Khi con là rào cản cha mẹ đi bước nữa
(Dân trí) - Thái độ phản đối của trẻ trong trường hợp này được các nhà tâm lý giải thích bằng nhiều nguyên nhân khác nhau. Có được giải pháp hợp lý, các ông bố/ bà mẹ đơn thân sẽ có nhiều cơ hội hơn đón nhận hạnh phúc riêng tư mà không làm con cái tủi.
Nên tạo cơ hội cho anh ấy và con bạn tiếp xúc với nhau nhiều hơn.
Nguyên nhân con phản đối
Sợ mẹ bỏ mình đi mất
Cuộc chia tay của cha mẹ trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng để lại cho đứa con một sự mất mát. Đối với trẻ, giờ đây mẹ là người thân duy nhất. Vì thế, khi xuất hiện người lạ mà mẹ lại có thái độ thân thiết, ở trẻ thường xuất hiện sự lo sợ: “Mẹ sẽ bỏ mình đi mất giống như bố”.
Ghen với bạn trai của mẹ
Trước khi chưa có “chú ấy”, trẻ đã quen với ý nghĩ: “ Mình là trung tâm, mẹ chỉ chú ý vào mỗi mình”. Do đó, khi xuất hiện người “yêu” mới của mẹ, trẻ sợ bị mất đi vị thế của mình.
Ghen thay cho bố
Trẻ ở tuổi lớn hơn có thể xuất hiện tâm lý này. Dù bố mẹ đã chia tay nhưng trong ý thức, trẻ vẫn nghĩ “mẹ là của bố”. Vì vậy, trẻ sẽ tỏ thái độ, hành vi để bảo vệ “chủ quyền” của bố.
Trong trường hợp phải lựa chọn giữa “người ấy” và đứa con riêng của mình, nhiều người đã vội vã từ bỏ hạnh phúc của bản thân để làm hài lòng con. Tuy nhiên đây chưa phải sự lựa chọn tối ưu nhất.
Lời khuyên
Tìm sự giúp đỡ của “người mới”
Bạn hãy giải thích với bạn trai của mình về thái độ của con để anh ấy thông cảm và hợp tác giúp đỡ. Ví dụ như, những lúc anh ấy đến chơi, bạn nên tạo cơ hội cho anh ấy và con bạn tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Bạn có thể kể cho anh ấy về những sở thích, tính cách của con bạn để anh ấy hiểu và có cách tiếp cận phù hợp với bé.
Đừng bao giờ để bé của bạn cảm thấy cô đơn
Tình yêu làm cho bạn và người ấy đôi khi quên mất sự hiện diện của người khác, trong đó có con bạn. Hãy nhớ, ở giai đoạn đầu khi con bạn chưa chấp nhận chuyện tình cảm của bạn và người ấy, đừng bao giờ để cho con cảm thấy mình là người “thừa”.
Đừng bao giờ nói không tốt về bố đứa bé với bạn trai mình
Vô tình bạn sẽ tăng thêm ác cảm của bé với “chú kia”. Con bạn sẽ nghĩ: “Mẹ không thích bố tức là không yêu mình!”. Sự tủi thân sẽ làm bé trở nên tức giận đối với người làm mẹ không còn yêu mình nữa.
Thường xuyên tổ chức đi chơi ba người
Đây là cơ hội tốt nhất để người ấy của bạn gây được thiện cảm với con bạn. Chẳng hạn như, một buổi đi xem phim hoạt hình mà bé thích, một buổi đi chơi dã ngoại .v.v.
Hãy nói chuyện với bé như với một người lớn
Thật sai lầm, nếu bạn nghĩ rằng con bạn còn bé không hiểu chuyện người lớn. Đôi khi, nói chuyện thẳng thắn với con sẽ giúp bạn nắm bắt được tâm tư của bé, giúp bé hiểu hơn chuyện của mẹ.
Theo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, bé càng nhỏ tuổi thì khả năng nảy sinh mâu thuẫn với người yêu mới của mẹ càng ít. Tùy theo từng hoàn cảnh bạn có thể có cách giải quyết riêng của mình để vừa đẹp lòng con vừa đẹp lòng người yêu.
Bảo Linh