Khi ô sin... khó như mẹ chồng
Có hôm, hai vợ chồng đang cãi nhau thì bác giúp việc gõ cửa ầm ầm: “Tôi chẳng biết các anh các chị bây giờ sống thế nào mà cứ suốt ngày giận dỗi, cãi vã rồi khóc lóc như cơm bữa thế. Vậy chứ thời gian chăm con ở đâu?”.
Chị Vân (Ba Đình, Hà Nội) phát mệt vì hàng ngày cứ phải nghe những lời “mắng” theo kiểu soi mói của ô sin. Bà đã 51 tuổi, tính cẩn thận, gọn gàng, chăm chỉ và chu toàn mọi việc nên chị Vân khá yên tâm. Vợ chồng chị đi làm về thì chẳng phải lo lắng gì cả. Chỉ có điều bà nói rất nhiều, mà toàn nói theo cái kiểu quý chồng nhưng lại chê vợ.
Có bữa đi làm về đang mệt sẵn vừa ném túi xách, dựa người vào salon thì chị Vân đã bị bà ô sin dựng dậy: “Đây là nhà thứ 8 tôi ở rồi nhưng chưa bao giờ thấy người vợ nào lười như cô”. Giọng nói the thé, chanh chua làm chị Vân giật mình, uể oải: “Nay cháu hơi mệt, để cháu yên”. Thế là bà ô sin tiếp tục lên giọng: “Chồng cô không mệt chắc? Đã đi làm thì ai chả mệt? Tôi để ý bữa nào chú ấy về cũng bế con hoặc lăng xăng giúp việc này việc khác, còn cô thì không hề”.
Thường thì bà giúp việc cứ lấy cớ là “người đi trước” đẻ dạy chủ nhà như con cháu. Không những vậy, bà còn chăm sóc, quan tâm đến anh chồng chu đáo đến từng bữa ăn. Trước mặt hai vợ chồng, bà chê chị Vân là người sống cẩu thả, lười nhác, rồi khen chồng chị biết lo cho gia đình. Có hôm bà “đánh” một câu gọn lỏn: “Đúng là mấy nhà được vợ cả chồng”. Những kiểu khen chồng, chê vợ của bà giúp việc khiến chị Vân tức tối và nhiều phen xấu hổ lắm.
Tương tự, chị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng điên đầu vì ô sin “lạm quyền”. Thường thì chị đi làm về nhà lúc 6 giờ chiều. Công việc kế toán trưởng của một công ty lớn nên chị Hiền khá bận rộn. Nhiều lúc căng thẳng, về nhà chị chỉ muốn ngã lưng ngủ một giấc ngon lành nhưng nào có yên. Bác ô sin lắm điều cứ chê chị chăm chăm kiếm tiền mà bỏ rơi chồng con và phó thác hết việc cho người làm. Khó tính với chị Hiền nhưng ngược lại, bác ô sin khá “cưng” chồng chị. Nhìn cái cách hai người họ nói chuyện mà chị lộn ruột. Nếu phản ứng thì chồng chị lại cho là vớ vẩn, nhỏ nhen, lắm điều.
Chị Hiền thấy rõ cuộc sống gia đình mình trở nên oái oăm từ khi bác ô sin này đến ở. Chả là bác ta chẳng bao giờ để bụng, thấy gì không ưng là nói ngay. Đến cả việc vợ chồng chủ nhà thức khuya, nói chuyện lớn hay tình tứ ở ngay phòng khách cũng bị nhắc nhở. Nhiều lần chị Hiền thấy rất mất mặt vì nghĩ nhà mình thích làm gì thì làm mà cũng bị chỉ trích. Đã không nói thì thôi, mà đã nói thì bác ô sin sẽ dùng văn vẻ để nói cho “hết cái hết nước”.
Bác ô sin 48 tuổi ấy còn khen chồng chị Hiền tháo vát, giỏi giang, biết sống và hết lời chê chị là sống hời hợt, chẳng biết lo cho chồng con, suốt ngày làm đầu làm tóc. Để tìm được một ô sin chu tất như thế không dễ nên chị Hiền đành phải nhẫn nhịn cho qua.
“Mắng” chủ nhà như con dâu
Vợ chồng anh Việt, chị Dung đã cưới nhau 4 năm nhưng vẫn còn lãng mạn lắm. Cuối tuần hai người thường đi ăn nhà hàng, nếu đưa đứa con 2 tuổi đi theo thì vướng víu nên đành “đánh lẻ”. Nhưng về nhà lần nào hơi muộn một chút là bị bà ô sin mắng xơi xơi: “Con anh chị khóc hết nước mắt rồi này. Ai đời bỏ con ở nhà để đi chơi như nhà anh chị”. Hay “Anh chị đi chơi vừa thôi” rồi quay ngoắt luôn không nói gì nữa.
Cái bếp đã “bán khoán” cho người giúp việc tự thu xếp nên khi chị Dung cần lọ tương hay gói bột nêm nếu hỏi thì lại bị bà ô sin cáu: “Làm phụ nữ mà chẳng để ý đến mấy thứ nội trợ đúng là đoảng. Chị tự tìm lấy đi, tôi là người giúp việc chứ chẳng phải người hầu”. Một bữa khác, chị Dung làm rơi vỡ cái bát thì bị bà giúp việc mắng: “Nếu chị mà là con dâu tôi có mà tôi đuổi thẳng cổ ra khỏi nhà lâu rồi”.
