Khi đàn bà dại

Cách đây hai năm, ai nói đến khiêu vũ là bà Q. bĩu môi. Nhưng ghét của nào, lao vào của ấy. Bà hay vào công viên tập thể dục nhịp điệu, xung quanh toàn mấy đứa con gái trẻ măng, kêu bà bằng cô, dì, bác, thấy vóc dáng tụi nó, bà phát rầu.

 
Khi đàn bà dại


Đã vậy, chúng còn vô tư nói: “Dì đừng lắc mạnh như tụi con, coi chừng loãng xương, má con toàn tập dưỡng sinh”. Bà thấy dưỡng sinh có vẻ già quá, trong khi bà thấy mình còn ngon cơm. Thế là bà dòm sang khoảng sâu bên cạnh: một nhóm đông đang khiêu vũ theo phong cách thể thao: quần lửng, áo thun, giày xì-po…cả nhóm đang nhảy chung một điệu kiểu như hip-hop dạng nhẹ trông rất hiện đại. Bà thử nhập cuộc, hóa ra khiêu vũ không khó như bà tưởng, cũng không phải ẹo ẹo như bà nghĩ.

 

Vũ sư trên sân là phụ nữ nên bà yên tâm, càng tập càng thấy tình thần, sức khẻo khá hơn. Thế nhưng, rào cản lớn nhất là thiếu kép nam, mấy bà bạn trên sàn nhảy đón chào bà khá thân thiện, nhưng không có chuyện “se” kép nhảy đậu nhé! Vậy là có bữa, suốt hơn tiếng đồng hồ, bà chỉ nhảy 1, 2 bài. Để khắc phục tình trạng ngồi chèo queo, bà “tuyển” một vũ nam để bằng chị bằng em. Một anh chàng khá trẻ, gương mặt ưa nhìn, khá mềm mại trong bộ đồ màu đen, không chỉ nhảy giỏi, mà còn nói chuyện nhẹ nhàng khéo léo, biết động viên, hướng dẫn dễ hiểu. Được người có chuyên môn cao dìu dắt, nên bà nhảy rất lên chân, làm mấy “ma” cũ lác mắt.

 

Càng ngày bà càng mê, không rõ mê người dìu, hay mê nhạc, mê khiêu vũ. Từ sàn nhảy giữa công viên, bà tăng cường thêm các buổi thực tế tại các vũ trường. Rồi là trong cơn mê “thập cẩm” đó, bà bị chàng kia dìu đi cả ngoài sân nhảy. Bước đầu là cảm kích trước sự nhiệt tình của “cậu em”, bà mua tặng cái áo sơ mi, quần jean…nhưng rồi cám cảnh hoàn cảnh khó khăn của cậu em, bà chuyển sang chăm sóc người ta từ tiền thuê nhà, tiền đổ xăng, đến mua laptop, tiền học vi tính…Ức nhất là dạo này trên sân có một bà mới vào, cũng nhắm đến anh ta, được thể anh ta càng chảnh với bà. Bà ghen, lại thêm nỗi sợ bị bỏ rơi nên tăng cường quà cáp để lấy lòng kép nhảy. Mà bà có phải quý tộc gì đâu, chỉ có mỗi sạp quần áo ngoài chợ. Bà cũng không có ý định cặp kè “trên mức tình cảm” với cậu em thua mình chục tuổi, nhưng những va chạm giữa hai thân thể trong tiếng nhạc êm dịu khiến bà mê, những buổi tối vắng nhà càng nhiều. Người nhà vẫn nghĩ bà thích thể thao lành mạnh, chứ ai biết bà đang bị... say nắng.

 

Phụ nữ yêu bằng tai, nên hay “chết” thảm. Bà Nguyễn Anh K, cũng rơi vào tình trạng phải dâng nộp tiền bạc, thời gian, và năng lượng cho một người đàn ông không phải chồng mình. Bà là hội viên của một hội thơ cấp phường. Từ ngày về hưu, bà càng có thời gian dành cho “nghệ thuật”. Thế nhưng, ông chồng bà lại bảo “bà rảnh quá, ngồi viết gì gì đó tào lao, ai mà đọc”.

 

Trong một lần đi đến một nhà xuất bản, bà gặp được người hiểu bà còn hơn bản thân bà. Anh ta là biên tập viên, nâng niu từng câu chữ của bà, hít hà từng tứ thơ của bà. Hai người thường xuyên hẹn gặp để anh sửa chỗ này, chỗ kia trong các bài thơ. Chưa hết, anh ấy còn là một nhiếp ảnh gia, nghiệp dư thôi, mà tay nghề cứng lắm, lại còn có máu thiết kế, nên tập thơ của bà mới thành hàng lạ, hàng độc.

 

Thế rồi, bà càng lúc càng thấy chàng tuyệt vời, biết nhìn ra điểm mạnh, điểm tốt của bà, là người thấu hiểu trái tim, tâm hồn và biết ca ngợi cả… thân thể của bà. Nói tóm lại, là anh ta rất ngược với ông xã bà, đúng là một người chuẩn “men”. Vậy là “khôn 3 năm, dại 1 giờ”, trong 1 giờ đó, anh ta chụp cho bà một số chân dung để làm bìa tập thơ mới nhất. Chẳng hiểu sao, anh ta lại truyền cho bà cảm hứng chụp ảnh “nóng”, nóng tới mức mà chồng bà thấy, chắc chắn sẽ… phỏng tay đến tuột da. Từ đó, anh ta trở thành chủ nhân của bà, thôi thì, bà đành chôn giấu niềm riêng, ráng “cày” để đáp ứng mọi nhu cầu của người yêu… tiền của mình.

 

Biết chuyện, nhiều người chê trách những người phụ nữ nhẹ dạ nên dễ bị lừa, nhưng nhìn ở một mặt khác, họ thiếu sự chia sẻ, tình cảm của người bạn đời nên mới có chỗ để những tay “săn mồi” nhảy vào.

 

Theo Tuổi Trẻ Cười