Góc tâm hồn

Hồi sinh

(Dân trí) - Nhiều tuần sau khi tôi ly hôn, khu vườn từng một thời được chăm sóc rất cẩn thận của tôi đã sắp thành rừng rậm. Cỏ mọc cao tới hơn 30 phân, các luống hoa um tùm cỏ dại và nhìn tổng thể, nó trở thành nơi khô hạn, cằn cỗi.

 
Hồi sinh


Một buổi sáng nhìn qua cửa sổ, tôi thấy hai người hàng xóm đang tán gẫu với nhau, họ nhìn vào khu vườn của tôi, nói gì đó và lắc đầu không tán thành. Tôi biết cái vườn của mình là một đống lộn xộn, nhưng tệ hơn, tôi cũng như vậy.

 

Mặc dù cuộc hôn nhân đã qua của tôi không phải là điều hạnh phúc nhất, và đáng lẽ tôi cũng nên nhẹ nhõm vì rằng, rốt cuộc những tranh cãi cũng kết thúc, nhưng tôi vẫn thấy buồn và đơn độc. Khi lấy nhau, chúng tôi đã yêu nhau rất mực. Chúng tôi đã ở bên nhau trong gần 12 năm qua. Điều gì đã xảy ra vậy?

 

5 năm sau khi kết hôn, chúng tôi mua được ngôi nhà ở một vùng mới phát triển. Ngôi nhà đẹp, nhưng cái vườn thì thật tệ. Dù có tưởng tượng cách mấy cũng không thể gọi nó là vườn. Qua năm tháng, chúng tôi đã trồng cấy, gieo hạt, đã làm cỏ và tưới nước, cho tới khi khu vườn của chúng tôi trở thành nỗi ghen tỵ của hàng xóm láng giềng. Và giờ đây nó chỉ còn là cái bóng của những danh vọng một thời đã qua.

 

 “Mẹ, chúng ta phải làm gì đó thôi”. Dieter, cậu con trai 15 tuổi đã bảo như thế vào một ngày giữa tháng 5.

 

“Mình không thể để cho khu vườn như thế này được. Con với mẹ sẽ dọn dẹp lại nó và trồng cây gì đó. Mọi người có hoa tuy líp, hoa thủy tiên và những hoa tim tím - đó là hoa gì mẹ nhỉ?”.

 

- “Là hoa diên vĩ phải không?”

 

- “À vâng, hoa diên vỹ, nhưng mình thì chẳng có hoa nào”.

 

- “Khu vườn ngập cỏ con yêu ạ”, tôi nói, “Giờ thì chẳng cây gì lớn được trong đó cả”.

 

- “Vậy thì ta phải dọn dẹp thôi”. Thằng bé bảo. “Con với mẹ sẽ cùng làm nhé”.

 

Tôi muốn thế, nhưng đó dường như là công việc quá lớn và tôi thì chẳng hứng thú vì. Tôi đã chẳng còn hứng thú với bất cứ thứ gì nữa. Có những ngày ngay cả việc tắm rửa và mặc quần áo thôi cũng đã là một cố gắng rồi.

 

Nhìn vẻ mặt lo lắng của con, tôi chấp nhận đề nghị, nhưng tôi không biết hai mẹ con sẽ làm gì để biến cái vùng hoang dại đó thành một thứ có vẻ dễ thương hơn một chút. Cỏ đã mọc quá cao và nhiều cỏ dại nữa. Để làm xong mọi thứ chắc phải mất vài tuần.

 

“Mẹ đừng nhìn tất cả mọi thứ cùng lúc mẹ ạ”. Dieter nói khi hai mẹ con đã ở bên ngoài. “Mẹ hãy chọn một luống hoa và chỉ tập trung vào đó thôi. Con sẽ giải quyết đám cỏ. Nếu hôm nay mình chưa làm xong việc gì thì mai sẽ làm nốt”.

 

Tôi đã làm như con bảo. Tôi kiếm cái xô và cái bay trong nhà để xe và bắt đầu với luống hoa gần nhà nhất. Khi tôi đào đất, Dieter cắt cỏ.

