Khi ôsin hay mượn tiền

“Chị cho em mượn đỡ hai trăm, cuối tháng lãnh lương em trả”, ô-sin nhà chị Lê Mỹ Ngọc, ngụ Q. Bình Thạnh, TPHCM, mở lời. Như mọi lần, chị Ngọc móc ví đưa tiền một cách miễn cưỡng.

 

Khi ôsin hay mượn tiền - 1


Ô-sin nhà chị Ngọc vừa nhận tiền vừa giải thích: “Nhà có việc nên lương tháng rồi em gửi về hết, bây giờ cần tiền mua ít đồ em không biết hỏi ai, đành mượn tạm chị vậy. Mượn hoài em cũng ngại lắm, nhưng không mượn chị, em không biết lấy đâu ra tiền xoay xở nữa!”.

 

Đây không phải lần đầu người giúp việc nhà chị Ngọc mượn tiền. Sẽ không có gì phải nói nếu người mượn nhớ trả nợ. Một hai trăm nhìn không phải khoản tiền lớn nhưng tháng nào cũng “mượn” và “quên” thì không thể im lặng mãi.

 

Nỗi khổ ô-sin mượn tiền

 

Giữa thời ô-sin đỏng đảnh, ông bà chủ nhất cử nhất động đều phải chiều chuộng để họ vừa lòng vừa yên tâm “công tác”. Không kể khoản tiền công “một xu không được thiếu, một ngày không được trễ”, ông bà chủ biết điều phải là người phóng khoáng. Dù trong hợp đồng không có khoản tiền thưởng nhưng chẳng tháng nào không thưởng thêm cho ô-sin. Ấy vậy mà vẫn chưa đủ, chuyện ô-sin đều đặn mượn tiền vặt rồi quên luôn khiến chủ nhà không khỏi khó chịu.

 

Chị Mỹ Ngọc tâm sự: “Thuê ô-sin là chuyện cực chẳng đã khi tôi một nách hai con nhỏ, chồng đi công tác liên miên. Chọn người biết làm việc, siêng năng để nhờ cậy đã khó, chọn được người có tính tình tốt càng khó hơn. Một khi đã thuê được ô-sin, lại phải lo giữ họ. Bất ngờ được người giúp việc than bệnh hay xin phép về quê vài ngày là tôi phải nhớ xem mình có làm gì khiến họ phật lòng hay không. Nếu nhớ ra mình vừa lỡ miệng câu gì hay quên cho mượn tiền như đã hứa, phải năn nỉ họ ở lại hoặc nhắn nhủ về rồi nhớ lên sớm.

 

Vì thế, dù ô-sin nhà tôi mượn tiền rồi quên luôn, tôi vẫn không dám nói. Chỉ vì một hai trăm nghìn mà “làm mất” ô-sin, thật không đáng. Tuy nhiên, cứ im lặng mãi cũng không phải cách. Tôi đang nghĩ đến chuyện thay ô-sin nhưng tìm mãi chưa ra”.

 

Không phải chỉ có nhà giàu mới thừa tiền thuê ô-sin. Nhiều gia đình bắt buộc phải thuê ô-sin dù không hề dư dả. Để có tiền thuê ô-sin, họ phải tiết kiệm rất nhiều khoản. Thế nên, những khoản mượn lặt vặt phát sinh này khiến gia chủ rất đau đầu.

 

Không chủ nhà nào có thể quy định ngay từ đầu rằng ô-sin không được ứng tiền trước hay mượn tiền tiêu vặt khi có chuyện đột xuất. Vì vậy việc ô-sin đột xuất hay thường xuyên mượn tiền rồi quên luôn thật khó nói.

 

Lỗ nhỏ đắm thuyền

 

Những phiền phức gia chủ gặp phải quanh chuyện thuê người giúp việc đôi khi không chỉ xuất phát từ chính người được thuê. Nếu người giúp việc thường đòi hỏi, một phần lỗi cũng đến từ chính gia chủ. Các nguyên nhân đó có thể là:

 

Trọng dụng người thân: Khi cần người giúp việc, gia chủ thường gọi điện cho gia đình và bạn bè nhờ kiếm giúp. Họ quan niệm, người quen biết sẽ yên tâm hơn vì có lý lịch “sạch” và đáng tin cậy. Chính vì nhờ cậy người quen nên khi gặp chuyện họ rất khó nói. Họ ngại tính toán những thứ lặt vặt vì sợ bị chê keo kiệt, xấu mặt gia đình.

