Bi kịch lấy chồng ngoại
Kỳ 2: Về nước chữa bệnh thần kinh
Cô dâu Việt mỗi người mỗi cảnh. Người được sung túc, kẻ lầm than. Có cô tưởng xuất ngoại làm dâu là được sung sướng nhưng sự thực bị đối xử như người ở, con sen... Không sống nổi, họ đành quay về nơi chôn nhau cắn rốn.
21 ngày làm dâu xứ người
Ở ấp Phúc Lộc 1, xã Trung Nhứt (Thốt Nốt, Cần Thơ), ông Huy có 6 người con nhưng không có đất sản xuất nên rất nghèo. Ông mướn 6 công đất để làm lúa và trồng màu, tiền mướn mỗi công một năm 1,5 triệu đồng.
Ông Huy tâm sự: “Làm nhiều mà thu nhập không có bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lãi. Tài sản quí giá của tôi chỉ có mấy đứa con gái, cho chúng lấy chồng nước ngoài hy vọng thoát nghèo”. Vợ chồng ông đã cho 2 cô con gái lấy chồng Đài Loan, cô Lin và cô Ly.
Ly là em nhưng lấy chồng nước ngoài trước Lin. Khi 2 chị em lên TP Hồ Chí Minh theo các đường dây mai mối thì Ly lọt vào mắt một chàng trai người Đài Loan mà tuổi bao nhiêu đến bây giờ cô Ly cũng không chắc chắn. Chỉ biết đám cưới tổ chức trong một khách sạn, có cha của chú rể từ Đài Loan sang.
Cưới xong, chồng cô về Đài Loan trước, cô Ly ở TP Hồ Chí Minh học tiếng Trung Quốc chừng hơn một tháng thì đường dây mai mối mới đưa sang.
Cô Ly kể, xuống sân bay xa lạ lúc đêm tối, chẳng biết đâu là đâu, tôi hoảng hồn. Một hồi thì anh Nam là người Việt Nam nhưng thuộc đường dây mai mối phía Đài Loan và từng xuất hiện trong đám cưới nên Ly biết mặt, đến đón về nhà anh Nam.
“Các cô dâu Việt Nam qua xứ người cần thời gian mới thích ứng được với lối sống và văn hóa. Nếu không được quan tâm, chia sẻ, dễ dẫn đến rối loạn thần kinh cấp tính. Còn bị ngược đãi sẽ dẫn đến điên loạn, muốn chữa khỏi phải mất nhiều năm.
Các cô về nước để kịp thời chữa cũng là hay, nếu cố gắng một cách bị động, kéo dài, có thể dẫn đến những biến chứng khó lường” - Bác sĩ Lê Hoàng Vũ, Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ. |
Sáng hôm sau, anh Nam mới chở tôi đến nhà chú rể, một tòa nhà cao 5 tầng, bán hàng ăn và karaoke.
Chú rể bước ra nhưng cứ đứng nghệt mặt nhìn, ngơ ngác không biết cô là ai.
Anh Nam phải nhắc đến đám cưới ở Việt Nam, anh ta mới nhớ. Năm đó, Ly tròn 18 tuổi...
Khi ngồi kể lại với PV Tiền phong, Ly vẫn không biết chồng cô làm nghề gì và mối quan hệ giữa một số người trong nhà chồng như thế nào. Cứ sáng sớm, chồng cô lên xe đạp đi đâu đó khi một ngày, khi hai ba ngày mới về nhà và về nhà gặp cô chốc lát rồi lại đi.
Ở nhà chỉ có mẹ chồng cô, một người phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi, nhỏ nhắn nhưng rất lanh lẹ. Trong nhà có thêm một người đàn ông không hiểu vai vế thế nào, mặc rách rưới, hàng ngày đi xin tiền về cho mẹ chồng và ngồi ăn cơm với mẹ chồng. Buổi sáng đầu tiên cô Ly về nhà chồng, ông này ngồi trước cửa nhà ngước mắt lên lừ đừ nhìn làm cô hết hồn.
Cha chồng Ly khoảng ngoài 70 tuổi, mập mạp và khá phúc hậu. Ông ở một ngôi nhà khác. Thỉnh thoảng ông cũng đến căn nhà kinh doanh hàng ăn nhưng chốc lát rồi về. Một lần có anh Nam đi cùng, ông dặn cô qua anh Nam (bởi cô không trò chuyện được với ông) là không nên ăn bánh trong nhà. Mà bánh trong nhà chủ yếu do người đàn ông kỳ dị đi xin mang về, chất đầy một bàn.
