Kinh hoàng sống với “Hoạn Thư”

Vợ hay ghen tuông là một nỗi kinh hoàng đối với các ông chồng. Để đối phó với căn bệnh này, các ông chồng đã nghĩ ra đủ kế...

 
Kinh hoàng sống với “Hoạn Thư” - 1


Khổ nhục kế

 

Có cô vợ hay ghen là nỗi khổ vô cùng khó nói của anh Nguyễn Văn Tuấn, công tác ở một tổng công ty tại Hà Nội. Thường ngày, sau giờ làm việc anh hay phải đi tiếp khách nên cô vợ lại càng khó chịu. Tối tối, những cuộc điện thoại liên tục tra tấn nhưng anh không bao giờ dám tắt hoặc không nghe. Chỉ cần chậm “alô” một chút xíu thôi là lúc về, thế nào cũng có một trận lôi đình: “Chắc anh đang ở cạnh con nào, cần có thời gian chạy vào toa lét để nghe chứ gì”…

 

Lo sợ những trận bão đó, anh Tuấn luôn cẩn thận xóa bỏ dấu vết, dù là dấu vết hoàn toàn vô tội của anh, trước khi trở về nhà. Nhưng cũng chính sự cẩn thận đó mà có lần, anh đã dở sống dở chết với sự ghen tuông, nghi ngờ của vợ.

 

Một lần, do trong lúc tiếp khách, một chút nước hoa của cô tiếp viên “không may” đã vương vào tóc anh. Lúc ra về, Tuấn vô cùng lo lắng mà chưa biết phải làm gì để gột bỏ cái thứ mùi đáng ghét đó.

 

Gần đến chỗ rẽ vào nhà, tinh thần anh càng hoang mang. Lúc đi ngang qua một vũng nước mưa, anh đột ngột bảo lái xe dừng lại. Không chần chừ, anh mạnh tay khoát vào vũng nước rồi vẩy vẩy, bôi bôi lên hai ống quần.

 

Về đến nhà, anh Tuấn vừa tươi tỉnh nói cười rổn rảng với vợ, vừa giơ ống quần lên cho vợ nhìn thấy chỗ thì ướt, chỗ thì dính bùn: Gớm, cái ngõ nhà mình khiếp quá. Trời tối, ra khỏi xe anh dẫm ngay phải vũng nước, bẩn hết cả quần”. Nói xong, anh đường hoàng đi vào nhà tắm, còn nói với ra với vợ: Em ơi, lấy cho anh bộ Pizama nhé!

 

Sau khi tắm rửa, loại bỏ thủ phạm giấu mặt, anh được vợ mang ra một tô mì nóng hổi mà chẳng hề nghi ngờ tí nào. Đêm đó, anh đánh một giấc ngủ say mà không hề có ác mộng.

 

Sáng ra, đang vừa rửa mặt, vừa huýt sáo một bản tình ca, anh bỗng nghe tiếng đập cửa nhà tắm rầm rầm, kèm theo tiếng hét chói tai của “con sư tử”: Anh ra ngay đây! Vừa ló mặt ra, anh thấy vợ đằng đằng sát khí, tay cầm đôi giầy vẫn còn bóng lộn: Anh bảo giẫm vào vũng nước, ướt cả quần, thế sao đôi giày của anh lại “sáng không tì vết” thế này?

 

Không lời nào có thể biện minh, anh đành khai thật với vợ: Tại em hay nghi ngờ quá, anh muốn yên nên mới nghĩ ra mẹo đó. Nhưng anh thề là anh hoàn toàn vô tội! “Cơn bão” lần đó thật đáng nhớ đời. Suốt tuần, anh tắt điện thoại, không liên lạc với bạn bè, chiều về nhà sớm với khuôn mặt của kẻ tội đồ đang sám hối.

