Khi “nội tướng” thất thu “thuế”

Không phải anh chồng nào cũng nhiệt tình kê khai hết "tài sản" của mình với vợ. Trường hợp như thế, người vợ không những tò mò, mà lại còn lo lắng, sợ chồng mang tiền đi gái gú, cờ bạc, rượu chè...

"Em ơi, chuyển gấp cho anh 500 nghìn" - vừa đặt chân tới cơ quan thì Giang nhận được mẩu tin nhắn của chồng. Vội vã, cô quay xe tới cây ATM gần đó để "bơm tiền" cho chồng.

 
Khi “nội tướng” thất thu “thuế” - 1
 
Giang công tác tại Quận 5 (TPHCM) trong khi Thiện - chồng Giang, làm việc tại Đồng Nai. Từ hồi cưới đến giờ (đã có bé trai hơn một tuổi), Thiện vẫn đều đặn đưa vợ 3 triệu đồng mỗi tháng. Đấy là chưa kể, thỉnh thoảng, hết tiền đột xuất, Thiện lại nhắn tin đòi “ngân hàng vợ” như ở trên.

 

Thừa hiểu cảnh đàn ông xa nhà khó giữ tiền, nhiều lần Giang đề xuất với chồng, chuyển hẳn lương tháng vào tài khoản vợ. Sau đó, có gì, Giang sẽ chuyển lại tiền sinh hoạt theo tuần cho chồng nhưng Thiện không chịu. Vợ chồng to tiếng đã vài lần mà chưa giải quyết được.

 

Không xa chồng như Giang, Chi (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mỗi tháng Bình - chồng Chi đưa cho vợ 2 triệu rưỡi, bao gồm mọi chi phí sinh hoạt trong nhà. Nếu Chi có thắc mắc về tình hình giá cả leo thang thì Bình cũng kêu than về công việc làm ăn đổ bể.

 

Chi biết, chồng mình thuộc dạng đàn ông thích sắm sửa, đặc biệt nghiện đồ kỹ thuật số. Thỉnh thoảng, Bình lại mua điện thoại, máy ảnh hay xách tay mới bằng tiền riêng rồi về khoe với vợ.

 

Chi ví von: “Sáng ra mà hỏi mình, chồng dùng điện thoại hay xách tay hiệu gì, mình cũng chẳng dám trả lời vì có thể chiều nay, ông nhà tớ đã đổi “hàng” rồi”.

 

Có lần, chị gái Chi mách cô tìm cách gọi điện cho chị thủ quỹ cơ quan Bình, để biết chính xác tiền lương của chồng nhằm đòi tăng khoản đóng góp nhưng Chi còn nấn ná. Chi bảo, chuyện mà đến tai chồng thì kiểu gì “chiến tranh” cũng xảy ra. Hơn nữa, phải hỏi lương chồng qua người ngoài, Chi e có điều tiếng ở cơ quan chồng thì cũng gay.

 

Sợ chồng có tiền sinh hư

 

Người vợ luôn đảm nhận trách nhiệm tay hòm chìa khóa trong gia đình nên muốn quản lý hoàn toàn lương bổng của chồng. Tuy nhiên, không phải anh chồng nào cũng nhiệt tình công khai thu nhập với vợ, mà muốn để lại một khoản nhỏ làm “quỹ đen” phòng thân. Chính bí mật này khiến người vợ tò mò và có thể suy diễn ra việc chồng mình dùng số tiền này để ăn chơi xa xỉ hoặc “bao gái”.

 

Bản thân người vợ nên nhận diện khi chồng không chịu kê khai thu nhập là tốt hay xấu. Một số người chồng muốn dành lại một khoản riêng để tự do mua sắm vật dụng cho nhu cầu bản thân và gia đình. Cho nên, người vợ không nên căng thẳng hoặc muốn nắm toàn bộ lương thưởng của chồng nếu anh ấy chưa đồng ý.

 

Ngoại trừ trường hợp, người vợ có trong tay bằng chứng chồng mình dùng tiền vào những hành vi xấu, mới nên trách cứ. Nếu không, người vợ nên tôn trọng quan điểm sử dụng tiền riêng của bản thân chồng. Chỉ nên nhắc nhở anh ấy để việc chi tiêu chung được hợp lý, công bằng.

 

Người vợ nên nhớ rằng, không phải ông chồng nào có quỹ riêng cũng nhằm mục đích “đen tối”. Đơn giản vì người chồng chỉ muốn tự do trong thu nhập của mình, không bị phụ thuộc quá nhiều vào vợ.

 

Theo Mẹ và bé