Khi mái ấm trở thành địa ngục trần gian...
Gia đình là tổ ấm, nhưng với nhiều người phụ nữ và những đứa trẻ, đó là chốn địa ngục trần gian.
Chị T (Hoàn Kiếm - Hà Nội) kể về hoàn cảnh của mình trong nước mắt. 15 năm chị bị bạo lực gia đình. Chị nghĩ rằng mình vì con nên chịu đựng. Nhưng chị không hề biết chính sự chịu đựng của chị đã khiến các con bị tổn thương nghiêm trọng.
Hàng ngày chúng cứ chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, hành hạ mẹ, chửi bới đay nghiến mẹ nên đứa con trai sinh năm 1997 đã bị căng thẳng kéo dài. Con gái chị sinh năm 2005 nghe thấy tiếng bố đánh mẹ buổi đêm, nó nằm yên trên giường khóc, không dám động đậy vì sợ. Dần dần chúng chuyển sang tâm lý hận thù bố đẻ.
Khi đứa con trai chị 7 tuổi xin chị cho nằm ngủ cùng để bảo vệ mẹ, chị vẫn nghĩ con thương mình nên vậy. Nhưng đến khi dắt màn chị phát hiện cháu đã để con dao ở dưới đệm từ lúc nào. Chị giật mình hoảng sợ vô cùng. Lúc đó chị quyết định tìm đến sự can thiệp của báo đài, hội phụ nữ phường, nhờ sự can thiệp của công an hộ tịch..., chồng chị đã kí cam kết, hứa không tái phạm nhưng vẫn chứng nào tật nấy.
Quá chán nản và tuyệt vọng, chị quyết định ly hôn giải thoát cho chính mình và các con. Thời gian chờ ra tòa chị luôn phải sống trong sợ hãi trốn tránh vì chồng chị lùng sục khắp nơi để tìm kiếm. Khi đang không còn biết phải làm gì, đi đâu về đâu, thì có một bác trong chi hội chăm sóc bảo vệ phụ nữ và trẻ em giới thiệu chị tới Ngôi nhà Bình yên. Ngay chiều hôm đó chị và các con chị được đón đến một chỗ ở an toàn, bảo vệ về pháp lý và tâm lý....
Em bé gái tên H. sinh năm 1999, người dân tộc H’Mông, ở tỉnh Điện Biên. H. là một trong những trẻ em bị buôn bán nay đã trở về. Bị chồng đánh nhiều quá, mẹ mang H. trốn sang Hà Giang. Ở đây, mẹ H. lấy chồng mới.
Ở chung với bố mới, H. rất sợ: “Mấy lần ông ấy bảo cháu ngủ với ông ấy, đẻ cho ông ấy một đứa con gái một đứa con trai, nhưng cháu nhất định không đồng ý. Cháu cũng không dám nói cho mẹ cháu biết.”
Một hôm, em gái của bố mới lấy chồng Trung Quốc về chơi, khuyên H. sang Trung Quốc cho sướng ở Việt Nam khổ lắm. H. Tin lời theo ngay vì sợ bố mới.
Sang Trung Quốc, H. bị ép lấy một người hơn mình 10 tuổi. H. nhìn thấy người đàn ông này đưa tiền cho bà cô. Ở đó H. không được đi đâu.
H kể buồn rầu: “Cháu ở đấy khoảng hai tuần, cái anh này tối nào cũng ép cháu phải quan hệ 3,4 lần nên cháu rất sợ, chỉ muốn về Việt Nam nhưng không biết làm thế nào”.
Rồi một người ở cùng quê H. biết chuyện H. bị bán sang Trung Quốc đã báo công an. Công an Việt Nam và công an Trung Quốc phối hợp để tìm ra cháu H và đón cháu về. Ngay sau đó hội phụ nữ huyện đã xuống tận nhà nói chuyện với bố mẹ H. và đưa em đến Ngôi nhà Bình yên.
Ở đây, H. được các chị dạy chữ, được đi khám sức khỏe, đi chơi công viên Thủ Lệ, chơi cầu lông, đá cầu... H. cho biết: “Cháu còn được các bác quản gia dạy nhặt rau, gọt khoai, vo gạo cắm nồi cơm điện... Cháu mong muốn được học chữ để biết đọc biết viết, sau đó cháu được học nghề có việc làm để cháu có thể tự nuôi được cháu”.
Giờ H. cũng chẳng còn đường về nhà vì không có giấy khai sinh, không có chứng minh thư, mẹ đã sang Trung Quốc lấy chồng tiếp, bố đẻ tuyên bố sẽ đánh chết nếu H. về...
Cần có sự can thiệp của cộng đồng và chính quyền
Là bác sĩ đã trực tiếp cứu chữa nhiều nạn nhân bạo lực gia đình, ông Nguyễn Ngọc Quyết – Giám đốc Trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, Bệnh viện Đức Giang cho rằng, đã có rất nhiều phụ nữ, không chấp nhận bạo lực gia đình, họ đến chính quyền, các trung tâm tư vấn khai báo nhưng họ hoàn toàn mất niềm tin vào chính quyền địa phương vì khi tìm đến sự giúp đỡ nhưng chính quyền can thiệp một cách hời hợt, chiếu lệ, nhắc nhở, giáo dục đơn thuần, không có sức ngăn chặn cho nên người gây bạo lực vẫn ngoài vòng pháp luật.
Hội phụ nữ là cơ quan đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ, nạn nhân tin tưởng nhiều, nhưng Hội lại chưa được trang bị sức mạnh, còn phụ thuộc quá nhiều vào chính quyền, đôi khi các quyết định đưa ra vẫn còn yếu ớt.
Khi bị bạo lực về với người thân cũng là một giải pháp, nhưng trong nhiều trường hợp các nạn nhân không dám tìm về với bố mẹ vì sợ bị ảnh hưởng, tai tiếng... Trong khi các địa phương chưa có nhà tạm lánh, còn trạm y tế theo pháp luật chỉ được lưu trú không quá 1 ngày. Ai sẽ chìa tay cho những nạn nhân bạo lực gia đình?. Họ biết đi đâu về đâu?. Đó là những câu hỏi lớn cần sớm có giải đáp, BS Quyết nhấn mạnh.
Theo Thu Hương
PLVN