Khi tiệc nhậu hóa chiến trường

(Dân trí) - Dùng rượu đãi bạn mỗi dịp họp mặt đã thành nét văn hóa của người Việt xưa nay. Song chớ quá đà kẻo ngày Tết mất vui, có khi thành bi kịch.

“Văn hóa” nhậu

“Khách đến nhà không trà thì rượu”, ngày xưa ông bà ta vừa nhâm nhi chén rượu, vừa tâm sự việc nhà, việc nước, giúp câu chuyện thêm vui, ấm áp nghĩa tình. Tiệc rượu khi ấy thường dành cho những người đàn ông đã đứng tuổi (trung niên hoặc ít nhất đã có gia đình) và có mối quan hệ bằng hữu. Tàn tiệc, những người bạn hiền chào nhau thân tình và hẹn ngày tái ngộ.

Ngày nay tiệc rượu đã muôn kiểu biến tướng, nhậu không đợi phải có “khách đến nhà”. Có trăm ngàn lý do để những người quen, không quen cùng chung một bàn nhậu như lâu ngày gặp lại, sinh nhật, lên lương, thăng chức, mua nhà xe mới, giới thiệu người yêu, các dịp lễ Tết… bên cạnh đó cũng còn có những lý do “không đâu vào đâu” mà các bợm nhậu mượn cớ để uống cho thỏa cơn thèm như họp tổ dân phố, trời mưa, buồn chán, thất tình hay… vừa qua trận ốm.

Đối tượng nhậu bây giờ không giới hạn, ai cũng có thể nhậu, từ ông già, trung niên, đến nam nhi và cả nữ nhi... nhí nhố.

Em Ng. Thị S (16 tuổi, Phú Ninh, Quảng Nam) chia sẻ trong hơi men: “Em biết uống từ hồi lớp 7, giờ lên lớp 10 rồi nên đi đám cưới mấy anh chị uống thoải mái. Con gái chừ mà không biết uống sao đi chơi với bạn bè được”. Nói chuyện xong, em nâng ly chúc tụng, làm “một hơi” không cần đồ nhắm.

Em Minh (19 tuổi, Phú Ninh, Quảng Nam) tự hào rằng: “Em uống lâu say lắm, mấy chú trong xóm còn phải gọi em là “sư phụ”.

Với các bợm nhậu, trong nhà ngoài ngõ, bãi biển, công viên, quán nhậu, ven đường, dưới ruộng, đâu đâu cũng có thể “đặt bàn”.

Và khi đã say...

Câu chuyện không còn dừng ở hàn huyên tâm sự, sum họp chiến hữu nữa. Những lỗi lầm “ngày xửa ngày xưa”, những câu nói vô tình trái ý, những cử chỉ không “lễ phép” khi nâng chén… lúc có hơi men bỗng trở thành “chuyện lớn”. Vụ việc của ông Đặng C. C và Đặng C. Đ (Đà Nẵng) là một ví dụ. Hai người là anh em cùng dòng họ, nhà gần sát nhau nên thường ngồi lai rai. Hôm đó do quá chén nên ông Đ. nhớ lại ngày xưa ông C. có đánh cha mình, cãi vã một hồi không ngã ngũ, ông C. bực mình mang dao chém ông Đ. gây thương tích.

Hay như hồi tháng 10.2012, cũng tại Đà Nẵng, Nguyễn Ph. (sinh năm 1992), Lưu G.K. Th (sinh năm 1974) cùng một số bạn bè tổ chức ăn nhậu. Khi đã ngà ngà say, chỉ vì việc mời rượu bằng 1 tay (vô lễ) mà Ph và Th xảy ra mâu thuẫn, Ph đã dùng dao đâm vào cổ Th dẫn đến tử vong.

Khi say, con người không làm chủ được hành vi của mình, hơi men làm cho tính khí trở nên hung hăng hơn thì việc “ra tay” với một ai đó dù mâu thuẫn nhỏ là chuyện không khó hiểu. Đến khi tỉnh ra đã muộn, người mất mạng, kẻ vào tù. Thế mới biết, bà con nhắc nhau “ngày Tết uống rượu cho đủ ấm người, vui vẻ đón Xuân thôi” là chẳng bao giờ thừa cả.

Lê Thị Hồng Mận