 

Cả nể: Họ cũng không đưa ra những yêu cầu cụ thể về công việc, tiền lương, thưởng, ứng tiền đột xuất... Đó là lý do khiến ô-sin dạng “người quen” thường yêu sách chuyện này, chuyện kia.

 

Thoả thuận miệng: Thực tế cho thấy, khi thuê ô-sin, nhiều gia chủ vẫn thường thỏa thuận miệng. Rất ít chủ nhà làm hợp đồng cụ thể. Trong khi đó, những lời hứa miệng của người giúp việc không đủ cơ sở để bạn tin cậy.

 

Nhiều chủ nhà muốn lấy lòng ô-sin nên hứa cho họ nhiều quyền lợi. Khi đã hứa, chủ nhà lại quên nhưng người giúp việc nhớ rất lâu. Vì thế, bạn không nên vui miệng hứa suông, sẽ khiến người giúp việc đâm ra nghi ngờ lời nói của bạn.

 

Chi phí cho gia đình có tới hàng trăm khoản, vì thế dù tiền cho ô-sin mượn chỉ là khoản nhỏ, bạn cũng không nên xem nhẹ. Nếu không, với hàng chục khoản như thế, một tháng, một năm, số tiền thất thoát cộng lại không nhỏ.

 

Bạn đừng bao giờ quên câu “Lỗ nhỏ đắm thuyền”. Trước khi quyết định chi dù là một khoản nhỏ, bạn hãy cân nhắc xem có cần thiết hay không. Nếu có quá nhiều lần ô-sin mượn tiền mà quên trả, bạn hãy nói không một cách khéo léo.

 

Làm gì khi người giúp việc hay yêu sách?

 

- Quy định ngay từ đầu quyền hạn, điều kiện cho người giúp việc để họ không có bề lấn lướt, tự tung tự tác và đưa ra nhiều yêu sách khi đã quen mặt.

 

- Không nên nhượng bộ đáp ứng mọi đòi hỏi của người giúp việc, thói quen này sẽ khiến họ ngày càng yêu sách. Nếu họ mượn tiền, đến cuối tháng chủ nhà nên nhắc nhẹ nhàng: “Em mượn chị 200 đúng không? Chị trừ thẳng vào lương tháng này nhé”.

 

- Bạn nên soạn thảo hợp đồng cụ thể, thỏa thuận chi tiết về quyền lợi, nghĩa vụ hai bên. Những điều khoản trong hợp đồng tùy thuộc vào nhu cầu của bạn và khả năng đáp ứng của người giúp việc. Cụ thể bạn nên thỏa thuận: Công việc ô-sin phải làm; thời gian làm việc; mua sắm cho ô-sin; phụ cấp hàng tháng... Những quy định về tiền lương, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, quy định về việc cho thôi việc... cũng phải được thoả thuận ngay từ đầu.

 

 

Ngoài chuyện thiết lập khoảng cách như thế nào cho hợp lý để ô-sin và các thành viên trong gia đình không quá xa lạ cũng không quá thân thiết, chủ nhà còn phải lo nghĩ nhiều chuyện khác. Một trong những điều đó là quy định trách nhiệm của người giúp việc với tài sản của chủ nhà.

 

Chuyện có cho phép ô-sin sử dụng mọi vật dụng trong gia đình hay không cũng là một vấn đề. Bạn nên giới hạn quyền của người giúp việc như không được phép sử dụng điện thoại tùy tiện...

 

Bên cạnh đó, bạn cũng lưu ý chuyện tiền nong, cẩn thận khi giữ và giao tiền, tài sản có giá trị cho người làm.

 

Đối với chuyện tiền lương, bạn nên thanh toán đúng hạn và hạn chế phát lương khi chưa đến ngày như thoả thuận, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

 

Với những yêu sách khác của người làm, bạn nên kiên quyết từ chối. Nếu bạn nhân nhượng một lần, họ sẽ tiếp tục lấn lướt lần sau. Nếu họ có lý do chính đáng, bạn có thể tham khảo ý kiến người thân trước khi quyết định.

 

Kể cả việc có nên để họ cùng ăn cơm, cùng hưởng mọi tiện nghi hay quy định về “lời ăn, tiếng nói” của họ... bạn cũng phải nghĩ đến. Những việc tưởng đơn giản hóa ra lại phức tạp khi người giúp việc sống lâu dài trong một nhà.

 

Dù thế nào bạn cũng nên đối xử với ô-sin như người thân trong gia đình để họ trung thành và gắn bó lâu dài.

 

 

Theo Tiếp thị Gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm