Khổ như có... bồ nhí

“Ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái” - chuyện bây giờ mới kể về những người đàn ông có thói trăng hoa...

 
Khổ như có... bồ nhí - 1


Toan tính

 

Thao là cán bộ Công ty xuất nhập khẩu thủy sản đang ăn nên làm ra. Anh thường có những chuyến công tác dài ngày đến một thành phố biển miền Trung để tìm mối làm ăn cho đơn vị. Những bữa tiệc chiêu đãi liên tục và sôi nổi, những trò vui giải trí kiểu “người lớn” sau nhậu và cả những thời gian trống trải khi chủ về nhà chủ, khách về nhà... trọ, khiến trong Thao  “phát sinh” nhu cầu về một tổ ấm “phụ”.

 

Thao tính toán: Mỗi bữa nhậu tốn cả bạc triệu, rồi thì ăn, ở khách sạn cho đến các nhu cầu “vân vân và vân vân”, chi bằng “bao” hẳn một em cho đỡ tốn, hơn nữa, sau những giờ làm việc mệt nhọc ta lại về tổ ấm... phụ của ta. Thuê hẳn một cái nhà để ở chỉ độ dăm ba trăm. Chu cấp cho “cô ta” bảy tám trăm, một triệu là yên tâm thoải mái.

 

Nghĩ là làm. Thao sắm vai một gã đàn ông cao thượng “cứu vớt” một em, dĩ nhiên là phải xinh xắn, từ nhà hàng karaoke ôm về... nhà trọ để làm lại cuộc đời. Từ đó, chàng cứ con thoi đi lại.

 

Cuộc sống lững thững trôi, Thao lững thững quen với cuộc sống “hai mang” và cô bồ của Thao lững thững... đẻ ra một thằng cu. Rồi đang lúc mặn nồng hương lửa, nàng thỏ thẻ đề nghị Thao mua hẳn căn nhà.

 

Thao không chỉ mua nhà, anh còn sửa chữa, mua sắm đầy đủ tiện nghi cho hai mẹ con dù rằng “kết quả” đó nằm ngoài dự kiến. “Sẽ có cách thu xếp ổn thỏa” - Thao nghĩ - “Đến lúc già ta “công khai” coi như chuyện đã rồi”.

 

Một lần trên đường công tác, nhớ thằng cu, Thao tranh thủ ghé qua thành phố thăm con.  Thấy cửa khóa, Thao hỏi thăm thì hàng xóm cho biết “vợ” anh gửi con và đã đi làm. Đợi mãi đến tối, Thao lần ra phố tìm đến quán karaoke năm xưa thì người chủ (không biết chuyện của Thao) cho hay: “Nó” đang... đi khách. Thao say xẩm mặt mũi, lảo đảo ra đường như người trúng gió.

 

Cô ta về. Thao lao ra, định làm cái gì đó cho hả giận nhưng bất ngờ sựng lại khi thấy cô đứng khoanh tay, mặt lạnh như băng: “Anh muốn gì?”. Thao lắp bắp: “Cô... cô là con điếm. Tôi chu cấp cho mẹ con cô đầy đủ, tại sao?”.

 

Cô ta bĩu môi: “Đầy đủ? Bao nhiêu cho đủ. Ngồi đó chờ anh mẹ con tôi có mà chết đói. Ghen làm gì? Tôi cũng có quyền ghen, nhưng khi anh về với vợ con anh, tôi có ghen đâu?”. Thao điên tiết: “Láo, cô không có quyền. Tôi mua cô về, cô không được phép...”.  “Thì tôi cũng bán cho anh từng đó năm rồi. Anh biết giá mà, tính lại đi, mỗi tháng bảy tám trăm, quá rẻ. Nếu muốn làm lớn chuyện, tôi chiều”.

Thao cứng họng. Hàng xóm nghe ầm ĩ kéo sang. Họ một mực can gián Thao, rằng anh đang có một viên ngọc quí, một người vợ chung thủy, đảm đang; rằng con bé khéo ăn khéo ở rất được lòng lối xóm?!

 

Buông thả

 

Khoa, khá điển trai, ăn nói rủ rỉ có duyên được nhiều chị em để mắt đến. Khi biết Khoa đã có gia đình, nhiều “em” tự động “đình chỉ” mọi tưởng tượng, ước mơ, nhưng cũng có nàng quyết liệt, bất chấp, sẵn sàng tìm mọi cách để có được những giây phút bên Khoa, dù chỉ là “vai phụ”.

 

Không chủ động tán tỉnh, nhưng Khoa cũng không từ chối sự “nồng nhiệt và chân tình” của Lan, một nhân viên bán hàng. Tình cảm cứ thấm dần, thấm dần sau những thời gian quen biết, kết thân cho đến ngày... “quen ăn chẳng quen nhịn”. Khoa có một “gia đình” thứ hai lúc nào không biết và cũng chẳng thèm ngoảnh lại hay nghĩ lại xem tại sao lại thế.

 

Nhi, vợ Khoa, là một phụ nữ trí thức sống đơn giản và tự tin đến mức chẳng hề hay biết chuyện gì đang xảy ra với chồng mình. Nhưng có lẽ một phần cũng bởi Khoa không có dấu hiệu gì bất thường, ngay cả khi chính anh cũng chưa có điều gì phải lo lắng, suy tư về mối quan hệ “trên trời rơi xuống”.

 

Thế nhưng, đến lúc Khoa phát hiện ra cái thứ mình đang mang trên người là... đá tảng - dù nó là một trong những biểu tượng của hạnh phúc: Tiếng khóc trẻ thơ - anh mới biết rằng mình đã mất hoàn toàn khả năng xoay trở và một lần quan trọng nữa trong đời, đành buông xuôi cho “số phận” cuốn đi.

 

Không có gì dối trá trong “bản hợp đồng” sống chung bất thành văn giữa hai người. Lan, cô bồ được thừa hưởng gia sản của người cha - một doanh nhân giàu có, hoàn toàn có điều kiện nuôi con và cũng không đòi hỏi Khoa phải “rõ ràng dứt khoát” khi anh còn bổn phận với... chị “cả”.

 

Điều Lan yêu cầu ở Khoa là có một chút trách nhiệm với con, không phải chuyện vật chất mà là tình thương, một tình thương cần được biểu hiện rõ ràng bằng cử chỉ, bằng thời gian dành cho đứa trẻ. Những thứ đó Khoa không thiếu, dù anh phải vắng nhà nhiều hơn, bận bịu hơn khi phải phân tâm để thực hiện tốt bổn phận của mình ở cả hai “mặt trận.

 

Nhưng chuyện Khoa không ngờ là chính cái “thời gian” anh dành cho đứa trẻ đó lại là điều kiện gắn kết và làm “phát lộ” bản năng làm vợ của Lan.  Không phải dầu gội đầu nên không thể có chuyện “hai trong một”, trong hoàn cảnh phải lựa chọn, Khoa hiểu rằng dù Lan có chiều chuộng, khéo léo thế nào thì cô vẫn chưa bao giờ là “tất cả” của anh như người vợ hằng bao năm chung sống.

 

Nguyện vọng bất thành, trong cơn tự ái, Lan quyết định đánh nốt canh bạc cuối cùng. Cô đến gặp trực tiếp vợ Khoa nói rõ sự thể với hy vọng điều đó sẽ khiến Nhi bị tổn thương, “dứt điểm” sớm. Khoa sẽ đươc “giải phóng” và cùng đường, phải trở lại với mình. Nhưng thật bất ngờ, Nhi, sau một hồi choáng váng đã kịp định thần trở lại, buông giọng lạnh lùng: “Chồng tôi là của tôi. Cô không có tư cách để nói với tôi về chuyện này. Hy vọng không phải gặp lại cô lần nữa”. Khoa về nhà, nghe vợ hỏi chuyện, liền tức tốc chạy đến gặp Lan mắng mỏ, ầm ĩ một hồi, rồi tiện thể “phủi tay” bằng một câu thề “quyết không có ngày trở lại”.

 

Được và mất

 

“Tôi bắt buộc phải tự bảo vệ tư cách của mình trước cô ta, chứ không phải vì anh. Với anh, cô ta không có lỗi và cả đứa bé bữa” - Nhi vừa nói vừa lẳng lặng đặt lá đơn lên bàn, trước mặt Khoa - “Hãy kí vào đây để chứng tỏ anh còn đáng được tôn trọng”. Khoa chết lặng, anh hiểu với Nhi, mọi thứ đã kết thúc. Nửa năm sau, họ chính thức chia tay.

 

Sau những ngày ngụp lặn trong men rượu, Khoa lần lữa đến nhà Lan, nhưng mỗi lần định gọi cửa, “lời thề” ngày đó lại văng vẳng trong đầu.  Một lần, với lí do hỏi thăm con, Khoa quyết định gọi điện cho Lan. Anh nhấc máy và quay số. “Alô, làm ơn cho tôi gặp cô Lan”. Từ đầu dây bên kia, một giọng nói lịch sự cất lên: “Xin lỗi, bác có nhắn lại gì không, bà xã tôi hôm nay đi vắng!”.

 

Còn Thao, nhân vật đầu tiên trong bài viết này may mắn hơn Khoa, bởi anh còn có một gia đình ở quê và câu chuyện của anh vẫn trong vòng bí mật. Anh chỉ ấm ức vì bị lừa, bị mất tiền mất của một cách ngớ ngẩn, thế nhưng điều đau xót nhất là anh đã trót có con với cái đứa “đàn bà hư hỏng”!

 

Rồi một ngày, Thao nhận được lá thư với những dòng chữ nguệch ngoạc và vắn tắt: “Tôi thực không có ý lừa anh, nhưng biết rằng anh sẽ chẳng bao giờ bỏ vợ con để gắn bó đời mình với tôi, hạng người mà anh đã biết rõ lai lịch. Còn tôi, khi có đứa con lại thấy thèm khát cuộc sống gia đình.

 

Vậy thì Thao ơi, hãy vì tình nghĩa những ngày sống với nhau, chấp nhận sự có mặt của mẹ con tôi trong căn nhà này. Nó sẽ được sang tên lại cho anh sau khi tôi tự lo được cho mình nơi ở. Còn đứa bé, anh không phải bận tâm gì. Nếu để ý kỹ ngày sinh, anh sẽ thấy nó thành hình trong thời gian 2 tháng anh đi công tác...”. Thao run run xếp lại lá thư, bất giác thở phào, nhưng trong tâm tư, anh cũng không biết mình nên buồn hay vui nữa. 

 

Theo Hà Trang

Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm