Khóc trong nhà lầu

(Dân trí) - Tôi không phải là một người ham mê vật chất, nên khi đồng ý yêu anh, tôi không quan tâm gì nhiều đến vấn đề tiền bạc hay gia cảnh nhà anh.

Vậy nên lần đầu tiên về ra mắt, tôi đã hoàn toàn sốc khi nhìn thấy tòa biệt thự mà anh dẫn tôi bước vào. Tôi không ngờ người yêu tôi lại là công tử nhà giàu và càng không hiểu vì sao mỗi lần hẹn hò với tôi, trong ví anh thường không có nổi vài trăm nghìn.

Sau lần đầu ra mắt, chúng tôi kết hôn. Tôi đã vô cùng cảm kích bố mẹ chồng khi họ giàu có như thế mà không chê một đứa con dâu xuất thân bình thường như tôi.

Khóc trong nhà lầu


Cưới xong, bố mẹ chồng bàn tôi bỏ hẳn công việc kế toán ở thủ đô để về làm sổ sách cho xưởng sửa chữa ô tô của ông bà. Vì chồng tôi cũng đang là một trong những thợ chính làm việc tại đây. Tôi đồng ý, và vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ chồng trong tòa biệt thự ba tầng ấy. Tôi nghĩ chắc hẳn cuộc sống của tôi từ đây sẽ an nhàn, bình yên.

Nhưng suy nghĩ ấy nhanh chóng bị mẹ chồng tôi dập tắt chỉ ít ngày sau khi tôi về làm dâu. Bà gọi vợ chồng tôi xuống bảo dặn dò, nhưng thực chất là phổ biến kỷ luật mới cho tôi biết: "Vợ chồng con sống cùng bố mẹ, mọi chi phí sinh hoạt mẹ sẽ lo hết. Vậy nên tiền lương của các con mẹ sẽ tạm giữ, nếu con có việc gì thì cứ bảo mẹ, mẹ sẽ đưa cho." Tôi choáng váng, vậy là từ nay tôi sẽ mất hẳn quyền được cầm đồng tiền từ công sức lao động của mình.

Kế đến là những tháng ngày cơ cực khi mẹ chồng tôi quản lý, chi li từng đồng một đối với tôi. Tôi không còn được quyền mua sắm những thứ tế nhị cho bản thân mình, bởi ngại suốt ngày phải đề xuất nọ kia mà nhiều khi cũng không được thông qua. Tôi bây giờ mới hiểu tại sao khi yêu tôi, chồng tôi luôn tỏ ra là người túng thiếu dù gia cảnh thực giàu có. Bởi trong nhà này, quyền về tài chính thuộc về tay mẹ chồng tôi, nên cả bố chồng và chồng tôi đều không có tiếng nói, họ cũng chỉ như tôi mà thôi.

Dù về làm dâu nhà giàu nhưng tôi vẫn phải làm tất tần tật mọi công việc từ chợ búa, cơm nước, chăm con và làm sổ sách cho xưởng. Cuộc sống của tôi dần trở nên bế tắc vô cùng khi mẹ chồng biến tôi thành một osin không công cho gia đình. Đôi khi tôi thèm được như đám bạn mình, có mẹ chồng tâm lý, có một cuộc sống bình thường không bị gò bó và tự do chăm sóc tổ ấm theo cách riêng.

Chồng tôi thấy vợ con quá khổ và bí bách trong chuyện chi tiêu, đã lén mẹ tranh thủ những lúc xưởng sửa chữa vắng khách để chạy ra ngoài làm thêm. Trước đó anh đưa cho các vị khách quen số điện thoại của mình để khi họ hỏng xe ở ngoài mà không mang đến xưởng được, anh sẽ cơ động chạy đến trợ giúp. Có thêm ít tiền của anh, vợ chồng tôi tranh thủ chiều cuối tuần đưa con đi công viên chơi vì quá thương con phải chịu cảnh sống khắc nghiệt từ bé. 

Nhưng ngay khi về đến nhà đã thấy mẹ chồng đứng chặn ngay ở cửa bóng gió cho rằng tôi làm sổ sách thì có thể bớt được tiền của xưởng mà đi chơi cuối tuần. Buồn nhất là những lúc mẹ tôi sang thăm con cháu. Mẹ chồng tôi đối xử với bà thông gia không khác gì một vị khách xa lạ lạc đường vào xin nhờ bữa cơm. Bà không đưa thêm tiền cho tôi đi chợ, không dành chút thời gian nghỉ ở xưởng để tiếp mẹ tôi, và rất khó chịu nếu tôi nghỉ độ vài tiếng để ở bên cạnh mẹ mình. Tôi thấy thương mẹ tôi khi phải chứng kiến cảnh con gái sống quá khổ trong nhà chồng giàu có. Tôi chỉ ước giá như mình có ít tiền để gửi cho mẹ về đỡ đần việc nhà cửa. Nhưng trong tay tôi chẳng có đồng nào nên đành ngậm ngùi tiễn mẹ về tay không mà trong lòng nặng trĩu.

Nhiều đêm tủi phận, tôi lén chồng ra ban công ngồi khóc. Cuộc sống như thế này, tôi thấy bế tắc quá.

Hồng Hà