Cùng cảnh, chị Kim (Thanh Xuân, HN) cũng quay cuồng vì những lời tư vấn của bác ô sin “bà già”: “Chị có chồng giỏi giang thì phải biết ăn biết ở kẻo mất chồng như chơi đấy. Như cái nhà lần trước tôi ở, vợ cứ “thả” chồng ra ngoài nên chồng cặp bồ lúc nào chẳng hay”.
Có hôm, hai vợ chồng đang cãi nhau thì bác giúp việc gõ cửa ầm ầm: “Tôi chẳng biết các anh các chị bây giờ sống thế nào mà cứ suốt ngày giận dỗi, cãi vã rồi khóc lóc như cơm bữa thế. Vậy chứ thời gian chăm con ở đâu?”.
Vợ chồng ngẩn ngơ nhìn nhau, chưa hết bác ô sin còn nói tiếp: “Anh là chồng thì phải biết nhường nhịn vợ chứ đằng này tôi thấy vợ nói câu nào, anh cũng đốp lại câu ấy. Thế đâu còn gọi là đàn ông nữa?”. Nói rồi bác quay sang chị Kim mắng: “Chị có phúc mà không biết hưởng, có chồng tháo vát, thật thà còn suốt ngày chê bai. Phải tay tôi có mà…”.
Không hơn gì, chị Xuân (Quận Tây Hồ) cũng đau đầu vì bác giúp việc cứ giận dỗi chuyện gì là lại dọa sẽ bỏ đi. Thế nên lần nào hai vợ chồng cũng phải xuống nước làm hòa. Nhưng có mỗi hai tháng mà bác ta “đòi” bỏ đi tới 4 lần. Mà lần nào cũng làm cao: “Nếu anh chị không ưng thì tôi đi ở nhà khác”.
Do sạch sẽ nên bác giúp việc khá khắt khe, không cứ là chủ nhà hay khách khứa đến chơi, chỉ cần luộm thuộm là bác “chỉnh” ngay: “Đấy, chú lại hút thuốc lá trong nhà ai mà chịu được, tàn thuốc thì gạt lung tung, ai dọn?”, “Tôi đã nhắc nhở bao nhiêu lần rồi mà sao quần áo cô cứ để tứ tung thế? Cái nào bẩn thì phải bỏ vào thau cho tôi giặt chứ?”.
Ngay đến cả tự do của vợ chồng chủ nhà mà bác ô sin cũng thích tham gia. Hôm hai vợ chồng đang xem bộ phim hài, cười phá lên thì bác ô sin đang ngủ trong phòng đùng đùng chạy ra: “Cô chú định làm loạn đấy à? Có để cho cu Tít ngủ không thì bảo?”. Trước thái độ khó chịu của người giúp việc, vợ chồng chị Xuân đỏ cả mặt, im lìm cho xong chuyện. Nhưng những trường hợp tương tự như thế xảy ra khá thường xuyên khiến chị rất tức tối.
Như thứ 7 tuần trước, hai vợ chồng tùy hứng đi ăn quán rồi đi cà phê nói chuyện. Vừa về đến cổng, bác ô sin đã sa sầm nét mặt: “Nếu cô chú không ăn cơm nhà thì bảo tôi đừng nấu. Về muộn vậy thì cũng phải gọi điện cho tôi biết chừng chứ đằng này cứ thăm thẳm ở đẩu đâu khiến tôi hóng mỏi cả mắt”.
Lần nào bác ta cũng lấy lý do là: “Cô chú còn ít tuổi, chưa hiểu đời nên tôi mới nói. Chứ cái thân già này không vì tiền mà đi giúp việc, tất cả vì nghĩa thôi. Cô chú đừng tưởng đưa lương tháng cho tôi là xong nhé”.
Chẳng biết bác ô sin vì nghĩa hay vì tình nhưng hầu như hôm nào cũng “lên tiếng” chê cái nọ, soi mói cái kia mới yên. Thành ra đi đâu về, hai vợ chồng chị Xuân cũng phải khép nép vì sợ làm mếch lòng ô sin. Chị sợ nhất là bác ấy bỏ đi thì đi tìm người khác thay thế thật là mệt.
Ô sin thời nay không còn nhếch nhác, yếu thế như trước mà có tiếng nói hơn trong gia đình chủ nhà. Nhiều người bỏ tiền ra thuê hẳn hoi nhưng vẫn bị ô sin “mắng” xơi xơi. Cũng không ít chủ nhà bối rối, mệt mỏi vì người giúp việc hơi “lạm quyền” ngôn luận, khen chê tùy hứng. Vì nhiều lý do nên chủ nhà đành phải lặng thinh, nhún nhường cho yên. Có lẽ văn hóa cư xử giữa chủ nhà và ô sin là điều mà hai bên cùng phải học để sống thuận hòa và “đôi bên cùng có lợi”.
Theo Hàn Nguyệt
Eva