Hội chứng yêu hờ trong giới trẻ

“Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc…” - Hội chứng yêu… để đấy chứ không tới bến tới bờ kiểu “cặp cho có đôi, đi chơi cho có bồ” đang khá phổ biến trong một bộ phận giới trẻ.

Từ “yêu gối vụ”…

Những cuộc tình không đam mê, sau mỗi lần đến và đi không để lại trong tâm hồn họ niềm vui hay nỗi buồn mà kéo theo là sự coi thường, hờ hững với giá trị đích thực của tình yêu.

Thực ra, Hữu Cường (Học viện Ngân hàng) cũng đã gắn bó với người bạn gái học cùng phổ thông tới 6 năm. Thế nhưng vì đỗ đại học sau bạn gái 1 năm  mà Cường trở thành “đàn em” khi người yêu ra trường và ổn định công việc trước. Không biết có phải xa mặt mà cách lòng (người yêu Cường về Hải Dương, quê hương của 2 người để lập nghiệp) mà đúng những ngày ôn thi tốt nghiệp, anh chàng nhận được tin nàng quyết định chia tay tình đầu để rục rịch… xây tổ ấm với người khác.

Có đau khổ, có buồn bã nhưng điều quan trọng hơn đối với Cường là dồn công, gắng sức cho cuộc thi quan trọng nhất trong cuộc đời. “Thi xong, mình chẳng thấy buồn cũng không thấy vui. Cô ấy đi vào dĩ vãng nhanh hơn cả “dự tính” và mình lại hứng thú khi tìm cách liên lạc với một nàng mới quen trong kỳ thực tập” - Cường cởi lòng khá tự nhiên khi kể về chuyện tình yêu của mình.

Thế rồi một chiến dịch của hoa và những lời có cánh (nhưng phải chân tình một chút), chẳng khó khăn gì Cường lại có một người yêu mới, tay trong tay trước mặt bạn bè. Thử mức độ nông sâu mối tình mới của Cường, tôi hỏi: “Nếu cô ấy lại chia tay bạn để đến với người khác…?”. Chưa kịp dứt lời, Cường trả lời ráo hoảnh: “Việc gì phải vấn vương, rồi tôi lại có người khác. Yêu nhiều, càng có nhiều cơ hội để lựa chọn”.

Chẳng riêng Cường mà bạn bè của cậu cũng nhiều người liên tục refresh các cuộc tình. Sau mỗi lần chia tay, họ tụ tập để “báo cáo kết quả”, có người yêu mới cũng gặp mặt để “thông báo tình hình”.

Vì không đắm say, hết lòng với tình yêu mà những cuộc trò chuyện của họ thường không bàn tới việc cứu vãn sự đổ vỡ. Lưu Thành (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) nói: “Chúng tôi chia tay nhau vì những lý do lãng nhách. Và sau những “vết cứa lòng” tôi chỉ thích học kinh nghiệm của những tay đi trước về cách cưa đổ các nàng trong thời gian nhanh nhất và ít tốn kém nhất thôi”.

… Tới “yêu xen canh”

Sáng đưa người yêu đến trường, tối lại sẵn sàng cặp kè với người bạn gái khác. Ngọc Long (Học viện Tài chính) tự biến mình thành con thoi và kẻ có sự tỉnh táo cao độ để tránh sự nhầm lẫn khi đi chơi với các nàng. “Kể cũng hơi quá đáng thật khi cứ phải nói mãi một điệp khúc “anh chỉ yêu mình em” rồi rỉ tai cho mấy “nửa” của mình” - Long tâm sự. Thế nhưng cái sự đa mang ấy không làm cho những kẻ đa tình mệt mỏi. Trái lại, theo Long, kiểu “yêu xen canh” làm cho cuộc sống tẻ nhạt của cậu thêm đa sắc màu.

Ngồi nghe mấy “trụ cột” tương lai của gia đình nói chuyện yêu mà chóng mặt, ù tai không biết họ có mấy người yêu cùng lúc nữa, tôi đành chen vào: “Này, cái Ngoan, Hạnh, Liên là người yêu của đứa nào vậy? Cánh đàn ông các cậu lăng nhăng quá!”. Hà Việt, bạn cùng lớp với Long nhìn tôi cười mỉa: “Bà chị chậm tiến quá. Cái Liên bạn em cũng chẳng chịu thiệt đâu. Có hôm em đến đón, đã thấy nó ôm eo một chàng khác rồi”.

Hiện tại, Việt yêu một em ra mắt chính thức với bạn bè, một nàng khác qua…điện thoại di động làm cậu nhấp nhổm tin tít nhắn tin suốt đêm. Ba tháng nay, Việt sút 2 ký lô chẳng phải vì việc học mà vì thêm người yêu mới.

Hờ hững với tình yêu?

Không giống như những thanh niên cứ lao vào “yêu cái đã”, mọi chuyện hậu xét, Nguyễn Bình (CĐ Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) lại dửng dưng với những cô gái dành tình cảm cho mình. Có thể cảm thông với Bình khi phải bù đầu vừa học vừa lao vào làm thêm như điên ngay từ năm thứ 2 mà không có thời gian tìm hiểu “ai đấy” làm bạn. “Thế nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Mặc dù có điều kiện thời gian, cũng thích vài cô nhưng có điều gì đó cứ lửng lơ trong trái tim làm tôi không muốn nói lời yêu” - Bình bộc bạch.

Có một nhà tâm lý học đã từng nói, vì đời sống tinh thần quá nghèo nàn và không đủ trình độ làm mới tình yêu nên giới trẻ thường rơi vào tình trạng “cả thèm chóng chán”.

Sau mỗi lần chia tay với người yêu, họ không buồn mà cũng chẳng vui bởi lẽ với những tâm hồn hời hợt và xem thường giá trị tình cảm, họ không cảm nhận được sự thi vị, đẹp đẽ và cao thượng của tình yêu chân chính.

Theo Hà Thanh

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm