Khổ đến bao giờ?

(Dân trí) - Bố mẹ Tuấn có duy nhất gã là con, tất cả tình cảm, hi vọng dành hết cho gã nhưng rồi cứ thất vọng, chịu khổ vì con không biết bao nhiêu lần.

 

Khổ đến bao giờ? - 1

Hai cụ thân sinh đều là những nhà giáo uy tín trong làng được mọi người kính trọng vì vừa có đức lại có tài nhưng đứa con trai lại là sự xấu hổ.Tuấn ham chơi, ngỗ ngược từ bé, suốt những năm đi học, kết quả học tập kém đã đành, học kỳ nào gã cũng mang về nhà cuốn sổ liên lạc phê những dòng “Vô kỷ luật”, “Đạo đức cần xem lại”.

Ông bà hiếm muộn, được mỗi mụn con nên không nỡ nặng lời hay vung đòn roi, chỉ thủ thỉ khuyên răn dạy dỗ nhưng lời nói cứ như đàn gãy tai trâu. Tuấn lớn lên sung sướng, đủ đầy, bố mẹ không để gã thiếu thốn gì, cũng không bắt gã đụng tay làm lụng việc nhà cửa, ao vườn nên tính ỷ lại, lười biếng ăn sâu vào máu gã.

Thi đại học trầy trật hai năm liền không đậu, gã chơi bời lêu lỏng mấy năm, bố mẹ thuyết phục mãi gã mới chịu đi học nghề lái xe tải. Lấy được chứng chỉ nghề, lão cũng kịp làm tác giả của cái thai trong bụng cô gái mới quen nửa năm. Đám cưới vội vã diễn ra, Tuấn làm cha ở tuổi 24, cô vợ kém gã 2 tuổi, cũng không nghề nghiệp ổn định. Lúc bấy giờ, gã mới có chút ý thức kiếm công ăn việc làm để có tiền nuôi vợ con.

Vốn liếng bố mẹ cho sau đám cưới gã dồn hết cho một thương vụ buôn gỗ nhưng mất trắng vì gã không hiểu rõ thị trường, lại bị cánh thương lái lừa gạt. Sau đó gã nhờ bố mẹ vay gần nửa tỉ cho gã mua xe tải. Ông bà già cả đời sống tằn tiện bằng đồng lương giáo viên chưa bao giờ dám vay mượn quá trăm triệu nhưng nghe con năn nỉ vẫn phải cắm nhà, cắm sổ đỏ lo chạy vạy để con mua xe.

Từ ngày có xe, hai vợ chồng Tuấn chuyển đến ở quê ngoại, vốn là vùng cửa khẩu gần các đầu mối buôn bán để tiện làm ăn. Gã vận chuyển hàng thuê, cũng có đồng ra đồng vào nhưng vợ gã đẻ liền đến 3 đứa, hai vợ chồng tay làm không đủ hàm nhai. Bố mẹ gã giờ đã về hưu, đồng lương hưu của cả hai chưa đầy chục triệu nhưng phải lo đủ bề, lo trả nợ dần khoản tiền gần nửa tỉ mua xe, lo chu cấp tiền sữa cho mấy đứa cháu, lo chắt bóp phòng những lúc gã về xin tiền đóng học phí cho đứa lớn vào lớp một, tiền viện phí cho đứa bé ốm đau dặt dẻo, xin mua xe máy mới, mua giàn máy vi tính cho con học tiếng Anh...

Nhiều lúc cuối tháng, trong nhà hết sạch tiền, hai thân già ăn qua quýt quả trứng, mớ rau luộc hái trong vườn mà thở dài không biết chuỗi ngày kham khổ, thiếu thốn này còn kéo dài đến bao giờ. Họ đau đáu lo nay mai về với tổ tiên không còn ai lo cho đứa con trai duy nhất không tu chí học hành tử tế giờ ra đời kiếm cơm cực khổ, vợ con nheo nhóc, đến mảnh đất cắm nhà còn chưa có phải ở nhờ bố mẹ vợ.

Nhưng hình như gã chưa bao giờ lo lắng sẽ đến ngày nhìn bố mẹ ra đi mà chưa thể báo hiếu, chưa chứng kiến cảnh hai cụ thảnh thơi an hưởng tuổi già, không còn lo nợ đòi, không còn khổ sợ vì con cháu.

May

 

Khổ đến bao giờ? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm