Khổ vì nhà chồng mê tín
Chị Thu Hồng (27 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) lấy chồng cách đây gần ba năm. Chị làm kế toán ở một công ty tư nhân còn chồng là nhân viên của một cơ quan nhà nước, thu nhập không cao nhưng cuộc sống vợ chồng nhìn chung ổn định.
Số là lúc có con, anh chị có ý muốn mời bà nội lên ở cùng tiện giúp việc trông cháu. Vừa nghe lời đề nghị của con, mẹ anh đáp: “Để mẹ liệu liệu xem thế nào, mẹ mà đi thì bố mày cũng phải đi, thầy bảo năm nay là năm đại hạn của bố mày, để bố mày ở nhà ông ấy lại chạy loanh quanh trong xóm không ai quản được thì chết…”, thế nhưng ngặt cho chị một nỗi căn nhà trọ đã chật giờ có thêm con lại thêm ông bà nội, chị chẳng biết tính sao, thương con chị cũng đành “dạ, dạ” nghe theo.
Rồi chị chuyển nhà, với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng cõng thêm bao nhiêu khoản chi phí phát sinh, chị nai lưng nhận thêm báo cáo thuế ở ngoài về làm.
Tưởng chừng mọi chuyện sẽ êm xuôi nhưng khổ nỗi các cụ quen sống ở quê nên cụ ông suốt ngày đi ra đi vào, chẳng chịu ở trong nhà, mỗi bước đi của cụ ông, cụ bà lại phải theo dõi. Chị Hồng kể, có bữa đi làm về thấy con nằm khóc thét trên mảnh chiếu giữa nhà, không thấy bố mẹ đâu liền vội mở cửa lao vào dỗ.
Một lúc sau, bà cụ te tái chạy về: “Ơ, cháu đang ngủ mà! Mẹ phải ra đầu hẻm ngó xem bố mày có ở đó không, ông ấy ra ngoài đấy xe cộ đông nó đụng thì khổ, thầy bảo năm nay 61 tuổi phải đề phòng xe cộ, thôi con về rồi thì để mẹ ra xem thế nào”, nói rồi bà cụ lại lật đật chạy đi để mặc con dâu đứng ngẩn người.
Tương tự, mỗi ngày một chuyện, chị đi làm về lại phải chúi đầu vào cơm nước, giặt giũ cho cả gia đình, đêm thì làm thêm để kiếm tiền trang trải. Đem chuyện phàn nàn với chồng, anh cũng chỉ biết động viên “thôi, cố gắng lên em ạ, năm nay bố mẹ đi coi thầy nào cũng nói bố 61 tuổi hạn nặng, anh sợ lắm, bố mà làm sao thì mình lại ân hận cả đời”, nghe chồng nói vậy chị chỉ biết nín thinh, đầu óc thêm nặng trĩu.
Hôm cô chồng từ Đồng Tháp lên chơi, chị đánh bạo kể chuyện xem bói của bố mẹ chồng. Cô vốn còn trẻ, tính lại khá thoáng nên cười ngặt: “Trời ạ! Hai bác ấy vẫn còn tin thầy nữa hả?”, rồi cô kể cho chị nghe về lần xem bói “để đời” của hai cụ cách đây gần 10 năm.
Ngày ấy, cũng vào dịp cuối năm, bố chồng chuẩn bị bước vào tuổi 53, mẹ chị cũng đi xem bói. Sau khi gieo quẻ thầy phán sang năm mới ông bước vào tuổi 53 khó mà qua khỏi, cụ bà về giấu cả nhà khóc rấm rứt suốt đêm đến sưng cả mắt. Phát hiện, ông và các con gặng hỏi bà mới tỏ bày tâm sự, tưởng sẽ an ủi, thuyết phục bà không tin vào bói toán đằng này cả nhà lại lo lắng, không khí tết năm ấy rất nặng nề, nét mặt ông lúc nào cũng đăm chiêu, mệt mỏi.
Sang năm mới, ông nghỉ hẳn việc ở nhà và bắt đầu cuộc “chạy đua với thời gian”, ông đi chơi khắp từ Nam ra Bắc, cũng nhờ dịp đó ông mới có cơ hội vào thăm cô em gái ở tận Đồng Tháp rồi lên tận Tây Nguyên thăm mấy đứa cháu ruột.
Chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của ông cũng ở chế độ “Vip”, từ thức ăn đến nước uống, thuốc bắc, thuốc bổ…không thiếu thứ gì, chỉ mấy tháng trời ông cụ tăng 7kg khiến ai cũng ngỡ ngàng. Rồi tết cũng đến, cả nhà như nín thở đón giao thừa, qua thời khắc giao thừa ông mới tin mình vẫn còn sống, vui sướng gọi điện chúc tết anh em. Ra tết, ông phải thực hiện chế độ ăn kiêng để lấy lại vóc dáng.
Sau câu chuyện “thật như bịa” ấy, ai cũng nghĩ ông bà bớt tin vào bói toán nhưng xem ra tình hình chẳng mấy biến chuyển, cô con dâu chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
“Bị bệnh không cần uống thuốc”
Giữa trưa nắng chang chang như đổ lửa, gương mặt đỏ phừng phừng, chị Thu lao vào nhà vứt mạnh cái túi xách trước sự ngỡ ngàng của cô bạn gái. “Tao không thể chịu nổi nữa rồi, thời đại này sao còn có người tin vớ tin vẩn đến vậy”…, biết ngay người chị nói đến là mẹ chồng. Đây không phải là lần đầu tiên chị than phiền chuyện mẹ chồng mê tín.
Mỗi bữa ăn mẹ thường ngồi riêng ra một góc bàn, khi các cháu ngồi vào bàn bữa nào mẹ cũng giảng dạy “ăn mặn” là phải tội rồi khuyến khích cháu cùng ăn chay. Thấy chúng đang tuổi ăn tuổi lớn lại lo học hành suốt ngày nên chị Thu kịch liệt phản đối làm bà tự ái.
Nhiều hôm, chị bận việc nhờ mẹ đi chợ giúp, chị vốn cẩn thận cho việc ăn uống nên trước khi đi không quên ghi các món ra giấy để sẵn, cụ mua y những món chị dặn nhưng hôm thì tôm chết, hôm thì cá chết…cho cả nhà. Khi chị tỏ vẻ không hài lòng, cụ xuề xòa “ấy, người ta ăn được mình cũng ăn được, có người bán phải có người mua, mà con nên mua mấy con đã chết rồi ăn chứ lúc nào cũng ăn đồ sống vậy sau này phải tội, không tránh khỏi kiếp nạn đâu con ạ”, giận tím ruột nhưng chị lại nghĩ thì mẹ cũng muốn tốt cho mình nên thôi.
Thế nhưng, chuyện thành lớn khi cô cháu họ gọi bà là bác lên chơi. Buổi sáng ở nhà với bà, cô cháu bỗng dưng bị bệnh sỏi thận tái phát nên đau quặn, cô nhờ bà gọi taxi đưa đi bệnh viện nhưng bà nói không cần đưa đi viện, để bà đưa cho mấy quyển sách kinh đọc, học là sẽ khỏi.
Trong cơn đau, cô cháu họ gạt mấy cuốn sách sang một bên nhưng bà lại cho rằng mình bị coi thường nên “mặc kệ, mày muốn làm gì thì làm, mày ra thím mày sống vô thần vô thánh”.
Cũng may, được cấp cứu kịp thời nên cô bé qua cơn nguy hiểm, chị Thu được một phen hú hồn còn bà cụ có phần ân hận nên lẳng lặng quay đi, vẻ bần thần hiện trên gương mặt.
Theo VietNamNet