Góc tâm hồn

Hương quê

(Dân trí) - Về quê vào những ngày cuối năm mới thấy sao yêu đến vậy cái đồng đất quê mình, thương biết mấy những chị, những mẹ một nắng hai sương trên ruộng đồng. Chợt nghĩ cuộc sống nơi thôn dã bình yên và chân chất lạ.

 
Hương quê - 1


Một buổi chiều tà tôi lại đưa mình rong ruổi theo lối đường đất với hàng tràm trổ hoa vàng rực cùng gió chiều bay theo mùi của những vạt bèo tây hắt lên cái vị nồng dịu quê nhà. Đi sâu vào trong mỗi làng sẽ cảm dễ hơn sự thanh bình mộc mạc của cuộc sống người nông dân thanh đạm.

 

Về làng sau bao năm dài đi xa, thấy thấm thía câu nói “không đâu như nhà mình”. Một bát nước chè xanh bên câu chuyện ấm lòng. Những ánh sao là là trên mặt nước, đó là ánh đèn pin hay ngọn đèn dầu của người nông dân đi tìm con cá con cua sau một ngày dài trên ruộng đồng. Những thành quả sau đêm dài chông đèn sẽ được mọi người gom lại, cùng nhau đưa lên bờ nhóm lửa nướng mồi. Mùi cá tràu đặc sản quê tôi được chấm với muối trắng ớt tươi gay quyện vào hương đất và tiếng dế rung trời nối dài mênh mông.

 

Ánh trăng đêm trên đồng về khuya càng yên ả, tạo màu sắc huyền ảo cho mỗi câu chuyện mọi người đang kể. Và cứ thế, cuộc chuyện trò đầm ấm kéo dài ra theo mùi thịt cá tràu chín tới.

 

Về lại với quê, tôi như đứa trẻ thơ nũng nịu, mơ màng ngả lưng nương tựa trên thảm cỏ mềm mịn đẫm sương, nghe mọi người kể chuyện ngày xửa ngày xưa hoài không thấy chán, những câu chuyện của quê hương, thấy yêu lắm, tự hào lắm.

 

Nhiều khi đắn đo về cuộc sống bộn bề phía trước, lại ớn lạnh, sợ cho cảnh phải xa quê. Nếu phải rời nơi ta đã gắn bó để lo toan cho ngày tháng dài rộng trước mắt, thì cái tình quê nhà sẽ đeo bám hoài mà chẳng thể nào dứt ra được. Bổng dưng trong suy nghĩ cứ miên man câu hát ru bà vẫn ầu ơ mỗi ngày: 

 

“Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử

Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu

Bao giờ nguyệt xế trăng lu

Nghe con chim quyên kêu mùa hạ, biết mấy thu gặp chàng…”    

 

Những câu chữ dài vô tận, miên man buồn quấn bước, như đồng lúa ngả rạ mùa giáp hạt cứ cố níu giữ chân người ở lại.

 

Phan Bảo Hòa

(Quảng Trị)