Khi con trẻ muốn ra riêng

Gần đây, “ra riêng” được xem là một trào lưu trong giới trẻ thành thị, khi ngày càng nhiều người trẻ và các cặp vợ chồng son thể hiện quyết tâm sống độc lập với gia đình.


Vì sao con trẻ muốn ra riêng?



Vì sao con trẻ muốn ra riêng?

Võ Lê Ánh My, sinh viên năm 2 đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết không khó khăn lắm khi nói với gia đình về quyết định dọn ra ở nhà trọ, dù căn nhà ba mẹ ở Phú Nhuận quá rộng rãi và tiện nghi. “Ba mẹ đồng ý với điều kiện hàng tuần em về nhà ngày thứ bảy báo cáo tình hình cho ba mẹ biết. Ngoài giờ lên lớp, em dành thời gian còn lại bán mỹ phẩm online để kiếm thêm thu nhập, học nấu ăn... Nhờ ở riêng mà em biết sắp xếp cuộc sống riêng, biết tính toán chi tiêu tiết kiệm hơn”, Ánh My nói. Với Lê Vũ Minh Quang, sinh viên đại học Hoa Sen, TP.HCM, lý do dọn ra ở riêng là muốn chuẩn bị kinh nghiệm thực tế cho kế hoạch du học Pháp vào tháng 10.2013. “Ra ngoài sống em thấy mình trưởng thành hơn, sau này đỡ bỡ ngỡ khi qua Pháp học hai năm mà không có người thân bên cạnh”, Quang nói.

Trên Facebook hiện cũng đã có riêng trang dành cho những người trẻ thích ra ở riêng, thành viên tên Dế Con chia sẻ: “Ở riêng, mình sẽ không bị ai kêu ca, không phải làm những việc mình không muốn; khi đi đâu sẽ không bị ai quản lý, không phải trình báo này nọ. Như thế, mình sẽ thoải mái hơn. Ở riêng, mình có thể học tập mọi lúc mình có thể mà không sợ bị làm phiền. Ở riêng, sẽ không ai bảo mình là trẻ con nữa. Mình sẽ có kinh nghiệm sống nhiều hơn…”

“Người thắng, kẻ thua”

Theo Ánh My, không phải ai cũng có thể trụ được lâu dài với cuộc sống phải tự lo từ A – Z đó: “Có nhiều bạn cứ nghĩ rằng ra ở riêng chỉ đơn giản là tách ra khỏi gia đình, thuê lấy một phòng trọ và tự mình sắp xếp cuộc sống theo ý muốn cá nhân. Cuộc sống một mình ở ngoài nảy sinh rất nhiều vấn đề mà các bạn không lường trước được. Khu em đang trọ từng có bạn nữ sinh do bị ba la mắng và muốn chứng tỏ mình không còn trẻ con nên đã dọn ra ở riêng với vài bộ quần áo cùng 1 triệu đồng. Bạn thuê chung phòng với một chị công nhân rồi nhờ bạn bè tìm việc làm thêm phụ bán quán càphê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng chưa đầy một tháng thì bạn ấy chịu không nổi phải trở về nhà ba mẹ”.

Dương Quang Tuấn, sinh viên đại học Kinh tế TP.HCM cho biết “kinh nghiệm thương đau” từng trải qua sau sáu tháng ở riêng: “Dù là người Sài Gòn nhưng khi ra sống riêng, em vẫn không khỏi lơ ngơ vì cuộc sống quá phức tạp mà tiền bạc tốn kém quá trời!”

Cho hay cấm?

PGS.TS Văn Thị Kim Cúc, nguyên phó viện trưởng viện Tâm lý học Việt Nam cho biết, trào lưu ra ở riêng là hiện tượng trong xã hội hiện đại, tuy nhiên “cha mẹ cần phải tìm hiểu lý do của con. Nếu thật sự vì con trẻ muốn độc lập, tự chủ, rèn luyện mình cho cứng cáp, trưởng thành, có một lý tưởng, một hoài bão đẹp và có thể biết tự lo, tự chịu trách nhiệm cuộc đời mình hoặc vì nhà của gia đình quá chật hẹp, thì có thể ủng hộ việc ra ở riêng. Còn nếu ra ở riêng để tự do ăn chơi, thích gì làm nấy, cảm thấy thoải mái vì không có ai kiểm soát, nhắc nhở, răn đe… thì không nên ủng hộ”.

Theo PGS.TS xã hội học Trịnh Hoà Bình, viện Khoa học xã hội, việc các bạn trẻ muốn ra ngoài tự lập là chuyện bình thường của xã hội văn minh, tuy nhiên phải phù hợp với điều kiện kinh tế và hoàn cảnh. “Trước khi có quyết định cuối cùng, các bạn trẻ cần cân nhắc thật kỹ, cần lường trước ra ở riêng là rất tốn kém, liệu có đảm trách được không? Liệu có thể tự xoay xở với vô vàn các tình huống khó khăn, thất bại, cô đơn, ốm đau, bệnh tật…? Các bậc cha mẹ nên giúp con bằng cách tư vấn, góp ý trước các dự định, kế hoạch sống của con khi muốn ra ở riêng”, ông Bình nói.

Theo Bích Trà
SGTT