Khi trí thức đánh vợ

(Dân trí) - Họ là những giám đốc, kỹ sư, trí thức hẳn hoi nhưng cũng “động tay động chân” với vợ khi đuối lý. Thế mới hay không phải cứ thiếu hiểu biết, nghèo nàn mới sinh ra bạo lực.

Anh Thắng, Chị Cúc (Kiến An, Hải Phòng) đều là công chức nhà nước. Anh còn là trưởng phòng, trình độ kĩ sư địa chất hẳn hoi. Ấy thế mà hôm vợ chồng bàn bạc chọn trường cho con, bất đồng quan điểm, anh thẳng tay "bốp" luôn vào mặt vợ.

Trăm sự cũng do anh muốn con vào trường điểm cho bố mẹ vẻ vang, còn chị chỉ muốn cháu học gần nhà để tiện đường đưa đón. Nói mãi vợ không nghe, bực quá anh quát ầm rồi dùng đến bạo lực. Không phải lần đầu chịu đau, chịu nhục trước chồng, chị cắn răng chạy một mình lên phòng khóc.

Dù sau mỗi lần đánh vợ, anh đều tìm cách chuộc tội. Nhưng chị không tránh khỏi những cảm giác tổn thương. Nói ra sợ hàng xóm chê cười: “Xấu chàng thì hổ ai”, chị đành một mình ôm tủi.

Chồng chị Tâm làm quan to trên Sở nọ, chị quanh quẩn ở nhà cơm nước phục vụ chồng con. Quanh năm chỉ ra đến chợ rồi về nhà, chị chẳng bao giờ biết đến làm đẹp hay hưởng thụ cuộc sống. Nhìn hai vợ chồng thật đối lập, anh phong độ còn chị còm cõi, già nua.

Rồi anh có bồ nhí. Lúc đầu còn giấu giếm, sau công khai, tin nhắn í ới suốt ngày. Gặp nhiều em trẻ đẹp chân dài, về nhà thấy bà vợ già anh đâm bực bội, ngứa mắt sinh đánh đập, coi thường. Chị là vợ mà giờ không khác gì quản gia, "oshin". Chậm chân mở cửa ban đêm có khi cũng bị ông chồng say quát tháo.

Không đánh đập, chửi mắng vợ con, Lâm lại có môt kiểu hành hạ vợ bằng sự “im lặng chết người”. Tính như đàn bà, mỗi lần giận vợ, mấy ngày liền Lâm không nói dù chỉ nửa câu, có khi vác gối ra phòng khách như cô vợ trẻ giận chồng. Chỉ khổ cho vợ anh, lấy chồng để dựa dẫm, có lúc mong làm nũng thì giờ lại phải quay ra ngậm bồ hòn làm ngọt, thậm chí ra dỗ chồng.

Theo thạc sĩ Tô Thị Hạnh (Tham vấn, Nghiên Cứu và Tâm lý học cuộc sống SHARE, 101 Giang Văn Minh, Hà Nội), để giải quyết vấn đề bạo hành, người vợ cần xác định được vai trò của mình trong gia đình.

Theo thống kê của TANDTC, 5 năm qua, các tòa án địa phương đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ việc ly hôn và gia đình.

Trong số này có 186.954 vụ có hành vi đánh đập, ngược đãi, chiếm 53,1% các nguyên nhân dẫn đến ly hôn.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ (91%), làm gia đình tan vỡ (89,7%), gây tổn thương về tâm lí, tinh thần (89,4%), gây tổn thương về sức khỏe, thể xác (87%), ảnh hưởng về quan hệ xóm giềng (85,5%), ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của phụ nữ.

Vợ - chồng là mối quan hệ ngang bằng với những quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Kết hôn không có nghĩa là chồng sở hữu vợ hay vợ sở hữu chồng. Kết hôn, vợ về nhà chồng không có nghĩa là vợ phải tuân thủ các nguyên tắc của chồng đưa ra, không có nghĩa là vợ ở bậc thấp hơn và chồng có quyền dạy bảo.

Mỗi con người có tính cách, lối sống riêng. Nếu sự chung sống xuất hiện điều không hoà hợp thì chia sẻ, trao đổi, thảo luận, thương thuyết là điều cần thiết.

Sau khi cơn nóng giận và việc bạo hành qua đi, người vợ cần chứng tỏ cho chồng thấy sự sai trái và thể hiện thái độ quyết đoán không đồng tình với những điều đã xảy ra.

Phạt theo một cách nào đó phù hợp với mỗi người chồng cũng là một cách có thể tham khảo. Nhiều người phụ nữ che giấu vấn đề bạo hành vì xấu hổ, coi đó là việc riêng trong nhà nhưng thực tế thì càng giấu càng khiến đối tượng lấn tới.

Hãy tìm sự trợ giúp bên ngoài từ người thân, hàng xóm, các cơ quan chức năng khi cần thiết. Khi vấn đề lặp đi lặp lại nhiều lần mà không được giải quyết, tham vấn tâm lý cũng là cách tốt giúp người phụ nữ có kế hoạch tổng thể cho việc ứng phó với bạo hành.

DK