Lại chuyện “tay hòm chìa khóa”

Trong cuộc sống gia đình, việc quản lý và chi tiêu tiền bạc là một trong những vấn đề quan trọng. Biết cách quản lý và chi tiêu tiền bạc thì gia đình yên ấm, không biết cách thì vợ chồng dễ phát sinh mâu thuẫn, rạn nứt...

Quỹ chung và quỹ riêng

 

Một hôm đi làm về nhà, ông Thành sửng sốt khi nghe con trai đang học đại học bảo là phải nghỉ học, vì mẹ không cho tiền đóng học phí. Ông không thể hiểu nổi vì sao lại đến mức như vậy. Thu nhập của cả hai vợ chồng cộng lại cũng được khoảng 15 triệu mỗi tháng, vợ ông tiêu xài ra sao mà không có tiền đóng học phí cho con?

 

Ông tìm hiểu mới biết, bao nhiêu tiền bà đổ hết vào quần áo, mỹ phẩm. Những bộ áo váy của bà toàn là hàng hiệu đắt tiền và bà đổi mốt liên tục. Trên bàn trang điểm của bà, lỉnh kỉnh đủ loại mỹ phẩm, mà một lọ nhỏ xíu giá cũng bạc triệu. Chưa hết, bà thường xuyên đến mỹ viện và chi phí chăm sóc sắc đẹp hàng tháng của bà cũng là con số làm ông chóng mặt.

 

Chị Liên quanh năm suốt tháng cứ phải trả những món nợ do chồng cá độ bóng đá. Mỗi lần như vậy, anh đều năn nỉ vợ và tỏ vẻ ăn năn: "Em hãy thương anh mà cứu anh một lần này. Chỉ một lần này nữa thôi, anh không bao giờ dám tái phạm...". Nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Đến khi không thể chịu đựng được nữa và đưa đơn xin ly hôn, thì chị mới biết chồng còn đang nợ 300 triệu đồng, trong khi tài sản còn lại của vợ chồng là căn nhà trị giá 500 triệu đồng.

 

Chị Quyên là chủ một cơ sở kinh doanh, chồng chị là một cán bộ ăn lương nhà nước. Đồng lương của anh chẳng đáng là bao so với thu nhập của chị. Vì vậy, chị không hề hỏi đến lương của chồng. Kiếm được bao nhiêu tiền, anh cất riêng và tiêu xài tùy thích, không phải đóng góp đồng nào cho gia đình. Chị chủ quan cho rằng cứ để chồng thoải mái như vậy thì tốt. Ai ngờ, có tiền rủng rỉnh, anh đi chơi và cặp bồ. Tiền lương của anh dành để cung phụng cho cô nhân tình. Khi chị biết chuyện, trách chồng thì anh lại nói: "Thì cũng tại em không chịu quản tiền của anh...".

 

Ông Vĩnh và bà Thảo chung sống đã nhiều năm, nhưng lại không tin tưởng nhau về chuyện tiền bạc. Cả hai đều có cơ sở kinh doanh riêng. Không ai biết thu nhập của người kia là bao nhiêu. Mỗi người có quỹ riêng. Trong phòng ngủ có hai két sắt, một của ông và một của bà, chìa khóa két sắt của ai thì người ấy giữ.

 

Tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình, họ chia ra từng loại thanh toán: chi phí nuôi con, học phí của con, chi tiêu và mua sắm vật dụng trong nhà mỗi người gánh một nửa; thuốc men bệnh tật thì phần ai nấy lo, nếu con bệnh thì cha mẹ chia đôi chi phí, tiếp đãi bạn bè của ai thì người ấy chi. Họ nói: "Phương châm của chúng tôi là rạch ròi, sòng phẳng và bình đẳng". Thoạt nghe có vẻ có lý nhưng ngẫm lại thì buồn thay cho tình cảm vợ chồng...

 

Trách nhiệm của cả hai vợ chồng

 

Quỹ chung hay quỹ riêng? Có nên công khai thu nhập với người bạn đời? Vợ giữ tiền hay chồng giữ tiến?... Mỗi người có câu trả lời riêng đối với những câu hỏi này, tùy theo quan niệm cá nhân. Dù sao thì quan hệ vợ chồng chỉ tốt đẹp khi vợ chồng cùng có trách nhiệm trong việc quản lý và chi tiêu tiền bạc trong gia đình.

 

Bà Lý Thị Mai - phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và quản lý giáo dục (TP.HCM) đã đúc kết:

 

"Đời sống gia đình khác hẳn với đời sống tập thể. Với tập thể, sự bình đẳng và sòng phẳng trong các khoản đóng góp là rất cần thiết và cũng không ai phủ nhận những tác dụng tích cực và tốt đẹp của nó. Với gia đình thì khác hẳn. Cách đóng góp như vậy không phải là sòng phẳng hay bình đẳng mà thực chất là một trong những biểu hiện của sự lạnh lùng, thiếu trách nhiệm và dù là vô tình hay hữu ý thì chính cách đó cũng đã tự hủy hoại chất thi vị và chất nhân văn của cuộc sống hôn nhân...

 

Kinh nghiệm cho hay, nếu mọi khoản thu nhập của cả gia đình được tập trung về một mối, vợ chồng cùng thống nhất về kế hoạch quản lý và chi tiêu, đồng thời luôn tạo ra được sự thỏa thuận về các dự kiến lớn thì chẳng những là mức sống sẽ ổn định và nâng cao mà hạnh phúc cũng luôn được bảo vệ, những mâu thuẫn thuộc dạng này sẽ dần dần tự tan biến".

 

Theo VnMedia