy nhờ tới cô chứ gì, cô giỏi, treo trả cả mẹ chồng kia đấy”, mẹ chồng Thanh đay nghiến rồi vào phòng xếp quần áo để về.

(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Thanh vốn không có hiềm khích gì với mẹ chồng, mặc dù mẹ chồng Thanh nhiều khi cũng hơi lắm lời. Chồng Thanh là con trai một, nên Thanh xác định trước sau gì chị cũng phải quan tâm và quán xuyến việc nhà chồng. Bố mẹ chồng còn khỏe, chưa cần nhờ cậy con nên vợ chồng Thanh sau khi cưới vẫn bám trụ lại thành phố làm công nhân.

Hai vợ chồng làm công nhân, thuê nhà cửa, rồi điện nước... tiền nong cũng không dư giả gì. Vì vậy khi sinh đứa con trai đầu lòng, vợ chồng Thanh bàn nhau nhờ bà nội ra trông cháu. Lúc đầu mẹ chồng Thanh không muốn đi, với lý do ông ở nhà một mình, cơm nước ai lo, rồi khi ốm đau cậy nhờ ai được. Nhưng rồi ông động viên nên bà cũng đồng ý.

Thanh cũng nói với mẹ chồng, ở nhà bà chỉ cần trông cháu thôi, giặt giũ, cơm nước thì vợ chồng Thanh, ai về trước người đó làm. Mọi chuyện êm êm được thời gian đầu. Làm công nhân, giờ giấc không ổn định, rồi tăng ca, đi sớm về muộn nên việc cơm nước vợ chồng Thanh không thể chu đáo. Có hôm đi làm về, mẹ chồng kêu bà ở nhà bị tụt huyết áp vì đói. Ở nhà, chẳng bao giờ bà ăn cơm muộn thế. Hôm nào đi làm về mẹ chồng cũng kêu than bảo bế cháu suốt ngày đau tay đau cổ, cháu hay khóc nhè, bà bị bệnh đau đầu nên không chịu được. Rồi thì nó ăn gì mà ngày nó ị mấy lần, đái dầm suốt ngày vậy thì bà quần áo nào cho vừa mà thay.

Chồng Thanh thuộc tuýp đàn ông tỉ mỉ sạch sẽ. Bà lại vốn xuề xòa, quần cháu đái ra, thay ở đâu bà để ở đó, cho cháu ăn thì dây hết lên mũi, xuống cổ. Vài lần như thế, anh khó chịu, thế là mẹ con nói nhau. Thanh không biết làm sao đành im lặng. Khổ nỗi, mỗi lần bà kêu ca, Thanh im lặng thì bà bảo Thanh không coi trọng bà, mà nói ra thì câu nào bà cũng bắt bẻ theo ý của bà được.

Chuyện nhỏ thế thôi nhưng mỗi lần gọi điện về nhà bà lại bảo với ông, cố tình nói to cho Thanh nghe thấy: “Thật tôi có muốn đi đâu. Ở nhà thà mỗi ngày tôi ăn một bữa, nhưng nó thoải mái, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, chả ai nói gì. Sống với con thế này chẳng khác nào đứa ở”.

Ở nhà bà bế con rong chơi hàng xóm, chê bai Thanh đủ chuyện. Nào là con trai bà đã vậy, con dâu bà còn tệ hơn, nào là từ ngày lấy vợ về con trai bà trở nên quá đáng, ngày xưa nó đâu có vậy. Sau này chúng nó mà về quê, tôi cũng cho ra riêng chứ không ở chung được. Trai không ra trai thì cũng vứt. Những chuyện này, hàng xóm nói lại với Thanh, Thanh chỉ im lặng, cũng không muốn nói với chồng, tính anh vốn nóng nảy lại không hợp tính mẹ, nói ra chỉ thêm nhiều chuyện. Thôi thì, trăm dâu đổ đầu tằm.

Chiều ấy, Thanh đi làm về đến cửa thì thấy mẹ và chồng đang cãi nhau. Bà bảo “Ừ, thì tao vụng, tao không biết chăm trẻ con, nhưng một tay tao nuôi mày lớn lên đấy. Mày tưởng tao thích ở đây lắm à. Mày mà không về năn nỉ, đón tao lên đây thì còn lâu tao mới lên”.

Chồng Thanh cũng gắt lên: “Thôi, mẹ không ở được thì mẹ về, con cho nhà con nghỉ việc ở nhà trông con”. Mẹ chồng Thanh lớn giọng: “Mày dọa tao đấy à? Thế thì nghỉ ở nhà mà trông”. Nghe hai người to tiếng, Thanh chỉ nói nhỏ nhẹ: “Mẹ ạ, mẹ cũng biết là chúng con khó khăn nên mới phải phiền đến mẹ. Thôi thì giờ mẹ đang mạnh khỏe chúng con nhờ mẹ, sau này khi mẹ ốm yếu thì mẹ lại nhờ chúng con”.

Thế là bà khóc, bà đay nghiến: “Ý cô là nếu giờ tôi không trông con cho cô thì sau này tôi ốm đau đừng có cậy nhờ tới cô chứ gì, cô giỏi, treo trả cả mẹ chồng kia đấy”. Nói rồi bà vào phòng, đóng cửa cái rầm. Tối đó bà bỏ cơm, Thanh năn nỉ thế nào bà cũng không chịu ra.

Sáng mai, khi thức dậy, vợ chồng Thanh ngơ ngác, hóa ra mẹ chồng đã dậy thu xếp quần áo ra bắt xe về từ lúc nào. Không ai trông con, Thanh phải gọi điện cho công ty xin nghỉ. Trưa, mẹ Thanh gọi điện, bảo ăn ở làm sao để bà thông gia gọi điện trách con dâu mất dạy. Thanh ứa nước mắt không nói được một lời nào, nấc lên trong cổ họng: “Mẹ, mẹ thu xếp việc nhà ra trông cháu cho con ít hôm”.

Mimi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm