Kịch bản giữ chồng

Đành rằng sống là phải tin nhau, nhưng các bà các cô cũng hiểu bản chất của đàn ông và thực trạng cuộc sống. Và, cuộc đời không ai lường trước được. Thế nên việc giữ chồng từ xa vẫn diễn ra, ngấm ngầm và bền bỉ.

Nói đến biện của mấy bà vợ chốn hậu phương thì vô cùng phong phú.

 

Họ khéo nghĩ lắm, như những nhân vật văn học điển hình, họ lắp ghép những đặc điểm chưa tốt của tất cả những người đàn ông họ biết, kết hợp với những câu chuyện họ đọc được trên báo chí, những mẩu chuyện không đầu không đuôi do ai đó kể lại rồi họ sàng sê, cân nhắc và áp dụng vào chồng mình.

 

Họ cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, thì anh chồng có đầy đủ những nhược điểm kể trên. Sự suy diễn lung tung và ghen tuông kiểu đàn bà đôi khi khiến họ không đủ sáng suốt để phân tích mọi chuyện.

 

“Mềm nắn, rắn buông”

 

Có những bà vợ chọn giải pháp an toàn: chồng làm gì cũng được, khuất mắt trông coi, miễn là vẫn có trách nhiệm với gia đình, tiền lương đưa đủ.

 

Một số khác cho rằng, tin tưởng thì tin tưởng nhưng vẫn phải kiểm tra, vẫn phải có biện pháp “mềm nắn, rắn buông”. Họ thử bằng nhiều cách, thỉnh thoảng bóng gió chuyện này chuyện kia, đại loại là: “chồng chị bạn em ở công ty thế này thế nọ... nhưng mà chả sơ múi được gì... cuối cùng chỉ khổ bản thân, mang bệnh vào người, còn khổ vợ khổ con”… nhằm báo hiệu cho đối phương biết “léng phéng là không xong với tôi đâu”.

 

Hoặc họ nói xa xôi: “Tôi biết những việc ông làm đấy, lo mà giải quyết sớm đi, kẻo đừng trách là tui quá đáng” khiến không ít ông giật mình chột dạ.

 

Đạo diễn kiêm diễn viên

 

Có nhiều chị cao tay đầu tư hẳn một “con” sim điện thoại mới để kiểm tra chồng. Chị đóng giả cô gái khác dùng những lời lẽ ngọt ngào tán tỉnh chồng.

 

Có hai trường hợp xảy ra, trường hợp thứ nhất, anh chồng không nhắn lại hoặc không liên lạc thì coi như tốn mấy trăm ngàn cho một cái sim và khoản tiền vừa nạp thẻ, nhưng thắng lợi lớn là chồng mình đoan trang tử tế, một mực chung tình với vợ con, từ nay về sau yên tâm nhé.

 

Tuy nhiên, các bà vợ cũng đừng quá vội mừng vì có thể ông xã cao tay ấn hơn, biết tác giả của trò này là ai rồi nên dễ gì mắc mưu.

 

Trường hợp thứ hai, anh chồng cũng à ơi lại bằng những tin nhắn đọc cứ thấy ngọt lịm, thì thật là tai hại. Bà vợ điên lên, càng tức giận bao nhiêu thì bà lại càng tò mò muốn biết kết cục sẽ đi đến đâu, và thế là tin đi tin lại trong cái thế giới ảo mà một người không mảy may biết gì và cảm thấy nuối tiếc nghĩ rằng, vì sao mình không biết nàng sớm, còn người kia thì có thể biết rõ đối phương tới từng chân tơ kẽ tóc.

 

Ngủ thì ngáy khò khò, dãi dớt chảy chan chứa, lại còn cái tật cứ khi nào muốn đi vào WC là ngoáy mũi, như cái ám hiệu của bọn trẻ con chưa biết nói, khi muốn giải quyết thì mặt cứ đần ra hay cáu gắt. Có khi nửa đêm vợ gọi điện thoại hỏi han tình hình sức khoẻ lại nói, hôm nay anh làm việc mệt quá nên đi ngủ sớm, từ chối nói chuyện với “Ngan già” và quay sang chát chít với người tình trong mộng vẫn là... “Ngan già”.

 

Đấy là chưa kể tới chuyện chát chít qua Yahoo, có chị vợ không thể chịu được kết cục của màn kịch mà trong đó chị vừa là đạo diễn vừa là diễn viên chính. Chị gửi lại toàn bộ cuộc chát ướt át đó cho chồng không kèm một lời giải thích. Họ giận nhau, chị thì khóc lóc thảm thiết, bỏ việc cơ quan, chểnh mảng việc gia đình, còn anh thì cảnh giác với mọi điều bất thường. Có khi còn không dám trả lời tin nhắn thằng bạn vì biết đâu đây là chiêu mới của “sư tử Hà Đông”.

 

Thực ra, trong cuộc sống hiện nay, không cần các chồng phải đi công tác xa thì các bà vợ mới “thử” phép này, phép kia, mà những anh chồng kè kè bên vợ cả ngày cả đêm vẫn bị kiểm tra như thường.

 

Có điều, cách thức và biện pháp tuy có khác nhau, nhưng có chung đặc điểm là tìm mọi cách để tìm đáp án câu hỏi: chồng mình có trung thực và chung thuỷ với vợ không? Các bà cho rằng, đó là gia vị của cuộc sống, đó là “luôn luôn thấu hiểu”, mà các bà không hiểu là đang vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân.

 

Đã yêu thì phải tin

 

Người ta bảo, mất cái này thì được cái kia, đã yêu nhau thì phải tin nhau. Suốt ngày nghi ngờ đức lang quân mà không chịu hiểu tí ti nào về ông ấy thì chỉ rước khổ vào thân, khiến cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt.

 

Khi phải sống xa nhau, vợ chồng có nhiều thời gian nghĩ về nhau hơn, họ biết trân trọng hạnh phúc hơn và hơn ai hết họ biết quý trọng những phút giây được sống trong không khí của gia đình, có vợ, có chồng, có tiếng con trẻ bi bô và cả hơi thở của cuộc sống.

 

Họ có được tất cả những cái đó bởi họ có niềm tin, họ có cái đích để vươn tới. Khi chấp nhận sống xa nhau, họ muốn sự nghiệp của người chồng được phát triển, đồng thời kiếm tiền tích luỹ cho cái gia đình nhỏ của mình.

 

Họ muốn con cái của họ sẽ được chăm sóc đầy đủ về mọi mặt và chấp nhận hy sinh và khi đạt tới một mức độ nào đó thì họ sum họp, cùng nhau nuôi dậy con cái và xây dựng hạnh phúc gia đình.

 

Với một số người đàn ông, đó là cái nghiệp mà họ lựa chọn, họ yên tâm làm việc ở nơi khác và biết rằng bà xã sẽ lo toan mọi công việc gia đình một cách chu đáo. Câu nói “của chồng công vợ” quả là không sai.

 

Theo Đẹp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm