Khó mà bình đẳng như… Tây!

Từ nhiều năm nay, chúng ta luôn hô khẩu hiệu phải có "bình đẳng nam nữ". Nhưng thực tế, tập tục phong kiến đã ăn sâu vào nếp nghĩ chính là rào cản lớn nhất khiến phụ nữ châu Á không thể bình đẳng với nam giới như phụ nữ châu Mỹ, châu Âu.

Ở công sở

 

Cũng chưa thể có sự bình đẳng được khi mà năng lực của nhân viên nữ có khi hơn nhân viên nam, nhưng cấp trên vẫn quyết định bổ nhiệm nhân viên nam lên vị trí cao hơn: Bởi vì nhân viên nữ kia đang trong thời kỳ sinh nở, nuôi con.

 

Chúng ta vẫn có quan niệm rằng chỉ đàn ông mới có thể toàn tâm toàn ý với công việc. Chính vì thế có nhiều nhà doanh nghiệp nữ thành công từ khi còn trẻ, tức là bản thân họ phải tự lập ra công ty, cửa hàng và tự kinh doanh. Lúc đó họ mới tự chủ và bình đẳng được với phái nam trên cùng một cương vị.

 

Nhưng cũng nhiều người phụ nữ trẻ thành đạt phải hy sinh một vế: Lập gia đình và sinh con, bởi chẳng có mấy người đàn ông chịu là người... "đứng sau" cái bóng của vợ, hoặc tự nguyện chia sẻ với vợ những công việc gia đình.

 

Không cưới chồng, khỏi tranh chấp nuôi con

 

Cô gái ấy rất có trình độ và năng động, mới gần 40 tuổi đã là giám đốc một công ty liên doanh. Cô cũng chung sống với một người đàn ông từng trải, chững chạc hơn 10 năm rồi và họ có một đứa con chung đã 9 tuổi.

 

Một lần đến chơi nhà, khi ấy con cô đang được bố nó chở đi chơi, tôi tò mò hỏi:

 

- Sao em không làm đám cưới với anh ấy đi cho "danh chính ngôn thuận"?

 

Cô cười nói:

 

- Con em đẻ ra trong khai sinh cũng có bố, nó mang họ bố và hiện tại chúng em sống rất hạnh phúc, ai lo việc người nấy, mạnh ai người nấy kiếm tiền.

 

Em cũng kiếm được số vốn kha khá, anh ấy cũng giàu, cả hai đều mở một tài khoản chung hàng tháng bỏ tiền vào đó cho con, để nó có thể ăn học thành tài và làm vốn sau này.

 

Còn các thứ tiền nhà, ăn, điện, nước, v.v... cả hai chúng em cùng đóng góp. Như vậy chúng em đã thấy thỏa mãn với nhau rồi. Chúng em yêu nhau, chung sống với nhau thế này đến bao giờ là tùy thuộc vào cả hai.

 

Em nói với anh ấy: "Nếu anh cần lấy vợ thì cứ việc báo với em một tiếng là đi, em không ràng buộc anh, ngược lại đừng bao giờ anh tranh chấp quyền nuôi con với em là được, em không cần cưới chồng".

 

"Anh chưa thể bình đẳng với em được"

 

Khi Hằng lấy chồng, cô đã lên bảng "dự toán ngân sách gia đình" gồm các khoản chung, sau đó chia đôi cả hai vợ chồng cùng phải trả. Riêng khoản phụ trội như nhà có khách, đi xem phim, đám cưới hay tân gia thì cả hai đóng góp theo phương thức "tùy lòng hảo tâm" theo kiểu nếu ai là người đề xướng, hoặc người thân của ai thì bên đó sẽ chi phí cao hơn.

 

Thậm chí nếu như đột xuất, chồng mua cái áo về tặng vợ thì Hằng cũng trả tiền chồng, ngược lại mỗi khi chồng nhờ cô mua cho thứ gì đó thuộc về đàn ông thì chồng cô cũng phải trả tiền.

 

Chồng cô có vẻ khó chịu về cách sòng phẳng của Hằng, còn Hằng lại rất hãnh diện. Cô nói với bạn bè: "Bên Tây họ sống như vậy đấy, không ai lệ thuộc vào ai! Thật là bình đẳng!".

 

Thực sự thì chồng cô có thể tự do đi uống với bạn bè mà không bị cô cằn nhằn gì, ngược lại Hằng có thể tự sắm cho mình những "đồ xịn" mà chồng cô không có ý kiến. Chỉ có việc nhà là Hằng phân công rõ ràng: "Nếu em nấu cơm thì anh rửa bát. Nếu em dọn nhà thì anh phụ trách giặt giũ... Chúng ta phải bình đẳng cả trong việc nhà". Sống chung được hai năm, chồng cô đề nghị chia tay vì lý do: "Anh chưa thể bình đẳng với em được!".

 

Chưa thể bình đẳng như Tây!

 

Đó là nhận định của các chuyên gia nghiên cứu tâm lý người châu Á. Nghĩa là người phụ nữ Á Đông bao giờ cũng vất vả với những công việc ở ngoài xã hội và gia đình. Biết thương vợ và giúp đỡ vợ con thì còn tùy thuộc vào nhận thức của từng người đàn ông. Mà người đàn ông nào sống bình đẳng, tôn trọng vợ thì họ sẽ có được hạnh phúc dài lâu.

  

Theo Linh San

Thế Giới Phụ Nữ