Khổ vì lấy vợ cùng cơ quan

Không ít các đức ông chồng có vợ làm cùng cơ quan phải khó chịu, thậm chí "kêu như vạc" về cái sự khổ của mình...

Mặc cho các bạn bè, đồng nghiệp bóng gió ngăn cản, mặc cho người đời đã đúc kết “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan” nhưng Tùng vẫn quyết yêu và lây bằng được Hồng cô bạn đồng nghiệp cùng phòng.

Khổ vì lấy vợ cùng cơ quan



Không xinh đẹp lại còn hay đỏng đảnh, đanh đá, hay cạnh khóe người khác nhưng không hiểu sao Tùng lại chết mê chết mệt Hồng, mặc cho một số người bạn tri kỉ trong cơ quan quý mến Tùng ngăn cản. Sau gần một năm trời yêu đương, cuối cùng Hồng và Tùng đã đi tới quyết định làm đám cưới.

Từ ngày có vợ, Tung béo tốt hẳn lên, không còn luộm thuộm như trước, đầu tóc lúc nào cũng gọn gàng, quần áo chỉnh tề, tươm tất nhưng bù lại anh chẳng còn thời gian bù khú với bạn bè. Chồng một bước, vợ một bước, hai người lúc nào cũng như "đôi sam" nhưng thi thoảng cũng cắm cẩu với nhau chỉ vì sau giờ làm Tùng muốn cùng bạn bè bù khú một tí mới về...

Cùng phòng nên hễ lúc nào thấy chồng “manh động” có ý định la cà đâu đó với đám bạn sau giờ tan tầm thì lập tức, Hồng ngăn cản. Lúc đầu hai người còn kín đáo trao đổi bằng tin nhắn hoặc chat. Nhưng sau vai lần đôi co Tùng vẫn đi, bực quá Hồng đã phản kháng ra mồm ngay trước mặt mọi người cùng phòng: “Có gia đình rồi, về nhà ăn cơm, thích ăn gì em nấu, ăn uống ngoài đường không đảm bảo vệ sinh...". Rồi quay sang mấy anh bạn cùng phòng Hồng nói tiếp: "Các anh cũng về nhà ăn cơm với vợ đi. Đàn ông ngồi tụm năm tụm ba lại cũng chỉ nói xấu vợ thôi chứ hay ho gì. Nếu thích đi thì các anh đừng rủ anh Tùng nhà em...”. Nghe vậy các anh cùng phòng cụt hứng và từ lần đó không ai rủ Tùng đi đâu còn Tùng thì ngượng chín mặt với các anh em. Và cũng từ đó biệt hiệu Tùng "Sơ vơ" (Tùng sợ vợ) được cả cơ quan đặt cho.

Trường hợp của Thắng. - nhân viên một công ty Viễn thông quân đội còn thê thảm hơn khi vợ là sếp của mình. Sự đời lại hay trái ngược nên những người đàn ông như Thắng thường có những nỗi khổ tâm riêng...

Thắng là bộ đội xuất ngũ, khi đang tìm việc thì công ty vợ có đợt tuyển nhân viên, tưởng là may mắn khi được vào làm cùng cơ quan vợ ai ngờ cũng lắm rắc rối... Bữa nọ, thấy Thắng tất bật với công việc mà chưa kịp ăn sáng, cô bé nhân viên thử việc mua giùm anh ổ bánh mì, thế là mấy hôm sau Thắng không thấy cô bé đó đi làm nữa. Thắng hỏi vợ thì vợ anh tỉnh queo đáp: “Cho cô ta nghỉ việc rồi”. Thắng hỏi lý do tại sao em lại cho cô ấy nghỉ thì bị cô vợ sạc cho một trận. Nghe vô lý quá Thắng đáp trả lại bằng những lời nói bực tức, cáu kỉnh vì nghe khó chịu và vô lý quá thì bị cô vợ bù lu, bù loa đổ cho anh có tình ý với cô bé đó. Tức lắm nhưng sợ sự việc bé lại xé thành to, mọi người ở cơ quan biết chuyện thì lại khổ Thắng chứ chẳng khổ ai nên Thắng đành nuốt giận cho qua.

Chưa hết, Thắng còn nhiều phen đau đầu và ngượng với các đồng nghiệp khi biết được tin tất cả đồng nghiệp nữ cùng phòng anh nộp đơn xin chuyển sang phòng khác hết thậm chí có cô còn xin chuyển cơ quan chỉ vì “sếp vợ” anh ghen... Nhiều lần góp ý với vợ không được Thắng đành nộp đơn xin nghỉ việc để tìm cho mình một công việc khác không bị ức chế dưới sự “giám sát” quá mức của vợ và khỏi ngượng với những đồng nghiệp xung quanh.

Không ai phủ nhận việc lấy vợ cùng cơ quan có cái hay là cùng ngành nghề nên dễ hỗ trợ nhau trong công việc, cùng đưa đón nhau đi làm... Nhưng chẳng người đàn ông nào muốn vợ lúc nào cũng giám sát, quản lý từng việc làm, từng bước đi của anh ta. Hơn nữa, chuyện tiền bạc cũng bị vợ quản khiến họ mất hết tự do, tự chủ và sinh ra bức bối khó chịu và mâu thuẫn. Với những trường hợp vợ chồng cùng công sở, mỗi người nên biết giữ thể diện, khoảng cách cho nhau, không nên nghĩ cô ấy (anh ấy) là của riêng mình mà giám sát, quản lý nhất cử, nhất động của người kia. Nếu như vậy sẽ làm người kia mất mặt trước đồng nghiệp và nguy cơ mâu thuẫn, chia rẽ sẽ xảy ra...

Theo GD&TĐ