 

Tức nước vỡ bờ

 

Nổi tiếng sợ vợ, anh Hoài gần như chẳng bao giờ dám đi đâu sau giờ làm việc. Mà lạ thật, nào anh có đẹp trai cho cam. Người nhỏ, gầy như que củi. Một cô vợ còn không kham nổi, nói gì đến mèo mỡ. Ấy thế nhưng, trong mắt vợ anh thì anh vẫn là một miếng mồi ngon mà bất cứ khi nào lơ là một chút cũng có thể bị ai đó cuỗm mất.

 

Sáng sáng, vợ anh kiểm soát từng đồng xu trong túi. Tối tối, chị ngửi từng xăng-ti-met cơ thể cũng như quần áo của chồng. Hết giờ, mọi cuộc điện thoại của anh đều do vợ nghe và trả lời, sau đó truyền đạt lại. Anh chỉ được phép đi ra ngoài buổi tối nếu có vợ đi cùng, trừ đi… đổ rác. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong vô vọng. Đã nhiều năm như thế, anh không còn có ý nghĩ giành cho mình một chút quyền tự do. Trông anh lúc nào cũng nhợt nhạt, thiếu sức sống.

 

Tức nước vỡ bờ, được nhóm bạn khích lệ và bày mưu, anh quyết định làm một cuộc cách mạng. Tối đó, anh đánh chiếc quần đùi với cái áo may ô đã lỗ chỗ nốt thủng, cầm chiếc xô rác đi ra ngõ. Vừa khuất tầm nhìn cửa sổ nhà mình, anh thẳng tay vứt chiếc xô vào xe rác. Ngay lập tức, một người bạn ở đâu phóng xe đến bên, đưa cho anh chiếc túi. Nhanh như nhà ảo thuật, anh mặc bộ quần áo dài ra ngoài, trèo lên phía sau xe anh bạn và mất hút luôn… 3 ngày.

 

Khi phát hiện quá 5 phút mà chồng chưa về, chị vợ bắt đầu gọi điện thoại. Tiếng chuông đổ ngay trong nhà khiến chị yên tâm hơn. Nhưng 15 phút, rồi nửa tiếng… Đêm ấy, chị khóc hết nước mắt, lo anh có chuyện gì. Được bà mẹ đẻ bồi thêm: Mày cứ bắt nạt nó mãi, có khi nó nó chán sống. Chị sợ!

 

3 ngày sau, anh lù lù trở về, đầu tóc bóng bảy, áo quần bảnh bao. Anh tươi tỉnh như không có chuyện gì, chỉ nói mỗi câu: Đi chơi vài ngày cho thư giãn. Chị vợ sau cơn hoảng loạn, giờ thấy anh về thì im thin thít, chẳng trách móc gì. Tối đó, anh nằm trên giường, vừa xem tivi, vừa gọi điện thông báo cho bạn bè: Cuộc cách mạng đã thành công, tớ thắng rồi, chiều mai đi nhậu nhé!

 

Sáng sau, tỉnh dậy trong sự luyến tiếc giấc mơ ngọt ngào đang cùng đám bạn uống bia tươi… mát, anh giật mình thấy nhà mình yên tĩnh một cách lạ lùng. Đập vào mắt anh là lá đơn xin li hôn của vợ để trên bàn. Tủ quần áo của cả vợ và con anh trống hoác. Chán ngán, anh nghỉ làm, ở nhà nằm vắt tay lên trán suy nghĩ rồi quyết định… đi đón vợ với lời hứa: Anh sẽ lại như ngày xưa!

 

Án chung thân

 

Nhưng có lẽ chuyện một ông Viện trưởng có bà vợ ghen kinh hoàng mà bất kỳ sự phản kháng nào cũng… bất thành như câu chuyện sau đây thì có lẽ, thế gian chỉ có một.

