Kiếp chồng chung

Đang đi bộ trên đường, bỗng nhiên đứa con chạy vụt khỏi tay Hiền, tiến đến bên một người đàn ông gọi: “Ba ơi, ba ơi...”. Cô chợt nhận ra đó là Long, cha của con gái mình.

Kiếp chồng chung - 1
Long đang đứng với vài người bạn. Anh ta cũng mất vài giây ngỡ ngàng mới nhận ra con. Một người trong số bạn bè Long trêu đùa: “Đào hoa thế! Con rơi con vãi khắp nơi”.

 

Nhìn con bé bỏng, mặt Long hơi lộ vẻ tội lỗi. Cách đó không xa, Hiền - cô vợ “quê mùa” cũng là “bà cả” của Long đứng tần ngần. Hôm nay, Hiền đưa con lên Hà Nội đi thăm một người họ hàng, thế nào vô tình lại gặp chồng trên phố đông người. Chẳng biết nên vui hay nên buồn. Chỉ biết, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng.

 

Gọi là chồng song có lẽ chỉ là trên giấy tờ. Thực tế, Long và Hiền ly thân từ lâu. Chưa làm thủ tục ly dị nhưng Long cưới vợ khác và đã có con. Ngoài khoản tiền trách nhiệm hàng tháng, chỉ năm thỉnh mười thoảng, bận việc về quê Long mới nhân thể thăm con qua quýt. Vì thế nhìn mặt con đẻ, Long ngờ ngợ là chuyện dễ hiểu.

 

Hiền chẳng mảy may hi vọng, trông chờ điều gì hơn nữa ở chồng. Cô biết với thân phận phụ nữ quê mùa như mình có cố gắng bươn chải cũng chưa chắc lo cho con đủ ăn đủ mặc. Đi bước nữa lại càng khổ đứa trẻ. Thôi thì đành vì con, chấp nhận cái kiếp chồng chung, có người đàn ông lo kinh tế cho hai mẹ con. Hiền tâm sự: “Nhiều khi cũng tủi nhục lắm. Con cứ suốt ngày hỏi sao bố không về. Mình chỉ biết nói dối là bố phải đi công tác xa. Chả biết mai lớn nó hiểu chuyện hơn thì phải giải thích sao”.

 

Nói về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lí Bích Hà cho hay, dù luật hôn nhân đã cấm nhưng đây vẫn là hiện trạng thực tế không hiếm trong xã hội. Nguyên nhân sâu xa nằm chủ yếu ở chính người phụ nữ. Trước hết là tư tưởng cam chịu, ảnh hưởng bởi tàn dư phong kiến. Kế đó, do quá yêu chồng, nhiều chị em trở nên yếu mềm, nhu nhược, đánh mất lí trí, sẵn sàng chấp nhận tất cả để có chồng bên cạnh. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khiến số đông phụ nữ rơi vào hoàn cảnh này là sự phụ thuộc về kinh tế.

 

Bà Bích Hà cũng đưa ra một trường hợp điển hình nữa là hoàn cảnh của chị Kim Phượng (42 tuổi, Hà Nội). Tuy nhiên, chị Phượng may mắn hơn bởi vẫn còn giữ được... “một nửa” người chồng, nửa còn lại chị đành ngậm đắng nuốt cay san sẻ với cô vợ bé trẻ tuổi hơn và là đồng nghiệp của chồng chị.

 

Chị Phượng kể, anh Chính - chồng chị là trưởng nam, cũng là con trai duy nhất trong nhà, đồng nghĩa anh Chính phải sinh thằng cu nối dõi tông đường. Tuy nhiên, chị Phượng chỉ đẻ được hai đứa con gái, sau đó mắc chứng vô sinh thứ phát. Chị cho rằng chính nguyên nhân này khiến chồng nảy ý định ra ngoài tòm tem.

 

Khi phát hiện chồng có “vợ bé” bên ngoài, không những thế họ còn có với nhau một đứa con trai, lúc đầu, chị Phượng ghen đứng ghen ngồi, đau khổ tột cùng. Chị dọa ly hôn, nào ngờ anh Chính chẳng sợ còn chấp nhận đoạn tuyệt ân nghĩa vợ chồng nếu không cho anh tiếp tục qua lại với bồ.

 

Nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo, chị Phượng không đành để bao công sức tử thuở hàn vi hai vợ chồng gây dựng rơi hết vào tay kẻ thứ ba. Chị vẫn nhớ thời anh Chính là sinh viên Y khoa mới ra trường, cuộc sống nghèo túng, gần như chị từng một tay nuôi cả gia đình. Nay anh đã trở thành bác sĩ có tiếng tại một bệnh viện TW, kiếm tiền như rác, là niềm mơ của bao cô gái trẻ, không lẽ chị đành mất chồng. Hơn nữa, ở độ tuổi chị khó có thể tìm người đàn ông nào hơn thay thế. Còn các con nữa, liệu bố nó có vợ mới, con trai riêng rồi thì còn chăm lo cho chúng đầy đủ nữa không?

 

Cuối cùng, cân nhắc giữa cái được và cái mất, chị cay đắng chấp nhận việc chồng “lập thiếp”. Đâu chỉ có vậy, chị phải để cho anh đường đường chính chính đưa con trai riêng về quê ra mắt các cụ cùng họ hàng, nhận mặt cháu đích tôn.  

 

Giờ anh Chính mua một căn hộ riêng ở gần cơ quan cho mẹ con cô vợ bé. Ngoài thời gian họ gặp nhau nơi làm việc, buổi trưa anh về đó nghỉ ngơi sinh hoạt, đến tối lại quay về với mẹ con chị Phượng. Hai bà không ai xâm phạm đến “lãnh thổ” của ai.

 

Chấp nhận đó, nhưng không thể nói là không đau đớn. Chị Phượng tâm sự với chuyên gia: “Tôi đã phải chịu bao áp lực từ phía dư luận, bạn bè, gia đình và cả từ chính bản thân. Có những khi tưởng như muốn chết quách đi cho đỡ tủi hổ. Rồi nghĩ đến các con và bố mẹ mình, tôi lại phải gồng lên để sống. Song, cảm giác cay đắng, uất hận thì không bao giờ hết”.

 

Trong trường hợp này, chuyên gia khuyên chị Phượng nếu muốn thoát khỏi hoàn cảnh trên, cách duy nhất là phải đi vào đúng luật hôn nhân: mỗi gia đình chỉ có một vợ, một chồng.

 

Đặc biệt, chị Phượng nói riêng và phụ nữ nói chung cần tự ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ, đồng thời cần bản lĩnh, tự tin hơn trong cuộc sống để khẳng định mình, để tự đảm bảo được cuộc sống cho mình. Có như vậy, người đàn ông mới không dám lấn lướt, qua mặt, làm những điều ngang ngược, sai trái trong hôn nhân.

 

“Chém cha cái kiếp chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” - Quả thật, tưởng chuyện chỉ xảy ra từ nhiều năm về trước vào thời phong kiến, thế mà ngày nay, giữa đất Hà Thành tân tiến vẫn còn đó những phụ nữ như chị Hiền, chị Phượng phải chịu “kiếp chồng chung”. Chỉ có điều, không ai khác ngoài bản thân họ mới có khả năng giải phóng được chính mình.

 

Theo Zing

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm