Khi mẹ chồng dỗi

Một lần, Trinh nhìn thấy mẹ chồng dùng chiếc khăn lau chân cho bé, sau đó, bà lại sử dụng chính chiếc khăn này tiếp tục lau mặt cho bé. Trinh liền nhẹ nhàng góp ý. Ai ngờ, mẹ chồng cô để bụng, dỗi bỏ về quê cả tháng nay.

Khi mẹ chồng dỗi - 1
Mẹ chồng thường muốn nuôi cháu theo kinh nghiệm bản thân.
 
Nhiều lần, Trinh tìm cách gọi điện xin lỗi mẹ chồng nhưng bà nhất định chỉ nói vài câu hờn mát rồi cúp máy. Cuối tuần, hai vợ chồng Trinh đành gửi con nhỏ cho ông bà ngoại, về quê nội tạ lỗi với mẹ chồng. Nhưng bà cũng chỉ buông câu: “Con anh chị đẻ ra, anh chị tự đi mà chăm sóc”.

 

Trinh luôn giữ ý để mẹ chồng tự do chăm sóc cháu nội theo kinh nghiệm của bản thân bà. Chỉ có điều, tính bà vốn xuề xòa, cứ vớ được cái khăn nào bên cạnh cũng dùng để lau chân, tay rồi lại lau miệng cho cháu là Trinh không chịu nổi...

 

Cùng cảnh làm mất lòng mẹ chồng như Trinh, Thúy (TP Hải Dương) đang đau đầu tìm cách xin lỗi mẹ chồng. Buổi chiều đi làm về, Thúy thấy cô bé osin đang cho cậu con trai mới hơn 4 tháng tuổi uống một thìa mật ong. Thúy đọc sách báo thì được biết, mật ong không có lợi cho trẻ em dưới một tuổi nên cô cao giọng trách mắng con bé osin là “dốt đặc”.

 

Vừa kịp lúc, mẹ chồng trong nhà vệ sinh bước ra và nói mát: “Vâng, tôi ít chữ. Chính tôi bảo nó cho thằng bé uống mật ong đấy. Hồi trước, ba đứa con của tôi bị ho, tôi vẫn làm vậy. Có thấy đứa nào làm sao đâu?”.

 

Nói xong, mẹ chồng Thúy lên gác, lặng lẽ thu xếp hành lý và gọi điện cho ông anh chồng sang đón bà. Sau buổi ấy, dù Thúy có xin lỗi kiểu gì, mẹ chồng cô cũng nhất định không nghe. Những lúc như thế, bà lại ca bài mát mẻ: “Tôi ít chữ nên chẳng ở được với nhà anh chị”.

 

Chị Minh (Quận 4, TPHCM) chỉ vì một lần góp ý với mẹ chồng về việc để bé nhà chị tự xúc cơm ăn mà bà cũng dỗi. Bé gái nhà chị Minh đã được hơn 3 tuổi nhưng bữa nào cũng được bà nội xúc cơm cho ăn. Muốn con tự lập, chị góp ý với mẹ chồng để cho bé tự xúc nhưng bà lại giận. Bà bảo, con dâu coi mình là người thừa nên không cần mình nữa…

 

Mâu thuẫn với mẹ chồng là không tránh khỏi

 

Sự khác biệt trong môi trường sống sẽ kéo theo thói quen sinh hoạt khác nhau giữa lớp người già và lớp người trẻ tuổi. Trong khi, những nàng dâu chỉ thích chăm con theo kiến thức khoa học thì mẹ chồng lại muốn nuôi cháu theo kinh nghiệm bản thân. Lý luận thường thấy của các cụ bà là: “Trước, tôi vẫn nuôi con như thế mà có làm sao”.

 

Chị Thanh (một phụ nữ đang sống chung với mẹ chồng) cho biết: “Mình thì muốn nuôi con theo ý mình. Còn cụ thì nhất định chăm cháu theo kinh nghiệm bản thân. Nhưng nếu biết cách chung sống hòa hợp thì mẹ chồng cũng có thể thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực theo việc chăm nuôi cháu”.

 

Theo chị Thanh, để mẹ chồng biết cách nuôi cháu khoa học, người vợ nên nhờ đến sự trợ giúp từ chồng mình. Nếu được con trai góp ý, mẹ chồng có thể giận nhưng bà cũng dễ bỏ qua. Còn nếu con dâu khiến mẹ chồng phật lòng thì mâu thuẫn nhiều khi khó mà hóa giải nổi.

 

Con dâu cũng không nên quá xét nét bắt bẻ mẹ chồng. Suy cho cùng, mẹ chồng cũng muốn chăm sóc cháu thật tốt nên thường làm theo kinh nghiệm của bản thân. Hơn nữa, nếu quá cầu toàn thì tốt nhất, con dâu nên tự trông con. Hoặc sau khi trở lại với công việc, con dâu mới nên nhờ cậy đến mẹ chồng trông hộ con nhỏ.

 

Giao toàn quyền chăm con cho mẹ chồng không phải là không có hạn chế. Phần lớn ông bà rất yêu thương và nuông chiều các bé nên dễ hình thành tâm lý thích ỷ lại, thiếu tự lập ở bé sau này. Nếu cảm thấy việc ở chung là quá sức, con dâu có thể xin phép mẹ chồng cho ở riêng.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé