Khi vợ bị sếp “tia”

(Dân trí) - Người cục cằn thì nổi nóng chửi rủa, bắt vợ nghỉ việc ngay lập tức; người lạc quan, tếu táo cười khẩy: “Đến giờ vẫn còn người mù quáng như mình cách đây hơn 20 năm, hóa ra vợ mình vẫn còn quyến rũ!

Chẳng làm gì cả, tin tưởng vợ là liều thuốc bổ duy nhất giúp duy trì hạnh phúc…” - người điềm tĩnh và yêu gia đình sâu sắc thì không nổi nóng nhưng cũng chẳng yên lòng, họ thường đưa ra những “kế sách” bảo vệ hạnh phúc gia đình mang dấu ấn riêng.

 

Lá thư mưu cầu hạnh phúc

 

Đất dưới chân Hùng muốn sụp xuống, mọi thứ như đang đỗ vỡ. Vậy là anh đã hiểu “điều khó nói” của  vợ sau bao lần rào đón. Tại sao một ông sếp có tiếng là đứng đắn và nghiêm túc như ông ấy lại “quấy rối” vợ anh? Hay là tại… Không, nhìn thẳng vào mắt chị, anh biết, cái duy nhất có trong trái tim chị chính là hình bóng của chồng.

 

Anh muốn chị nghỉ việc ngay lập tức, nhưng cũng biết chị rất yêu công việc này. Hơn nữa, bắt chị ở nhà là vô tình ngầm kết án vợ “ngoại tình". Sau một đêm dài thức trắng, cuối cùng anh cũng tìm được giải pháp hợp lý. Một lá thư “mưu cầu” hạnh phúc đã được anh viết từ sâu thẳm trái tim mình…

 

Kính gửi ông Trần Hữu X, Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu P. tại Hà Nội.

 

Tôi là…, có vợ làm trợ lý cho ông từ 3 năm nay. Qua lời kể của vợ, tôi rất ngưỡng mộ ông về tài năng kinh doanh cũng như phẩm chất của một người đàn ông yêu gia đình chân chính.

 

Thưa ông, tất cả như sụp đổ trong tôi khi nghe vợ kể về cách “ứng xử” cũng như tình cảm của ông dành cho vợ tôi. Tôi muốn cho vợ nghỉ việc ngay lập tức nhưng tôi biết, công việc là một phần cuộc sống của cô ấy. Hà tất vì một chút “rung động” của ông mà phải bắt cô ấy nghỉ việc?

 

Tôi biết ông và bà nhà vô cùng hạnh phúc, ông bà có một cô con gái rất xinh đẹp và thông minh đang làm luận án tiến sỹ bên Mỹ. Thật là quý khi sau gần 30 năm chung sống ông vẫn đưa bà nhà đi ăn mỗi chiều cuối tuần. Vợ chồng tôi vẫn thường lấy gương ông bà để học tập, cố gắng xây dựng một gia đình hạnh phúc.

 

Nhưng tất cả đảo lộn khi tôi nghe vợ kể ông “để mắt” đến cô ấy. Tôi thực sự rất lấy làm lo lắng cho hạnh phúc gia đình tôi. Ông có muốn biết cảm giác của tôi lúc này không?

 

Khi trả lời được câu hỏi này ông sẽ hiểu ý tôi: “Ông nghĩ sao nếu bà nhà bị “quấy rối” tại công sở? Ông sẽ làm gì khi biết con gái rượu của mình bị “lạm dụng” nếu muốn đạt thành tích cao trong học tập?

Lá thư này tôi viết từ tình yêu sâu sắc mà tôi dành cho vợ và gia đình. Mong ông hiểu và hành động vì hạnh phúc gia đình tôi. Hạnh phúc gia đình tôi cũng chính là hạnh phúc gia đình ông. Tôi tin rằng bà nhà cũng tin tưởng và yêu ông sâu sắc.

 

Cuối thư, kính chúc gia đình ông mãi mãi hạnh phúc, chúc cho công ty ông làm ăn ngày một phát đạt.

 

Kính thư!

 

Thảo xong lá thư, anh đưa cho vợ và yêu cầu giao tận tay “ngài” giám đốc. Không biết kiểu đấu tranh “cải lương, thỏa hiệp” này có thể bảo vệ hạnh phúc gia đình anh không, nhưng anh đã hết lo lắng và dường như tình cảm vợ chồng tăng lên gấp bội khi vợ anh nhận được quyết định bổ nhiệm làm phó giám đốc một chi nhánh khác.

 

Đi làm tuy có xa nhà hơn, nhưng anh chị mừng thầm vì tình yêu của họ đã được thổi bùng sau một “cơn gió” lớn. Đúng là sau cơn mưa trời lại sáng, chỉ cần người ta có đủ tin tưởng và kiên trì chờ đợi.

 

Hoặc công việc hoặc gia đình

 

Cũng như Hùng, Khánh vô cùng đau đớn khi một người đồng nghiệp nữ của vợ gọi điện báo tin có sự “chẳng lành” giữa mối quan hệ của sếp và vợ anh. Ngay lập tức gọi vợ về nhà, Khánh không kìm nén được tức giận và lòng ghen tuông cao độ mặc dù chưa biết rõ “đầu cua tai nheo” ra sao.

 

Anh kết tội vợ ngoại tình mặc cho chị Thanh giàn giụa nước mắt giải thích: “Thực ra chưa có gì nghiêm trọng, chỉ là dạo này tự nhiên “ông ấy” dở chứng có những hành động không phải với em, em buồn lắm nhưng chưa biết phải làm sao cả. Em muốn nói chuyện này với anh từ lâu rồi nhưng sợ anh buồn, mà em cũng chẳng biết nói thế nào. Anh phải tin em chứ”.

 

Thực ra anh cũng tin vợ lắm, nhưng ai biết cái gì sẽ xảy ra khi “con yêu râu xanh” kia sắp xếp một chuyến công tác dài ngày cùng vợ anh. Nghe tin này từ người bạn của vợ, anh  thấy nhục nhã và không nén nổi tức giận: “Vấn đề không phải tin hay không tin, cái tôi cần là cái gia đình này. Vì vậy em phải nghỉ việc ngay lập tức, còn nếu không em chọn đi: hoặc công việc hoặc gia đình”.

 

Chị Thanh bàng hoàng khi nghe chồng nói vậy. Chị chưa bao giờ nghĩ đến việc phải xa anh, chị yêu anh hơn bất cứ thứ gì trên đời này, nhưng không đi làm nữa thì chị biết làm gì đây? Ở cái tuổi này rồi, tìm được một công việc phù hợp đâu dễ.

 

Đoàn có cách phản ứng khác khi nghe đồn về vợ với “tay trưởng phòng”. Từ giờ phút ấy, mọi giác quan của anh đều được bật: Lịch làm việc, gặp gỡ đối tác, điện thoại đi động của chị, anh đều kiểm soát. Anh còn tạo một hệ thống chân rết khắp nơi để theo dõi vợ. Chính anh cũng không thể làm được gì ngoài việc suốt ngày lo lắng xem vợ đang làm gì, ở đâu.

 

Anh tự biến mình thành thám tử theo dõi vợ, mọi “hoạt động” của vợ đều được anh chụp lại. Khi về nhà anh làm như không có chuyện gì xảy ra. Rất yêu vợ nhưng lúc nào anh cũng canh cánh trong lòng: “Không có lửa làm sao có khói”.

 

Hương - vợ anh - không hề hay biết mọi chuyện, cho đến một chiều đi làm về không thấy chồng, vào bàn ăn thì thấy lá đơn li dị đã được thảo sẵn và ký tên, cùng một chồng ảnh.

 

Bây giờ Hương mới hiểu, hóa ra chồng đã nghi ngờ và theo dõi mình từ lâu. Xem những tấm ảnh Hương biết đây là lần tiếp đối tác, sau khi ăn mừng chiến thắng “quá chén”, sếp đã có những hành động “thân mật” và chồng cô đã chụp lại được.

 

Nước mắt ứa ra, đau đớn nghẹn ứ trong cổ, cô thực sự chưa bao giờ để cho cái gì đi quá đà, cô biết phải dừng lại khi cần thiết nhưng làm gì khi niềm tin của chồng đã lung lay? Cô phải nói gì với anh đây khi mọi lời nói của cô bây giờ đều là lời tự thú đối với chồng?

 

Thanh Phong