 

Tôi đã khá vất vả để giải quyết luống hoa đó, nhưng nhìn Dieter cũng đang vất vả với công việc của nó, tôi biết mình phải tiếp tục. Hai mẹ con sẽ cùng làm việc với nhau và tôi phải thực hiện phần việc của mình. Sau một lúc tôi bắt đầu thấy thích thú. Hít thở mùi cỏ tươi vừa cắt và cảm nhận được hơi nóng mặt trời chiếu lên da dẻ là sự thay đổi đáng khích lệ so với việc xem ti vi suốt ngày.

 

Buổi trưa, máy cắt cỏ bỗng dưng im lặng. Nhìn lên, tôi thấy phần lớn đám cỏ dại đã được cắt xong.

 

“Con đã làm xong việc hôm nay rồi đấy hả?”, Tôi hỏi Dieter

 

“Nghỉ ăn trưa đã mẹ. Mẹ không đói ạ? Con thì đói rồi”.

 

Thực tế là tôi cũng đã thấy đói, đó cũng là một thay đổi. Đã rất lâu rồi tôi thường bỏ bữa trưa vì không có cảm giác thèm ăn.

 

“Còn làm được nhiều việc quá”. Vừa nhai bánh xăng-đuých với pho mát và cà chua tôi vừa bảo con.

 

“Mẹ cũng vậy mà”, Dieter bảo. “Luống hoa đó bắt đầu ổn hơn rồi mẹ ạ”.

 

“Nó mới chỉ là đất thôi con”, tôi nhún vai. “Nếu không có hoa, nó chưa thể gọi là luống hoa được”.

 

“Vâng, giờ thì là vậy. Nhưng rồi mẹ con mình có thể tới giữa vườn và hái về một vài bông hoa mà”.

 

“Đúng vậy”, tôi gật đầu.

 

“Mẹ có muốn nghỉ trưa một lát hay chúng ta tiếp tục làm luôn?”, thằng bé hỏi, đặt mấy cái đĩa vào bồn rửa.

 

“Chúng ta làm tiếp đi”, tôi nói, và nhận ra mình thực sự muốn trở lại khu vườn. “Mẹ muốn chúng ta kết thúc phần việc của hôm nay”.

 

Mỗi ngày mẹ con tôi làm chút một và tới khi cỏ đã được cắt xong, Dieter cùng tôi chăm sóc các luống hoa. Có những hôm chúng tôi làm một giờ, có hôm chúng tôi làm buổi sáng và có những hôm, khi Dieter đi học, tôi làm việc một mình.

 

Tôi không thể nói rằng tôi đã trải qua những ngày ca hát, nhưng tôi đã thức dậy vào buổi sáng với tinh thần hào hứng hơn. Tôi ăn sáng, ăn trưa và ăn tối vì tôi lại cảm thấy thèm ăn trở lại. Và ban đêm tôi ngủ say như chết.

 

Ở phần giữa khu vườn, tôi mua hồng và hoa thược dược, cẩm chướng và hoa cúc, hoa lan Nam Phi và hoa lay ơn, và hoa păng xê, loài hoa yêu thích nhất của tôi.

 

Đã có lúc tôi không thể chịu được hình ảnh của hoa păng xê khi vẻ đẹp rực rỡ của nó chế nhạo tôi và tôi thích làm bạn với một cây liễu sướt mướt hơn. Nhưng giờ không thế nữa, tôi đã thấy mình yêu thích hoa păng xê trở lại và tôi sẽ trồng chúng ở lối đi hai bên đường. Chúng là những bông hoa “chào mừng bạn đến chơi nhà!” của tôi.

 

Một ngày tháng 6, lúc tôi đang đứng ngoài vườn tưới nước cho đám hoa hồng, một người hàng xóm bước ra và mỉm cười. “Trông đẹp đó cô bạn”, cô ấy nói. “Chị và Dieter đã làm được điều thật kỳ diều. Chị thực sự đã làm hồi sinh khu vườn”.

 

Khi tôi liếc nhìn đám cây cối, bụi cây và các khóm hoa, tôi nhận ra những bông păng xê đang lấp ló khuôn mặt vàng và tím của chúng giữa đám đông ấy.

 

Tôi cảm thấy hạnh phúc, lần đầu tiên trong một thời gian dài. Tôi thực sự đã cảm thấy con người trước đây của mình. Và tôi tự hỏi, có phải Dieter và tôi đã làm hồi sinh khu vườn, hay chính nó đã làm hồi sinh tôi?

 

Đỗ Dương

Theo Conny Manero, Chicken Soup for the soul