Khi con bị bắt nạt ở lớp

(Dân trí) - Con tôi đang học mẫu giáo, thường xuyên bị một “học sinh cá biệt” trong lớp bắt nạt như tranh đồ chơi, đánh, hoặc nói tục. Tôi nghĩ sẽ gặp trực tiếp phụ huynh cháu bé kia nhưng chưa biết nên/không nên nói gì?

 
Khi con bị bắt nạt ở lớp


Trả lời:

 

Vấn đề giữa bọn trẻ khi chuyển sang vấn đề của người lớn nếu không ứng xử khéo léo rất dễ thành “to chuyện”. “Mẹ nào mẹ chả bênh con”, muốn tránh những xung đột không mong muốn và việc thương thuyết được hiệu quả, bạn nên:

 

1. Tránh phán xét vị phụ huynh kia

 

Trong đầu bạn chắc chắn có những suy nghĩ kiểu như: “Chẳng hiểu nhà đó thuộc loại gì”, “Chắc họ chiều con ghê lắm”, “có khi họ cho con xem toàn phim bạo lực”...

 

Hãy bỏ ra khỏi đầu tất cả những ý nghĩ tiêu cực đó, ngay cả ý nghĩ rằng bạn làm mẹ chắc chắn tốt hơn người ta. Vị phụ huynh kia có thể cảm nhận được tâm lý ấy từ bạn và không muốn giúp bạn. Thực tế, bạn chưa hiểu “nhà kia” dạy con như thế nào, nên đừng đưa ra giả thuyết.

 

2.  Xin được nói chuyện riêng

 

Bạn chắc chắn không muốn vị phụ huynh kia phải bối rối trước nhiều người. Bởi thế nên gọi điện trước xin gặp. Cũng có thể bạn tình cờ gặp họ ở trường trong lúc đón con. Hãy xin vài phút nói chuyện, về những lo lắng của bạn liên quan đến chuyện của tụi nhỏ.

 

Nhưng cuộc nói chuyện cần được tập trung. Nếu hai người đã bắt đầu câu chuyện mà vì lý do nào đó bị gián đoạn, hãy đề nghị chuyển sang lúc khác.

 

3. Yêu cầu được giúp đỡ

 

Hãy thử nói: “Có chuyện này tôi hy vọng được chị giúp”. Hầu hết mọi người sẽ nghiêng về thái độ hợp tác khi được tiếp cận theo hướng “ở chung một chiến thuyền” như thế này.

 

Bạn có thể cân nhắc nói thêm: “Quả thực tôi cũng ngại khi phải gặp chị nói chuyện thế này, nhưng việc khá quan trọng với tôi”. Không cần phải tỏ ra xởi lởi, bạn cũng chỉ là một con người bình thường thôi, thừa nhận mình đang lo lắng sẽ giúp câu chuyện dễ dàng hơn.

 

4. Không bình luận

 

Khi bạn nói chuyện với vị phụ huynh kia, nhớ chỉ đưa ra những dẫn chứng từ sự việc thực tế, không bình luận thêm những từ như “đầu gấu”, “bắt nạt”, “hư hỏng”. Bởi người mẹ kia cũng yêu con như bạn, mọi nhận xét không hay về con của cô ấy đều khiến cô ấy trở thành thiếu thiện chí.

 

Hãy nói những nét cơ bản, ví dụ: “Một tháng gần đây, ngày nào Bông nhà tôi đi học về cũng nói bị bạn Bi cấu, bạn Bi không cho chơi đồ chơi trong lớp, bạn Bi đẩy ngã, gọi là “đồ ngốc” và xúi các bạn khác không chơi cùng. Tôi biết sự việc có thể không hoàn toàn như Bông kể, nhưng chắc phải có chuyện gì...”.

 

5. Biết nên nói gì nếu thái độ cô ấy hợp tác

 

Vị phụ huynh kia có thể sẽ hứa nói chuyện với con mình và cam đoan ngăn chặn những hành vi của con. Kết quả như vậy là mỹ mãn. Hãy cảm ơn chị ấy và nói thêm: “Tôi hy vọng chị cũng sẽ trao đổi với tôi nếu bé nhà tôi có làm gì mà chị nghĩ rằng tôi nên biết”.

 

Cách này, bạn tỏ rõ thiện chí của mình, giảm bớt “tội” cho bạn của con đồng thời tỏ rõ: Mọi em bé đều cần có sự hướng dẫn của người lớn.

 

Đừng quên nói bạn trông chờ kết quả tốt đẹp từ chị ấy. Và nếu sau vài ngày chị ấy vẫn chưa gọi lại cho bạn, con bạn vẫn bị bắt nạt ở lớp, hãy chủ động gọi điện hỏi chị ấy xem tình hình đến đâu rồi.

 

6. Biết phải nói gì nếu thái độ vị phụ huynh không hợp tác

 

Chị ấy có thể sẽ nghĩ bạn quá bảo bọc con hoặc không muốn nhìn nhận con mình hư. Nếu vậy, chị ấy sẽ nói kiểu như chính bạn với con bạn mới là vấn đề, ví dụ: “Ôi tôi chưa nghe ai nói con mình như thế bao giờ”, “tôi không can thiệp vào những mối quan hệ nho nhỏ của con mình chị ạ”, hoặc “chúng nó còn trẻ con mà, phải không?”, hay “tôi rất tiếc vì con chị tổn thương, song cháu nó có vẻ nhạy cảm quá”.

 

Lúc ấy bạn hãy cố tránh thái độ “ăn miếng trả miếng”. Thay vào đó, nên nói: “Tôi thấy là chúng ta nhìn nhận vấn đề này khác nhau. Thế cũng không sao cả. Và tôi cũng nhận thấy rằng con của chúng ta không cần làm bạn. Nhưng tôi biết điều gì đang khiến con tôi buồn, và tôi, cùng cảnh phụ huynh với chị, đang mong chị giúp đỡ để chấm dứt được chuyện này”.

 

Sự quyết đoán của bạn có thể sẽ gây ấn tượng với vị phụ huynh cùng lớp, cho dù chị ấy không tỏ ra như vậy. Sau khi bạn rời đi, chị ấy có thể sẽ phải suy nghĩ lại và thậm chí nói con của mình để cho con bạn yên.

 

7. Nói chuyện với con

 

Những điều bạn có thể và nên nói với con mình:

 

“Mẹ luôn ở bên con”

 

Con của bạn sẽ có cảm giác mình bị cô lập ở lớp, nhưng câu nói này của bạn cho bé hiểu bé không chỉ có một mình.

 

“Không phải lỗi của con, con ạ”

 

Có thể bạn sẽ nói với con là phải cứng rắn lên. Đừng làm thế. Bạn đang cố bảo vệ con khỏi bị tổn thương, nhưng nói vậy cũng đồng nghĩa với việc bạn nói là “con cũng đang sai đấy”. Sự thật là, chỉ có cậu bé hay bắt nạt ở lớp con mới cần thay đổi hành vi thôi.

 

“Mẹ cũng sẽ rất buồn nếu chuyện này xảy ra với mẹ”

 

“Để xem mẹ con mình sẽ làm được gì nhé”

 

Con bạn có vẻ đã bất lực trước người bạn hay bắt nạt ở lớp của mình. Bởi thế, bé sẽ nhẹ nhõm hơn khi nghe mẹ khẳng định từ nay bé không phải giải quyết chuyện này “đơn thương độc mã” nữa.

 

Huyền Anh

Theo RB