Hốt hoảng với nỗi niềm "gia đình càng nhỏ sự cô đơn càng lớn"
Khi số gia đình hạt nhân gia tăng thì tỷ lệ ly hôn cũng tăng theo. Không ít đôi vợ chồng trẻ vừa thoát khỏi sự giáo dục, chăm sóc của cha mẹ đã sống tự do buông thả, chưa hết tháng đã hết tiền, thậm chí cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, ngoại tình, chẳng ai bảo được ai dẫn đến ly hôn...
Sự "chia tay" tất yếu với gia đình tam, tứ đại đồng đường
Cho tới những năm 40 của thế kỷ trước, những gia đình “tam, tứ đại đồng đường” (ba, bốn thế hệ cùng sống một nhà) vẫn được số đông người Việt Nam coi là “nhà có phúc”. Đến nay vẫn có người tỏ ra luyến tiếc kiểu "đại gia đình" này.
Tôi nhớ một buổi trưa năm 1980, tôi đến một gia đình ở xã Xuân Đỉnh huyện Từ Liêm, Hà Nội, đúng lúc cả nhà đang ăn cơm trưa. Tôi ngạc nhiên thấy không dưới ba chục người già, trẻ, lớn, bé ngồi thành hai dãy từ sát tường ra đến tận hè, đang ăn rào rào nhưng rất trật tự, với nồi cơm to như nồi quân dụng của bộ đội.
Có lẽ đó là một trong những gia đình “tứ đại dồng đường” ít ỏi còn lại đến năm ấy. Hai cụ có 5 người con trai đều đã lập gia đình riêng, trong đó, người con cả đã có cháu gọi bằng ông. Hỏi ra mới biết, tất cả các thành viên trong “đại gia đình” ấy đều làm nông nghiệp.
Ngoài làm ruộng ra, nhà còn có thu nhập thêm từ vườn hồng xiêm khá lớn. Họ sống quây quần trong mấy ngôi nhà gần nhau, dưới sự điều hành mọi việc của cụ ông năm ấy đã ngoài tám mươi tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện.
Tôi đã phỏng vấn nhiều thanh niên thời nay xem họ có còn thích được sống trong những “đại gia đình” như thế không thì hầu hết họ đều lắc đầu. Cho dù một người nào đó ưa hài hước nói rằng sống như thế càng vui thì có lẽ cũng không thực hiện được.
Bởi vì ngày nay, rất ít khi tất cả các thành viên trong một gia đình lớn như thế lại làm cùng một nghề, có cùng giờ giấc đi về như nhau, cùng một mức thu nhập ngang nhau và nhất là cùng có những sở thích, khẩu vị giống nhau. Ngày nay, nếu chúng ta cố gò mọi người vào một gia đình lớn như thế, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp gây ra mâu thuẫn, mất đoàn kết, có khi làm khổ nhau nhiều hơn là đem lại hạnh phúc cho nhau.
"Riêng tư" lên ngôi
Ngày nay, ở các nước phát triển, ngay cả kiểu gia đình “tam đại đồng đường” (ba thế hệ một nhà) cũng đã trở thành ít ỏi, nhường chỗ cho kiểu “gia đình hạt nhân”, (chỉ có bố mẹ và con cái chưa trưởng thành). Không những thế, ngay cả những gia đình hạt nhân nhiều khi cũng không đầy đủ, chỉ có mẹ mà không có bố cũng đang có chiều hướng gia tăng liên tục trong vài ba thập kỷ gần đây.
Ở một số nước Bắc Âu, công dân cứ đến 18 tuổi được Nhà nước cấp nhà nếu có nhu cầu, vì thế số “gia đình một người” cũng có chiều hướng gia tăng. Theo báo "Femme Actuelle" của Pháp số ra gần đây, các nhà tương lại học dự tính rằng, chỉ đến năm 2020, một nửa nhân loại sống độc thân.
Vợ chồng trẻ chỉ muốn có không gian riêng tư. Ảnh minh họa
Tôi đã đến thăm một gia đình ở Thuỵ Điển chỉ có hai mẹ con ở với nhau trong căn nhà 4 phòng đầy đủ tiện nghi với 2 xe ô-tô con. Nhưng khi cô con gái đến 19 tuổi xin mẹ cho ra ở riêng. Người Việt Nam thấy lạ hỏi :”Sao chị không bảo cháu ở cùng với mẹ cho vui?”. Người mẹ trẻ nở nụ cười hồn nhiên: ”Tôi cũng thích ở riêng!”.
