Chồng Tây vợ Việt ở xứ… mình
Kỳ 2: Hạnh phúc và những hệ lụy
(Dân trí)- Một cảnh mọi người thường thấy là ông bố mắt xanh khệ nệ địu con trước ngực, tay lỉnh kỉnh xách đồ trong khi cô vợ nhỏ bé thì thủng thẳng đi sau. Ngọc Nhi hạnh phúc kể rằng khi hai người có em bé, Eric thường thức đêm trông con để vợ ngủ và cho em bé bú bình rất thành thạo.
Kỳ 1: Nỗi khổ của “con cave đi với thằng Tây”
Những niềm vui không thể so sánh
Chồng Ngọc Nhi biết từng size quần áo của vợ và thường tự tay chọn đồ cho cô mỗi khi anh đi công tác. Khi cô mệt, anh tự nấu và mang đồ ăn đến tận giường. Cô cười nói: “Việt cũng có những nhiều anh rất tốt, nhưng chắc số mình xui không gặp được!”.
Bạn gái cô không nói gì nhưng thầm so sánh với người chồng rất thương mình nhưng lại ngại mẹ, khi vợ nghén muốn rửa bát giúp cũng phải chờ mẹ lên nhà rồi mới dám lén lút làm.
Thu Lan dẫn chồng về ăn cưới người bạn thời trung học. Mike thực sự hứng khởi khi được vợ đưa về miền Tây với cảnh đẹp hữu tình và những tấm lòng hồn hậu hiếu khách. Cánh bạn Lan cùng “zô, zô” với chàng sảng khoái. “Ở bên kia tôi ít được vui thế này lắm!” - Mike hồ hởi. Riêng ông Ba, chú Lan thì dở cười dở mếu cho biết rằng, chưa có thằng cháu rể nào mà lại dám xưng với ông là… anh!
Về quê thì như vậy, nhưng ở thành phố sau giờ làm, Mike hầu như không la cà quán xá mà về nhà luôn. Có người giúp việc nhưng anh vẫn thích tự tay làm lấy các việc trong nhà: đóng khung tranh, sơn tường, chăm sóc cây… Anh nói từ nhỏ đã được giáo dục tự làm mọi việc. Nhìn chồng hí húi sửa đèn trong nhà bếp khi vợ nấu ăn, Lan cảm thấy mình may mắn.
Paul thường xuyên là người nội trợ chính. Anh tự đi siêu thị mua đồ và nấu những món ăn Tây rất ngon. Đặt cô vợ bé bỏng lên bệ bếp, Paul hí hoáy nêm nếm rồi thỉnh thoảng quay sang âu yếm đút cho nàng một miếng ăn thử. Hai vợ chồng ở riêng, một năm sang Lyon thăm mẹ Paul một lần rồi lại về Hà nội. Uyên Phương nói đùa nhưng vẻ mặt tràn trề mãn nguyện rằng, lấy chồng xong cô còn “sướng” hơn hồi con gái!
Một cái nhìn trong cuộc
Các chàng rể Tây làm việc ở xứ Việt, với mức lương Tây và giá cả Việt Nam, họ có thể sống thoải mái và tích luỹ dư dả còn hơn làm việc ở chính quốc. Lại có kẻ chỉ muốn săn tìm chút hương xa nơi xứ lạ, mỏi cánh rồi lại bay đi.
Quỳnh Liên sau khi “vợt” được anh chàng Canada bảnh bao ở bar Tạ Hiện, những tưởng mình đã lên đời từ đây. Sau khi nũng nịu vòi chàng mua trang sức xe cộ đều bị khất lần lữa, đòi sang quê chàng du lịch cũng bị thoái thác “anh bận lắm”, Liên bám theo đến tận trụ sở công ty rất oách trên một cao ốc đường Phạm Hùng mà chàng tự hào khoe mình là Giám đốc.
Lúc đó, sau một hồi tra hỏi cười cợt, Liên được biết chàng cũng là Giám đốc thật, nhưng mà là Giám đốc được các anh Việt Nam đi thuê với giá vài trăm đô một tháng, để có mẽ đánh bóng các đối tác làm ăn cũng mắc bệnh sính Tây như cô!
Cay đắng bẽ bàng, nhưng là người tham vọng, Liên quyết học thêm tiếng Anh “ngon lành” để xin vào sở Mỹ, lúc đó “vợt” anh nào thì cũng khó nhầm hơn là “vơ váo” ở ngoài bar như chàng Canada nọ.
Cô còn hăng hái tham gia tất cả các sinh hoạt văn hoá cộng đồng của Hội đồng Anh, ĐSQ Đan Mạch, thi chạy quốc tế từ thiện… tức là bất cứ thứ gì có dính đến yếu tố “ngoại“. Các anh tóc vàng nhìn thấy cô gái Việt Nam da nâu duyên dáng này chắc cũng không thể ngờ hết mọi suy tính rành rọt ẩn trong cái đầu xinh xắn của cô.
Chồng Tây vợ Việt, cũng như mọi cuộc hôn nhân khác, cũng đều có thể là do tính toán hay vì tình yêu. Tuy nhiên, chọn con đường ở lại Việt Nam, ngoài chuyện được gần gia đình, không phải đối đầu với những vấp váp của cuộc sống xa xứ, các cô gái cũng gặp nhiều phiền toái mặc dù sống giữa cộng đồng của mình. Hôn nhân dị chủng còn là điều gây chú ý với dân tộc Việt Nam vốn không có nếp di cư. Sự khác biệt văn hoá cũng là một điều cần chú ý.
Vì vậy, ngoài tình yêu, các cặp chồng Tây vợ Việt cần nhiều sự cố gắng hơn một cuộc hôn nhân thuần Việt. Ngọc Nhi tỏ bày: “Quan trọng nhất là những giá trị cốt yếu về gia đình, về cuộc sống có phù hợp không. Mọi thứ nhỏ khác có thể điều chỉnh được”.
Hạnh Chi