Khi mẹ chồng “động chạm” tới mẹ đẻ

Hơn một năm về làm dâu, Thu (Cầu Giấy, HN) vẫn không dành được thiện cảm của mẹ chồng. Gần đây, mẹ chồng Thu lại thường “đụng chạm” đến mẹ đẻ cô khiến cô bất mãn.

 
Khi mẹ chồng “động chạm” tới mẹ đẻ - 1


Tuần trước, nhà Thu làm giỗ đầu cho bố chồng nên bố mẹ đẻ cô có qua nhà ăn cơm. Hôm ấy, do sơ sẩy, mẹ đẻ Thu lỡ tay đánh vỡ một chiếc bát trong bữa cơm. Hôm vừa rồi, vì Thu lỡ tay làm vỡ bát nên bị mẹ chồng so sánh: “Hai mẹ con cô đều vụng về như nhau”.

 

Linh Anh (Bình Dương) tình cờ nghe được chuyện than vãn về con dâu của mẹ chồng với chính chồng mình. Cô yên lặng lắng nghe mẹ chồng trách con dâu tội “không biết trước, biết sau” nhưng khi tới đoạn: “Nó cũng giống mẹ nó thôi. Mẹ nó không ra gì nên mới bị chồng ruồng bỏ” thì cô chịu không nổi.

 

Cô quyết định đẩy cửa bước vào, cố giữ bình tĩnh nói: “Mẹ con có làm gì mẹ đâu mà mẹ nói thế” khiến mẹ chồng và cả anh chồng bàng hoàng. Sau đó, Linh Anh còn bị mẹ chồng kết tội “không đàng hoàng vì nghe trộm người khác”.

 

“Tôi không tự nhận mình là con dâu khéo. Tuy nhiên, nếu tôi sai, mẹ chồng góp ý, tôi sẽ sửa. Đằng này, bà luôn thích dựng chuyện, lại động đến cả mẹ đẻ tôi. Thử hỏi, làm sao tôi có thể chịu đựng được?” - Linh Anh kể.

 

Những lúc làm mẹ chồng phật ý, Quyên (Hải Dương) lại bị mẹ chồng dọa “trả về cho mẹ đẻ”. Cũng có khi cô phải nghe mẹ chồng “mỉa mai”: “Chắc mẹ cô không biết nuôi dạy con gái”.

 

Quyên nặng nề tâm sự: “Mỗi lần nghe câu ấy, tôi chỉ muốn ly hôn ngay lập tức. Nói thật, mẹ chồng chửi mình sao cũng được chứ nói kiểu này thì tức lắm”.

 

Gợi ý cách ứng xử của con dâu

 

Bị mẹ chồng “đụng chạm” đến bố mẹ đẻ là điều khó chịu nhất của con dâu. Dù ấm ức đến mấy, con dâu cũng không được “hỗn láo” hay thách thức mẹ chồng. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước tiên con dâu nên thẳng thắn nhìn nhận lỗi của mình và có hướng khắc phục.

 

Nếu con dâu có tiến bộ thì mẹ chồng cũng không bất mãn tới mức phải lôi cả thông gia vào khi muốn trách mắng con dâu. Nên giữ thái độ bình tĩnh, trình bày ý kiến có đầu có cuối để mẹ chồng phải tôn trọng.

 

Tất nhiên, không phải mọi tội lỗi đều đổ lên đầu con dâu. Vấn đề nào cũng nên được xem xét và giải quyết từ nhiều phía. Nếu mẹ chồng không tốt, con dâu cũng không nên đơn phương “chống” lại mẹ chồng; thay vào đó, nên tâm sự với chồng để chồng cảm thông. Sau đó, chính người chồng sẽ tác động tích cực đến mẹ chồng, khiến bà dần thay đổi quan điểm.

 

Phương hướng cuối cùng là xin ra riêng. Tuy nhiên, chuyện ra riêng cũng nên được vợ chồng bàn bạc kỹ lưỡng và xin phép bố mẹ chồng cẩn thận. Cuộc sống khi ra riêng sẽ thoải mái hơn nhưng nó không tránh được ác cảm của mẹ chồng dành cho con dâu và ngược lại. Dù mâu thuẫn có gay gắt đến mấy, con dâu cũng nên làm tròn bổn phận của mình, tránh nghĩ cách trả thù hoặc quay lưng với mẹ chồng.

 

Theo Mẹ&Bé