Trong những “ngôi nhà thông minh”, mỗi thành viên đều sống trong những đơn vị không gian độc lập khép kín, có những thiết bị điện tử điều chỉnh âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm theo ý thích. Họ chỉ gặp nhau khi người này thấy cần gặp người kia. Như thế tuy gọi là gia đình nhưng cũng chẳng khác sống riêng là mấy!
Nói về sự giải thể của những gia đình “tam tứ đại đồng đường” đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, nhiều người chúng ta vẫn tỏ ra luyến tiếc. Bởi nó có những ưu thế mà “gia đình hạt nhân” không thể có được. Trước hết trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ em được giáo dục tốt hơn. Nhất là khi bố mẹ chúng còn quá trẻ, lại không đủ thì giờ và kinh nghiệm giáo dục con cái thì vai trò của ông bà là rất quan trọng.
Phải chăng những chuyện cổ tích, những câu ca dao thấm vào tâm hồn chúng ta từ lúc còn thơ, rồi từ cách “học ăn, học nói, học gói, học mở” phần lớn chúng ta học được từ ông bà? Đặc biệt việc giáo dục lao động cho trẻ em trong những gia đình 3 thế hệ có nhiều thuận lợi hơn.
Trẻ em từ tuổi thơ đã dược học lao động, không chỉ tập làm việc nhà mà còn học được các kỹ năng ngành nghề khác nhau qua ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác cùng sống chung dưới một mái nhà làm cho con người trở nên chăm chỉ, khéo léo. Học được cách thiết lập các mối quan hệ giữa các giới tính và các cá nhân.
Chung nhà nhưng mỗi người một thế giới. Ảnh minh họa
Đối với người già, gia đình ba thế hệ có con cháu đông vui, tình cảm đầm ấm, là điều quan trọng hơn tất cả. Phải chăng trong số những gia đình trẻ ly hôn ngày càng nhiều hiện nay, có một tỷ lệ khá lớn là những gia dình hạt nhân, ở đó những mâu thuẫn của đôi vợ chồng trẻ thiếu đi sự “cầm cân nẩy mực” của người già giàu kinh nghiệm, thiếu cái cầu nối để vợ chồng làm lành, dẫn đến những cuộc chia tay đáng tiếc?
Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những ưu điểm của gia đình hạt nhân. Bằng chứng là nó đang trở thành mô hình gia đình phổ bién trong thế giới đương đại. Có thể nói chẳng có mô hình gia đình nào phù hợp với đời sống đô thị hơn gia đình hạt nhân, khi mà mọi nhu cầu của con người ngày càng đòi hỏi chất lượng cao và phức tạp, với những hưởng thụ ngày càng tinh tế, mang đậm màu sắc cá nhân.
Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng, khi tế bào gia đình càng nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn được nữa thì nỗi cô đơn của con người càng lớn dần. Nó có chiều hướng trở thành căn bệnh trầm kha của thời đại. Nó là nguyên nhân đáng kể của bệnh tật và tử vong.
Rõ ràng gia đinh hạt nhân kém bền vững hơn gia đình ba, bốn thế hệ. Bằng chứng là từ khi số gia đình hạt nhân gia tăng trong thời gian gần đây thì tỷ lệ ly hôn cũng tăng theo. Không ít đôi vợ chồng trẻ vừa thoát khỏi sự giáo dục, chăm sóc của cha mẹ đã sống tự do buông thả, chưa hết tháng đã hết tiền, thậm chí cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, ngoại tình, chẳng ai bảo được ai dẫn đến ly hôn.
Nhưng suy cho cùng, để có một mô hình gia đình “tam tứ đại đồng đường” ổn định, ông bà ta đã phải xây dựng củng cố nó qua hàng nghìn năm, trong khi gia đình hạt nhân mới chỉ chập chững những "bước đi ban đầu" khoảng mấy chục năm gần đây thì những chao đảo của nó trên con đường tự khẳng định mình là điều không tránh khỏi.
Nhưng một khi nó đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại thì phải chăng dù muốn hay không, ta cũng chẳng thể đi ngược lại mà tốt hơn hết là nên tìm cách thích nghi với nó.
Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa
Dân Việt