Lời dặn này càng làm cho cô Ly hoảng sợ khi sống ở nhà chồng mà không hiểu được mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như việc làm của họ.
Hàng ngày, cô phải phụ mẹ chồng mọi việc, sáng sớm theo bà đi chợ để xách đồ đạc, suốt ngày bưng bê thức ăn cho khách và đêm khuya khi hết khách thì dọn dẹp.
Mẹ chồng không thuê mướn người làm nên cô Ly cảm thấy cô là người được đưa về để làm công hơn là làm dâu. Hầu như cô không có thời gian ngủ nghỉ.
Cô Ly vừa được chữa lành
bệnh tâm thần.
Ly không dám ăn bánh, không dám ăn cơm và các loại thức ăn trong nhà. “Em chỉ dám ăn trái cây”, cô Ly kể. Chỉ hơn chục ngày ở nhà chồng, Ly phát bệnh tâm thần phân liệt.
Mẹ chồng chở cô đi một số nơi tìm thuốc chữa trị, chủ yếu đến các chùa xin bùa ngải để uống. Bệnh không khỏi mà ngày càng nặng nên gia đình chồng tìm lại đường dây mai mối để trả cô về Việt Nam. Cuộc đời làm dâu xứ người của cô vỏn vẻn 21 ngày.
Khi đi xinh đẹp lúc về bủng beo
Gia đình cô Ly được báo lên TP Hồ Chí Minh để đón con. Họ không còn tin vào mắt mình: Cô con gái xinh xắn ngày nào giờ như một cái xác không hồn. Tiền bạc, áo quần cũng mất sạch. Cô phải vào bệnh viện tâm thần nằm hơn một tháng, sức khỏe trở lại và điều trị 2 năm mới hết bệnh.
Tuy nhiên, bệnh chưa dứt hẳn nên sau đó, cô đi bán quán ở địa phương, bị mất ngủ bệnh tái phát. Tiếp tục vào bệnh viện tâm thần và chạy chữa. Cuối tháng 7/2007, khi PV Tiền Phong đến, cô đã tỉnh táo, nói chuyện bình thường. “Nhưng chúng tôi vẫn nơm nớp lo bệnh trở lại nên chưa dám cho nó đi đâu”, ông Huy nói.
Đúng thời điểm cô Ly bị bệnh về nước thì Lin có người ưng ý tổ chức đám cưới, đưa sang Đài Loan. Đưa con gái về nhà chồng mà ruột gan ông bà Huy như lửa đốt. Nhờ trời, như ông Huy nói, cô Lin lấy chồng cũng tử tế nên có tiền gửi về giúp ông vượt qua khốn khó, còn chữa được bệnh cho Ly.
Tuy nhiên, bà Huy chưa thật yên tâm, nên sang thăm cô Lin một chuyến hơn tháng. Bà kể: “Chồng Lin làm bảo vệ ở một trường học, còn Lin làm công cho một cửa hàng. Nhặt rau, băm thịt cũng đầu tắt mặt tối lắm. Ngày tôi qua thăm là lần đầu tiên Lin được nói tiếng Việt sau mấy năm lấy chồng, bình thường ai chỉ gì làm nấy, không nói năng. Nhà cửa cao lớn nhưng trống vắng vì chỉ vợ chồng Lin ở với nhau, tôi xót ruột mới ôm thằng cháu ngoại về nước để nuôi”.
Y sĩ Lương Hiền Thành (Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ), cho biết: Bệnh nhân của bệnh viện là những cô gái lấy chồng nước ngoài trở về đang có chiều hướng tăng.
Gần đây có cô Nguyễn Thị Thảo ở Hậu Giang bị rối loạn tâm thần cấp. Tuy nhiên vì nhiều lẽ, số cô khám và điều trị ở phòng mạch tư nhân còn nhiều hơn. |
Ở ấp Phúc Lộc 1 còn có cô con gái của ông Đào Hữu Nghiên, lấy chồng Đài Loan cũng bị bệnh thần kinh phải về nước chữa. Lúc đi mơn mởn, lúc về phờ phạc, u uất, chẳng còn nhận ra người thân thích.
Tuy nhiên, người chồng ở Đài Loan vẫn giữ mối liên hệ, gửi tiền bạc và thỉnh thoảng trực tiếp sang Việt Nam thăm nom, sau hơn 2 năm chữa lành bệnh, mới đây anh chồng đã rước cô trở lại Đài Loan.
Theo Sáu Nghệ - Kiến Giang
Tiền Phong