Kinh nghiệm làm vợ “chuẩn”

(Dân trí) - Do “điếc không sợ súng”, một phần cũng sợ ế sẽ di truyền nên tôi dấn thân đi lấy chồng hơi sớm. Và đây, kinh nghiệm “xương máu” đúc kết sau 5 năm làm vợ, làm mẹ: Thứ nhất, “Chồng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên lớn lên”.

Có nuôi con mới biết, phải lao tâm khổ tứ, trăn trở hi sinh ra sao mới được một con người trưởng thành. Vì thế mẹ chồng có hơi độc đoán, khắt khe một chút cũng nên thông cảm, đừng chấp vặt và mong mẹ phải rộng lượng hơn với con dâu.

 

Tôi luôn tin vào quy luật cuộc sống, mình đối xử với người khác thế nào, họ sẽ đối xử với mình thế ấy. Còn nếu ta không có ác ý mà họ cứ xử tệ thì đành tự an ủi “có lẽ do kiếp trước mình vụng đường tu”.
 
Kinh nghiệm làm vợ “chuẩn” - 1

Hài hước là chiêu hiệu quả hóa giải xung đột vợ chồng.

 2. “Bố mẹ chồng không phải bố mẹ đẻ”

 

Ấy là nói về khía cạnh nói năng, tâm sự, không thể thân mật hay thẳng thắn như với bố mẹ đẻ mình được. Đừng để “gần chùa gọi bụt bằng anh” và cũng không nên “gần nhau trong gang tấc mà biển trời cách mặt”. Chung quy “thoang thoảng hoa nhài mới thơm lâu”. Nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít, không nói sẽ chẳng thể sai được.

 

3. “Hạn chế ra mặt khi muốn có ý kiến gì đó với nhà chồng”

 

Để chồng làm việc ấy, ta chỉ nên đứng đằng sau, thể hiện, nêu rõ quan điểm của mình, còn hành động dũng cảm, hãy để anh ấy thể hiện bản lĩnh đàn ông thời nay. Lưu ý: Tránh “áo gấm đi đêm” - ai cho cái gì hoặc cho ai cái gì nên công khai hết sau mới dễ nói chuyện.

 

4. “Thắng không kiêu, bại không nản”

 

Đừng thấy chồng yêu mình tha thiết mà đã “tinh tướng”. Tình cảm con người cũng như tính khí của họ khó lường lắm. Không nên “ngủ quên trên chiến thắng” mà quên mất phải có sự qua lại, quan tâm đến chồng và luôn yêu chồng tha thiết. Thấy chồng hờ hững cũng đừng vội bi quan, chưa chắc đã là do chán vợ, chán gia đình, có thể công việc của anh ấy sắp hạn cuối mà vẫn đang bề bộn. Cũng có lẽ do ai đó trót nhỡ chê... kiểu tóc anh mới cắt. Hãy nhẫn nại để anh tĩnh tại một thời gian, nếu tình trạng ấy kéo dài, hãy bốc thêm “thuốc bổ”: dịu dàng, ân cần, chăm sóc.

 

5. “Đi đâu như đũa có đôi, như thế người ta mới gọi là đôi vợ chồng”

 

Những dịp cần thiết nên sóng bước cùng nhau, nên khẳng định chủ quyền, kín đáo “xí phần” kẻo đám thanh nữ rảnh rỗi thấy “mật gấu quý” tưởng vô chủ lại xáp vô thì khổ.

 

Không nên xa nhau dù chỉ một ngày. Khoảng cách dễ khiến tâm hồn người ta xao động. Mà thời buổi này rất hay bị dòng đời xô đẩy. Mất nhau như chơi!

 

6. “Không nằm riêng nhất là khi đang giận dỗi”

 

“Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, nằm riêng làm gì khi mà cả hai cùng mất ngủ vì thiếu nhau, lấy đâu ra sức mai còn hờn giận. Nên việc nào ra việc đó, giận là việc của giận, ngủ là việc của ngủ. Khác nhau hoàn toàn.

 

7. “Giảm to tiếng và tăng sự hài hước”

 

Những lúc chồng giận thì vợ nhớ bớt lời, miệng cười chúm chím: “Thưa rằng, anh giận em chi? Muốn lấy vợ bé, em thì lấy cho”. Tôi từng “hứa” với chồng sẽ lấy vợ bé cho anh với điều kiện cô ấy về chỉ việc giặt quần áo, nấu cơm, rửa bát, lau nhà còn lúc nào cũng phải đứng cách xa anh trên mười mét. Sau khi hết cơn “tưởng bở” thì chồng cũng hết giận.

 

Thi thoảng đến lượt chồng “làm hòa” khi vợ sắp “mất khôn”: “Ừ thôi, anh sai rồi, em xin lỗi anh đi”. Hay: “Em biết không, người vợ tốt là người luôn biết tha thứ cho chồng khi cô ta sai đấy!”.

 

8. “Về đơn ly hôn”

 

Chỉ nên viết một lần duy nhất thôi, đừng lấy ra dọa nhau, trẻ con cười cho.

 

9. “Nói ít hiểu nhiều”

 

Nói nhiều chẳng buồn hiểu nữa vì ngán ngẩm. Tránh nói dai dẳng, còn việc mỗi lần khúc mắc lại “ngậm tăm”, chiến tranh lạnh thì càng nên tránh. Nên dùng từ có chọn lọc, đối thoại trên tinh thần bình đẳng, tích cực đôi bên cùng có lợi.

 

10. “Thống nhất việc nuôi dạy con”

 

Người này là bổ trợ “quyền lực” cho người kia, đừng dùng con làm vũ khí, không nên tranh thủ tình cảm của con để gây áp lực cho đối phương kẻo đến lúc cả ba cùng thua.

 

TSL