Kiên quyết ly hôn vì vợ "không đội trời chung" với mẹ

Vợ chồng anh trải qua nhiều cuộc cãi vã nảy lửa, để rồi anh cũng phải nhượng bộ: Không đưa mẹ về ở cùng nhà mà để bà ở trong căn chung cư cùng 2 đứa cháu họ đang theo học đại học ở Đà Nẵng.

Người đàn ông kể rằng phải khó khăn lắm họ mới trở thành vợ chồng của nhau khi ban đầu gia đình anh quyết liệt phản đối tình yêu của họ. Bố anh mất từ khi anh còn nhỏ. Mẹ anh ở vậy từ năm bà mới 24 tuổi để nuôi 2 chị em anh nên người. Cả 2 chị em đều được học đại học và học rất giỏi, lại chăm ngoan, khiến mẹ anh vô cùng tự hào. Mọi chuyện đối với chị anh đều suôn sẻ, từ việc học hành, công ăn việc làm đến xây dựng hạnh phúc gia đình khiến mẹ anh vô cùng mãn nguyện. 

Còn anh, ngay từ khi đưa người yêu về ra mắt đã vấp phải sự phản đối không chỉ của mẹ anh mà của mọi người trong dòng họ. Họ nói tuổi của 2 người không hợp, nếu lấy nhau thì phần thua thiệt sẽ thuộc về anh. Hơn nữa, quê anh ở vùng núi phía Bắc trong khi gia đình cô lại ở miền Trung. Mẹ anh nói 2 quê xa xôi cách trở, sau này biết đi lại, thăm hỏi thế nào?

Anh kể, ngày ấy nếu không phải anh sắt son một lòng bảo vệ tình yêu, quyết tâm thuyết phục mẹ, các ông chú, bà bác thì họ không thể đến được với nhau. Vì tự ái, người yêu anh một mực đòi chia tay khi biết gia đình người yêu không nồng nhiệt đón chào cô từ đầu. Những tưởng khi thành trì, lô cốt cuối cùng là mẹ anh đã được "đánh đổ" thì con đường đi đến hạnh phúc của anh sẽ không còn gì cản trở, nào ngờ...

Cưới nhau xong, hai vợ chồng đều vào Đà Nẵng làm việc. Ban đầu là ở nhà thuê, về sau nhờ thành đạt sớm, họ mua được nhà chung cư, rồi nhà đất khá khang trang, rộng rãi. Trong khi đó, mẹ anh ở quê ngày càng già yếu, không làm ra tiền, mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào chu cấp của con trai, con gái. Anh không sao đành lòng khi thấy mẹ sống thiếu thốn cả về tình cảm cũng như vật chất như vậy nên bàn với vợ đưa mẹ vào ở cùng để chăm sóc, phụng dưỡng, báo hiếu. 

Anh không thể ngờ việc anh định làm lại vấp phải sự phản kháng mãnh liệt của vợ anh như vậy. Cô tuyên bố không bao giờ quên được việc cô vào nhà anh trắc trở như thế nào. Vì vậy đời này, kiếp này cô và mẹ anh sẽ không bao giờ ở chung trong một mái nhà được.

Vợ chồng anh trải qua nhiều cuộc cãi vã nảy lửa, để rồi anh cũng phải nhượng bộ cô một phần: Không đưa mẹ về ở cùng nhà mà để bà ở trong căn nhà chung cư cùng 2 đứa cháu họ đang theo học đại học ở Đà Nẵng. Vậy mà vợ anh vẫn không bằng lòng, nói đó là tiền của, công sức, mồ hôi, nước mắt của 2 vợ chồng làm ra, không phải là của thừa kế nhà chồng mà dễ dàng "đem cho người khác" như vậy. Giận vợ quá ích kỷ, thiển cận, anh không tranh luận nữa mà nghỉ phép về quê đón mẹ vào. Vì anh nghĩ, dù không kể công với vợ nhưng tiền của làm ra trong nhà do anh là chính.

Nào ngờ, những ngày anh về quê, người vợ đã xúc tiến việc cho thuê căn hộ để chặn đứng việc anh đưa mẹ vào. Xong xuôi, cô thông báo cho anh việc đã rồi. Còn anh, trước việc làm của vợ, nếu buộc anh phải lựa chọn hoặc là mẹ, hoặc là vợ thì anh sẽ chọn mẹ. Vì mẹ cho anh cuộc sống, cho anh tất cả những gì anh có như ngày hôm nay. Mẹ chỉ có một mà thôi...

Người chồng đó không giấu giếm, thổ lộ với Thanh Tâm rằng, dù phải quyết định như vậy nhưng anh vẫn yêu vợ và rất thương 2 đứa con. Anh bảo Thanh Tâm, chắc đó sẽ là bi kịch khi buộc phải ly hôn mà họ lại không hề ghét nhau. Thậm chí, vợ anh còn cho lý do anh đòi ly hôn hoàn toàn không chính đáng, vì giữa vợ chồng họ không có chuyện "mục đích hôn nhân không đạt được". Song, anh vẫn kiên quyết khi cho rằng nếu không làm vậy, anh sẽ mang tội bất hiếu với mẹ và có tội với người bố đã khuất...

Câu chuyện của người đàn ông đó khiến Thanh Tâm bất giác quay sang nhìn cô cháu gái mình, người đang tìm đến Thanh Tâm để trút bầu tâm sự. Chồng của nó đang đơn phương xin ly hôn chỉ vì vợ tuyên bố "không đội trời chung với mẹ chồng". Thanh Tâm đã để cho cháu gái nghe được toàn bộ câu chuyện của người đàn ông đó. Khi anh nghẹn ngào kể về ngày xưa mấy lần mẹ anh bị đói lả, ngất ngoài đồng chỉ vì 2 bữa trong ngày bà đều nhịn đói để dành cơm độn khoai cho chị em anh được ăn để đi học. Cô cháu gái Thanh Tâm lặng lẽ khóc.

Đúng vào ngày chủ nhật của tuần sau đó, cháu gái của Thanh Tâm mua quà bánh rồi nhờ chồng đưa về quê để xin lỗi mẹ chồng. Thanh Tâm được nghe một người họ hàng kể lại, hôm ấy cả mẹ chồng, nàng dâu ôm nhau khóc. Trong khi mắt anh con trai cũng đỏ hoe. Làm cách nào để vợ người đàn ông ấy cũng được nghe những câu chuyện về mẹ chồng mình như cháu gái của Thanh Tâm nhỉ?