Khi chị chồng “sát vách”

“Con dâu cho mẹ có mỗi 1 triệu đi Yên Tử á? Gì mà ít thế” - Uyên nghe rõ tiếng chị chồng lanh lảnh ở ngay nhà bên cạnh. Biết chị chồng đang nói mình (vì nhà có mỗi Uyên là con dâu) nhưng Uyên cũng chẳng làm gì được.

 

Khi chị chồng “sát vách” - 1


“Chị bảo em chỉ biếu mẹ mỗi 1 triệu bạc, gì mà ki bo thế. Thử hỏi vợ chồng bác ấy có biếu mẹ được đồng nào không?” - Uyên kể với chồng. Chồng Uyên xuề xòa gạt đi: “Thôi chuyện nhỏ, em để bụng làm gì”.

 

Do nhà chồng có dư đất cát nên khi chị chồng kết hôn với một anh tỉnh lẻ, bố mẹ chồng Uyên sang tên cho anh chị dựng nhà ngay trên mảnh đất liền kề. Hai nhà đi riêng cổng nhưng lưng lại đối với nhau. Để cho thoáng, bức tường chung được đục một ô cửa sổ nhỏ. Vì thế, nhà này nói gì thì nhà bên nghe được gần hết, nhất là với giọng oang oang của chị chồng Uyên.

 

Đã thế, mẹ chồng Uyên hễ rảnh là chạy sang nhà con gái, bất kể giờ giấc nào. Bà chẳng giúp Uyên việc gì trong nhà nhưng lại sang nhà con gái làm hộ bao việc. Hai mẹ con thủ thỉ với nhau đủ chuyện, trong đó có khi “động chạm” tới vợ chồng Uyên.

 

Muốn mua sắm gì, mẹ chồng Uyên đều đưa tiền nhờ con gái chứ không phải con dâu. Có lần, Uyên còn bị chị trách: “Em tiện đường đi làm mà không mua thuốc khớp cho bà luôn. Bà cứ sang nhờ hai bác đây này”. Uyên về, trách lại mẹ: “Lần sau mẹ muốn mua gì thì cứ gọi con, đừng phiền hai bác ấy”. Thế mà vài hôm sau lại đâu vào đó.

 

“Nhiều lúc nghĩ cũng tức, mẹ chồng không vừa lòng gì thì cứ góp ý thẳng. Đằng này bà lại chạy sang kể lể với con gái rồi mình lại “mang tiếng”- Uyên chán nản tâm sự.

 

Cũng có chị chồng sát vách như Uyên, Hiền (Long Biên, Hà Nội) mới thấy thế nào là mệt mỏi, ấm ức. Chị chồng Hiền mang tiếng ở riêng nhưng ngoài ngủ, còn mọi sinh hoạt của hai vợ chồng và một cháu nhỏ diễn ra ở luôn nhà bố mẹ. Mẹ chồng Hiền trông cháu cho con gái, cho cháu ăn uống, tắm rửa, vui chơi... Anh chị chồng đi làm về lại ăn cùng ông bà cho đông vui. Thành thử người mệt nhất là Hiền vì cô phải chợ búa, lo cơm bữa tối rồi lau chùi, dọn dẹp cho cả gia đình...

 

“Bà chị chồng đi làm về là tranh phòng tắm dù bên nhà cũng có phòng tắm riêng. Dầu gội, sữa tắm chẳng bao giờ mua vì toàn dùng của mình. Tắm xong thì bỏ xó quần áo khiến mình phải lọ mọ cho vào máy, phơi phóng rồi lại rút gập gọn gàng để mẹ chồng mang sang nhà cho hai bác ấy” - Hiền than thở.

 

Hiền bảo chán ngán lắm nhưng không biết làm sao vì trước khi về làm dâu, anh chị chồng đã quen được bố mẹ chiều rồi. Với cả, Hiền cũng không thể cấm hai bác và các cháu sang nhà được, lại càng không thể hy vọng mẹ chồng đừng sang nhà con gái.

 

Làm dâu có trăm cái khó

 

Nguyện (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng qua cái thời “chán lắm vì bà chị chồng ở cách nhà có vài bước chân”. Ban đầu, Nguyện cũng bực và bất tiện vì suốt ngày giáp mặt với hai mẹ con bà chị. Đã ăn uống tại nhà lại bày biện lung tung không chịu dọn dẹp. Đã thế, cu con 3 tuổi nhà chị chồng Nguyện hay chạy vào phòng Nguyện nghịch lung tung. Có lần, cu cậu làm vỡ tan hộp phấn mắt “xịn” khiến Nguyện tiếc đứt ruột.

 

Bây giờ, Nguyện bảo: “Không thay đổi được gì thì chấp nhận cho nó nhẹ lòng”. Việc chăm sóc nhà chị chồng đã có mẹ chồng lo, Nguyện đi làm về tới nhà, giúp việc gì được thì giúp. Phòng riêng thì Nguyện đã làm khóa rồi nên không sợ cháu bé nghịch nữa. Thỉnh thoảng cũng có hôm ăn uống thì vất vả lau chùi tẹo. “Nhà người ta tứ đại đồng đường chung một nhà vẫn hòa thuận được thì nhà mình, có chị chồng sát vách thôi chứ ‘bõ bèn’ gì” - Nguyện chia sẻ.

 

Cùng ở tâm thế “chấp nhận” như Nguyện là Tâm (Hà Đông, Hà Nội). Hồi mới về làm dâu, bà chị chồng sống ngay bên cạnh suốt ngày sang nhờ vả trông cháu hộ, Tâm vui vẻ nhận lời. Đến khi nghén ngẩm mệt mỏi, lại hay phải bế cháu, pha sữa, quấy cháo, thay bỉm... khiến Tâm muốn từ chối.

 

“Từ chối thì mình lại ngại. Sợ sự thật mất lòng lắm. Mẹ chồng mình yếu nên không làm được việc gì nhiều” - Tâm kể. Đem chuyện này chia sẻ cùng anh xã, nhờ nói với chị hộ nhưng Tâm nhận được câu trả lời: “Em cứ nói thẳng với chị ấy”. Sau nhiều lần do dự, lúc nào mệt mỏi không trông nổi cháu là Tâm nói luôn: “Em không trông được đâu chị ạ” hay “Em có việc phải đi bây giờ đây”... Mãi rồi việc nhờ vả cũng thưa thớt, Tâm cũng thấy đỡ ngột ngạt hơn.

 

Theo Ngọc Bình

Mevabe