Là do duyên số

(Dân trí) - Bà Nụ vốn hiền lành tốt bụng, hay giúp đỡ chòm xóm, nhà cũng thuộc diện đủ ăn. Song bà đẻ được ba đứa con thì có thằng Hà bị ngọng, nó có tật ở lưỡi, nói chẳng nên câu, chỉ người nhà lắng nghe mới biết nó muốn gì.


Là do duyên số



Hà suốt ngày loanh quanh ở nhà cùng bố mẹ làm ruộng vườn chăn nuôi, nó cũng được nết chăm chỉ, hay lam hay làm. Ngót ba mươi, nhìn Hà vẫn như ngây dại, mấy đứa con gái vô duyên cứ hay trêu chọc , đùa cợt “anh anh, em em” nó chỉ ngoẹo ngoẹo cái đầu cười thẹn.

Ấy thế mà có con bé làng bên, nom xinh xắn chứ chả đùa, lại làm công nhân khá ổn định, qua mai mối đã đồng ý lấy thằng Hà. Bà Nụ mừng lắm, sắm sanh đủ bộ lễ ngãi, dẫn cưới, sang hỏi vợ cho con trai.

Những người cả nghĩ, hay lo xa, giờ cũng vui lây khi thấy ánh mắt hạnh phúc của bà Nụ. Cứ nhìn nụ cười thường trực trên môi bà là những người yêu mến gia đình bà cùng thở phào nhẹ nhõm. Đi qua chợ bà kể, con bé được nết lắm, nhà bà vui vẻ hơn xưa bội phần. Nó tận tình dạy thằng Hà nói, đọc chữ rồi dạy hát nữa… “Nó nghe vợ lắm”. Bà đang tính, sẽ cắt mảnh đất bên cạnh bán đi, để xây nhà cho chúng ở riêng tự do, thoải mái. Miệng bà vừa kể vừa nhanh nhẹn chọn những con cá tươi, những miếng thịt ngon nhất để về nấu cho cả nhà ăn. “Thằng Hà tăng những ba cân rồi cơ”, nói đoạn bà rơm rớm nước mắt.

Vậy mà bẵng đi cả tuần dân làng không thấy bà chợ búa, thấy bảo bà bị ốm. Chỉ người thân tín mới biết rõ nguồn cơn.

Đúng hôm mưa gió rét, bà bỗng nghe tiếng thằng Hà, run rẩy, đến hai, ba lần câu: “Vợ ơi cho anh nằm giường với, lạnh quá!” song vẫn chẳng thấy con bé động cựa. Bà Nụ đẩy cửa bước vào thì giật mình nhìn con trai đang co quắp dưới đất, quấn độc cái ga trải giường mong manh…

Bà gặng hỏi hai đứa mãi thì mới biết từ hôm cưới về con bé không cho ngủ cùng, và nó cũng có chửa từ trước khi biết thằng Hà. Bà ngậm ngùi, ra thế nên nó mới vội lấy con bà để che mắt thiên hạ.

Bà chưa kịp nói gì, con bé đã xấu hổ, sợ hãi vội vàng dọn quần áo cắp về nhà bố mẹ đẻ. Mấy người bạn bà trợn mắt: “Để nó đi luôn thế à, đòi lại của hồi môn với tiền lễ dẫn cưới chứ, hàng hai chục triệu chứ ít à?” Bà lắc đầu bảo “Bố mẹ nó nghèo, lấy tiền xong mang trả nợ hết còn đâu mà đòi. Thôi coi như làm phúc”.

Một hôm bà bấm tay đoán cũng đến ngày con bé kia sinh nở, nghĩ thấy thương, bà bèn lấy danh nghĩa người quen cũ đến thăm, cho nó đâu một triệu rồi ân cần dặn dò, “Chịu khó ăn uống, giữ gìn sức khỏe, mà nuôi con”. Con bé lặng thinh, chỉ nước mắt nước mũi là tuôn không thôi…

Khổ cái từ hôm nó đi thằng Hà càng thêm ngơ ngẩn, chẳng thiết làm ăn, bà lôi kéo nó làm lụng mà mãi nó cũng chẳng nguôi ngoai. Ông bà lại càng xót ruột, thương con mà chẳng biết phải làm sao.

Hôm ấy cả nhà bà Nụ nháo nhác tìm Hà khắp làng, cái thằng ngáo ngơ chưa một lần bước chân ra khỏi làng, trừ duy nhất buổi đi đón dâu, giờ biết tìm nó ở đâu bây giờ.

Đang đau đầu thì có người phóng đến báo thằng Hà đang ở nhà con bé kia. Ra là nó cũng tài nhớ đường, dám chạy bộ đến nhà con bé rồi nhất quyết không về một mình, cứ đòi bế con, rồi nói đi nói lại câu “Vợ ơi về đi”. Bà Nụ nhìn cảnh ấy mà không cầm được nước mắt. Bà nhỏ to với con bé thế nào mà nó đồng ý bế con cùng leo lên xe taxi bà gọi sẵn.

Sau hôm ấy ngày nào nhà bà Nụ cũng như có cỗ, tiếng trẻ con, tiếng hỉ hả, tiếng nói, cười ăm ắp căn nhà nhỏ…

An Miên