 

Đường đường là một viện trưởng, nhưng ông K. lại vô cùng khổ sở bởi bà vợ có tính ghen tuông một cách bệnh hoạn. Mọi sự kiểm soát mà các bà vợ trên thế giới này có thể nghĩ ra đều hiện diện trong cái đầu bé nhỏ của bà. Không yên tâm để chồng đi làm mà không có vợ bên cạnh, bà nghỉ việc, kè kè bên ông bất kể ngày đêm.

 

Phần thông cảm với ông, phần cũng thương bà “có bệnh”, anh em ở cơ quan xếp cho bà một cái bàn nhỏ trong góc phòng làm việc của ông. Khách khứa lúc đầu biết bà là vợ ông thì hết sức ngạc nhiên, sau cũng quen dần. Mọi phụ nữ ở cơ quan, bất kể tuổi tác, đều chỉ gặp ông những khi nào công việc bắt buộc. Từ ánh mắt, cử chỉ của mọi người đều nằm trong tầm ngắm của bà.

 

Bất cứ ông đi dự hội nghị, hội thảo hay công tác ở đâu, bà cũng đi cùng. Ông làm việc, phát biểu ở trong, bà ngồi ngoài hành lang. Có lần ông mải chuyện, cùng đối tác đi ra phía cổng sau, không thấy chồng, bà làm náo loạn cả khu vực tổ chức hội nghị khiến ông sau đó không còn biết chui vào đâu vì xấu hổ. Ông bao giờ còn dám chểnh mảng nữa. Kể cả… đi vệ sinh, ông cũng ra thật nhanh, chỉ sợ vợ lỡ ngó vào mà không thấy mình thì… chết!

 

Nhưng nhớ đời nhất với ông có lẽ là vụ cơ quan cử ông đi công tác ở Thái Lan. Lần ấy, ông đã làm tinh thần cho bà cả tháng trời. Bà hỏi han rất kỹ, cuối cùng cũng đồng ý cho ông một lần xuất ngoại mà không có vợ đi cùng với điều kiện: Đoàn công tác của ông không có ai là nữ.

 

Ra đến sân bay, bà vẫn cầm vi sa, hộ chiếu của ông. Cả đoàn làm thủ tục chung, riêng ông làm một mình. Lúc bước vào hàng, chuẩn bị đến lượt làm thủ tục thì bỗng nhiên, một phụ nữ ở đâu đi đến chào hỏi. Hóa ra, đó là một đồng nghiệp trước đây làm cùng cơ quan, đã chuyển đi nơi khác nhưng hôm nay tình cờ bay cùng chuyến. Thế là ngay lập tức bà bảo: “Thôi chết, em quên giấy tờ của anh ở nhà rồi”. “Lúc đó, tôi chỉ muốn bóp cổ bà ta cho… chết thôi” - sau này, có lần ông đã bức xúc thốt lên với một người đồng nghiệp.

 

Tuy có những lúc “giận điên người”, nhưng ông K cũng rất thương vợ. Ông cũng đã đi hỏi nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý và được biết, sự ghen tuông của vợ ông là một loại bệnh khó chữa. Từ chối tất cả những “chiêu” ứng phó với vợ ghen mà mọi người tư vấn, kể cả chiêu… bỏ vợ (bởi ông mà làm thế thì bà sẽ… tự tử), ông chấp nhận sống cả đời với bà, chôn vùi mọi thú vui, dù là giản dị nhất của một người đàn ông.

 

Những người đàn ông có vợ hay ghen, sau khi áp dụng đủ mọi kế sách mà vẫn thất bại ê chề, cuối cùng đã rút ra một bài học hết sức đơn giản, nhưng cũng vô cùng khó thực hiện, đó là mọi hành động đều phải quang minh chính đại, và chớ có bao giờ nói dối vợ, dù chỉ là một điều nhỏ nhất. Bởi khi vợ đã mất lòng tin, thì cả cuộc đời, anh sẽ phải sống trong sự ngờ vực và ghen tuông.

 

Theo Xuân Hưng

VNMedia